Vượt qua những biên giới sáng tạo

TP - “Ở Hàn Quốc, tôi có nhiều công bố khoa học, 4 bằng sáng chế nhưng phải ghi địa chỉ là Korea nên không thấy có động lực nghiên cứu và muốn trở về làm khoa học trên quê hương mình”. Từ chính tâm tư nặng lòng đó mà giờ đây cái tên Nguyễn Thị Hiệp được điền trên bản đồ khoa học quốc tế. Chị được vinh danh “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do UNESCO trao tặng. Năm 2019 chị trở thành một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á.
TS Nguyễn Thị Hiệp hướng dẫn sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm

Cú sảy chân định mệnh

Không nhắc nhiều về những thành công khi ở nước bạn, câu chuyện của TS Hiệp xoay quanh trăn trở làm thế nào để những người trẻ đam mê, dấn thân vào nghiên cứu, làm chủ khoa học công nghệ bởi đây chính là con đường vững chắc nhất đưa quốc gia phát triển. Khác với hình dung của mọi người về phụ nữ làm khoa học thường khô khan, ít nói, thậm chí khó tính nhưng khi đối diện với Hiệp, nụ cười hiền hậu tỏa nắng trên khuôn mặt tròn trịa của người phụ nữ 38 tuổi khiến chị trẻ hơn nhiều so với tuổi. Lối nói chuyện nhẹ nhàng, ấm áp, sẻ chia rất phụ nữ khiến câu chuyện mỗi lúc một đậm đà, những đề tài khoa học vốn khó hiểu và cứng nhắc bỗng trở nên dễ thấm và cuốn hút.

Nguyễn Thị Hiệp nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới tại Pháp

Ký ức đưa cô trở về những tháng năm tuổi thơ ở phường Long Phước (quận 9, TPHCM). Hồi ấy, lần đầu tiên nhìn khói bốc ra từ thí nghiệm bỏ natri vào nước, Hiệp sững sờ, liên tục tự vấn “vì sao lại thế”. Cũng từ đó, trong tâm trí cô chỉ khát khao sau này phải làm gì liên quan đến những thứ kỳ diệu như thế. Ngày tốt nghiệp khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG) loại xuất sắc, Hiệp trả lời phỏng vấn của giáo sư Hàn Quốc và cô được nhận học bổng sang Hàn Quốc học. Nhưng đây cũng là bước ngoặt với cô gái nhỏ khi học bổng chuyên ngành Hóa không còn, Hiệp “sảy chân” vào ngành Y sinh.

Hai năm đầu tiên đối mặt với khó khăn về ngôn ngữ, sự mới mẻ của kiến thức y sinh. Chứng kiến việc giết chuột để lấy mẫu làm thí nghiệm, rồi tự tay phải lấy mẫu trong những lần nghiên cứu tiếp theo khiến cô bủn rủn tay chân, khóc rất nhiều vì vừa sợ vừa tội nghiệp cho lũ chuột. Để mỗi ngày một vững vàng hơn, gạt đi những yếu đuối vốn rất phụ nữ, cô luôn nhớ lời thầy hướng dẫn “hy sinh cho khoa học là sự hy sinh không vô ích”. Cũng từ đó, sau mỗi lần thí nghiệm Hiệp tự nhủ: “Ta sẽ dùng mày cho mục đích khoa học, cứu nhiều bệnh nhân trong tương lai, mày không hề bị giết vô cớ”.

Khoảng thời gian đầy thử thách đó, vừa nhớ nhà vừa ám ảnh công việc đến nỗi cô gái trẻ có những giấc mơ kinh hoàng khi thấy những tế bào di chuyển, bò lên giường. Nhiều đêm Hiệp tỉnh giấc trong sợ hãi, mồ hôi ướt trán. Nhưng càng đi sâu tìm hiểu, đam mê khám phá những tế bào bí ẩn càng lớn dần trong tâm trí nhà khoa học trẻ. Đến giờ khi kinh nghiệm nghiên cứu đã dày dặn nhưng lần nào nhìn qua kính hiển vi, thấy mỗi tế bào là một đơn vị sống trong cơ thể, xây nên hình thù to lớn bên ngoài chị vẫn giữ nguyên cảm giác hồi hộp, thú vị của những ngày mới chập chững vào nghề.

