Liên quan đến người đàn ông 54 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, chiều 7/9, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau một tuần điều trị, mức độ hồi phục của bệnh nhân vẫn chưa được cải thiện so với lúc nhập viện.
Hiện tại, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, thực hiện được các y lệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân bị liệt cơ tay khá nặng, sức cơ khoảng 2/5, bệnh nhân có tể di động bàn tay, bàn chân trên giường nhưng không thể nhấc lên được. Bên cạnh đó, bệnh nhân vẫn còn suy hô hấp, liệt cơ hô hấp không có nhịp thở vẫn phải thở máy, sinh hiệu tạm ổn.
Dù đã được lọc máu, thay huyết tương và được điều trị hỗ trợ nhưng mức độ hồi phục chưa được cải thiện. Tình trạng liệt kéo dài do bệnh nhân ăn phải lượng độc tố Botulinum lớn.
Bác sĩ Hùng cho biết, hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Bộ Y tế đang liên hệ với các quốc gia trên thế giới để tìm thuốc giải độc. "Mặc dù thuốc giải độc trên lý thuyết thì sử dụng trong tuần đầu tiên là tốt nhất. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên thế giới thì có thể sử dụng ở bất cứ thời điểm nào, dù lợi ích giải độc có thể giảm đi nhưng có thể rút ngắn thời gian thở máy của bệnh nhân lại. Vì vậy, tất cả các nguồn đang lưu trữ thuốc thì Bệnh viện đều liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp qua Bộ Y tế", bác sĩ Hùng nhận định.
Ngoài ra, bác sĩ Hùng cho biết, thông tin đáng mừng là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã có chứng nhận cung cấp thuốc cho Việt Nam. "Hy vọng trong thời gian ngắn nhất có thể nhận được thuốc và chúng tôi sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc giải độc tố cho các bệnh nhân đã bị ngộ độc ở mức độ nặng, liệt hoàn toàn và thở máy khi thuốc về tới Việt Nam", bác sĩ Hùng thông tin.
Tính đến nay, các bệnh viện ở TPHCM đã tiếp nhận và điều trị cho 9 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Trong đó, 5 người đã chuyển viện, ngoài bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn 2 người đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, một người tại Bệnh viện Nhân dân 115.