Vắc xin ngừa COVID-19 từ trước đến nay vẫn được coi là “chìa khoá” để các nước mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa hẹn về một “mùa hè tự do” nếu đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số Mỹ trước ngày Quốc khánh 4/7.
Ngay cả khi xuất hiện nhiều biến chủng dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2, ví dụ như biến chủng Delta (được phát hiện ở Ấn Độ), vắc xin vẫn được quảng cáo là hiệu quả và an toàn.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khỏi tỏ ra lo ngại. Tại một cuộc họp giao ban hôm thứ Hai, nhà dịch tễ học Maria van Kerkhove tuyên bố một ngày nào đó vắc xin có thể mất tác dụng đối với “một loạt các đột biến” có khả năng phát sinh trong tương lai.
Bà Kerhive cho biết “thế hệ tiếp theo” của vắc xin ngừa COVID-19 cần được sản xuất trong thời gian tới. Nhưng bà cũng nhấn mạnh “chúng ta có các công vụ khác” để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Chuyên gia WHO không nói rõ những công cụ này là gì, nhưng có khả năng bà muốn đề cập đến việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và các biện pháp tương tự, khi bà thúc giục mọi người "làm những gì bạn có thể để bản thân không bị nhiễm bệnh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.”
Trên thực tế, virus thường đột biến theo thời gian, nhưng hầu hết các đột biến đều làm cho mầm bệnh ít chết chóc hơn. Ví dụ, virus H1N1 từng gây ra cái chết của khoảng 50 triệu người trên thế giới cách đây một thế kỉ. Đến nay, các biến chủng của H1N1 vẫn lây lan mỗi mùa cúm.
Biến chủng Delta của virus gây dịch COVID-19 được WHO coi là “biến thể đáng quan tâm” trên toàn cầu, cùng với ba biến chủng khác được phát hiện lần đầu ở Anh, Nam Phi và Brazil. Tuy được đánh giá là có thể tăng tỉ lệ lây lan, nhưng không biến chủng nào trong số các biến chủng nói trên được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn thế giới đã giảm dần từ đầu năm nay. 95 quốc gia chỉ báo cáo hơn 7.500 ca tử vong trong tuần cuối cùng của tháng Năm, thấp hơn so với gần 50.000 ca trong tuần đầu tiên của năm 2021.