Khóa học tiến sĩ gần kết thúc cũng là lúc Nguyễn Thị Hiệp nhận được lời mời ở lại Hàn Quốc nghiên cứu vài năm để trở thành phó giáo sư với mức lương khởi điểm 3.000 đô la Mỹ. Không do dự, Hiệp từ chối những ưu đãi đó bởi chưa bao giờ thôi trăn trở “phải làm được điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương, phải khơi gợi được tình yêu nghiên cứu khoa học cho giới trẻ để Việt Nam có những nghiên cứu giá trị buộc thế giới phải thừa nhận”. Và hơn cả, chưa nguôi trong trí nhớ của Hiệp hình ảnh người đàn ông năm xưa cô vô tình chứng kiến anh bị máy xén đất cắt ngang người, mất máu mà chết. Hình ảnh đó đeo đẳng, ám ảnh cô. Sau này tiếp xúc với chuyên ngành Y sinh giúp cô hiểu thêm những ứng dụng tuyệt vời của nó và lớn dần trong cô ước mơ chế ra được vật liệu có thể chữa lành những vết thương, cầm máu ngay lập tức.

Từ phòng thí nghiệm 3 không vươn tầm thế giới

Ngày trở về Việt Nam, Hiệp thật lòng không tránh khỏi cảm giác sốc khi đối diện với hiện thực của phòng thí nghiệm 3 không: Không tài trợ, không dự án, không máy móc. Thiết bị đầu tiên cô dùng làm thí nghiệm là chiếc lò vi sóng để hâm nóng thức ăn đã cũ. Những ngày tháng đầu tiên vô cùng khốn khó khi lĩnh vực y học tái tạo còn quá mới mẻ tại Việt Nam, nên không có ai tin chứ đừng nói tài trợ kinh phí để làm. Thứ mà Hiệp có nhiều nhất lúc bấy giờ là ý chí. Không nản lòng bởi cô biết đang chờ mình phía trước là hành trình đầy gian nan nhưng sẽ lắm bất ngờ. Làm khoa học Hiệp hiểu muốn thành công phải luôn đam mê và vượt qua mọi thác ghềnh. Sau nhiều năm nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Hiệp đã thử nghiệm keo dán sinh học chữa thương thành công trên lợn và chuẩn bị thực nghiệm trên người.

Loại keo “thông minh” do TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) nghiên cứu có thể dùng để cầm máu, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô, mang tới giải pháp tự tạm chữa vết thương hữu hiệu cho những người sống xa bệnh viện. Nhờ nó cô trở thành nhà khoa học nữ thứ hai của Việt Nam được lựa chọn trong suốt 20 năm kể từ khi có giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới”. Nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển keo để tiêm khớp gối, tải tế bào gốc, tái tạo mô cho bệnh nhân ung thư.

Nhắc đến nguồn vốn để tiếp tục nghiên cứu khoa học, giọng Hiệp hơi trầm xuống. Bao năm qua một phần tiền lương và toàn bộ tiền đăng bài báo quốc tế do nhà trường hỗ trợ cùng các nguồn tài trợ từ nước ngoài và tiền giải thưởng đều được Hiệp gom lại để “nuôi” thí nghiệm, đầu tư cho nhóm nghiên cứu.

TS Hiệp làm việc trong phòng thí nghiệm

“Thật lòng tôi luôn mơ ước tới những biên giới mới của khoa học”, Hiệp đã nói nhẹ bẫng như thế khi trải lòng về đam mê. Suốt 10 năm nghiên cứu, công trình màng keo sinh học bảo vệ cho vết thương da đã cho những kết quả khả quan, giúp cô đạt được nhiều thành công mang tầm thế giới trong sự nghiệp khoa học của mình. Và tôi tin cô đang từng ngày bước đến những biên giới mới của sự sáng tạo bằng ý chí, niềm tin và tình yêu bất biến với nghề…

“Hiện tại, nghiên cứu của tôi chủ yếu nhận kinh phí ở nước ngoài. Hy vọng, nhà nước thấy được tiềm năng của hướng nghiên cứu mới này để tài trợ”.
 TS Hiệp chia sẻ

GS.TS Võ Văn Tới, nguyên Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh nhìn nhận về cô học trò đặc biệt của mình: “Tôi thấy ở Hiệp có tất cả đức tính đáng quý của một “người nhà quê”. Em cần cù, chịu khó, sống tình cảm, thật thà, ẩn sâu bên trong là ý chí độc lập, tính cách lạc quan và có nhiều ý tưởng vượt ngoài khung bình thường. Những điều đó giúp em trở thành một nhà khoa học xuất sắc”.