Vừa vào mùa du lịch, hàng loạt nhà hàng nổi ở Cát Bà ‘đột ngột’ phải di dời

TPO - Hàng loạt chủ các nhà hàng nổi trên vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) bất ngờ phải di dời cơ sở kinh doanh giữa thời điểm đầu mùa du lịch sau đại dịch.

Hàng loạt chủ nhà hàng nổi lo lắng

Ông Bùi Đăng Dư (chủ nhà hàng nổi Lan Hạ) cho biết, ngày 6/4 ông và các hộ kinh doanh nhà hàng nổi đồng loạt nhận được thông báo của UBND huyện Cát Hải về việc phải di dời khỏi khu vực vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà trước ngày 1/5.

Ông Dư cho biết, 2 năm qua do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch đóng băng nên các hộ kinh doanh nhà hàng phải cầm cố, duy trì hoạt động.

Mới đây, Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại kể từ 15/3, ông và các hộ kinh doanh khác vay mượn hàng trăm triệu đồng sửa sang, duy tu lại nhà hàng để đón khách.

Ông Bùi Đăng Dư - Chủ nhà hàng nổi Lan Hạ.

Chủ nhà hàng nổi Lan Hạ chia sẻ, kỳ nghỉ dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lượng khách đông trở lại, các hộ kinh doanh nhà hàng nổi rất vui mừng và kỳ vọng mùa du lịch năm nay sẽ khởi sắc, có cơ hội phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, vừa hoạt động được 2 tháng thì đồng loạt các nhà hàng bất ngờ nhận thông báo phải di dời.

"Phải di dời quá gấp, các hộ kinh doanh nhiều lần kiến nghị lý do huyện Cát Hải di dời, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục được kinh doanh để phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, các kiến nghị không được phản hồi hay mời họp bàn các phương án, lịch trình", ông Bùi Đăng Dư nói.

Chị Hoa (chủ nhà hàng nổi Mai Hoa) thông tin, khu vực kinh doanh mới đối diện Bến Bèo, cách vịnh trung tâm khoảng 1km. Vị trí này sát cửa biển, sóng to gió lớn, tiếp giáp với luồng tuyến giao thông đường thủy qua lại, không đảm bảo điều kiện an toàn.

Vừa vào mùa du lịch sau đại dịch, hàng loạt nhà hàng nổi trên vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà phải di dời khẩn cấp.

Nguy cơ mất an toàn

Là một trong những hộ kinh doanh đã di dời nhưng chị Ngô Thị Thu Hiền (chủ nhà hàng nổi Tuyến Béo) tỏ ra buồn bã khi một mình dọn dẹp, khác hẳn với cảnh tấp nập du khách đến ăn như vài tuần trước.

Chị Hiền cho biết, sau một tuần dời đến khu vực bến Cái Bèo, nhà hàng chị mới tiếp đón được 2 lượt khách. Rất nhiều nhà hàng kế bên còn không một bóng người, thậm chí có gia đình tạm dừng chưa dọn dẹp, chưa sửa sang hàng quán trở lại vì ế ẩm.

Chị Hiền cho rằng, nguyên nhân do khu bến tàu khách Cái Bèo có tàu du lịch và các phương tiện giao thông đường thủy hoạt động tấp nập, không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Sau lưng các nhà hàng nổi có cơ sở chế biến sứa xả thải dẫn đến mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng thủy hải sản trong lồng chờ.

Khu kinh doanh dịch vụ ăn uống được huyện Cát Hải bố trí khu vực đối diện Bến Bèo, gần cửa biển, nơi có luồng tuyến giao thông đường thủy, nhiều tàu thuyền qua lại.

Khu kinh doanh mới cách xa bờ khoảng 500m, khách muốn ra nhà hàng phải di chuyển qua Bến Bèo, phí đi thuyền ra nhà hàng nổi, rất bất tiện. Nhiều nhà hàng nổi liên tiếp xảy ra sự cố vì sóng mạnh đánh dây neo cọ xát vào đá ngầm dẫn đến đứt.

"Nếu nhà hàng đang phục vụ hàng trăm khách mà gặp sự cố đứt dây neo thì rất nguy hiểm. Có đoàn khách đi nửa đường đã quay về vì sợ mất an toàn, mất quá nhiều thời gian.", chị Ngô Thị Thu Hiền nói.

Nhân viên một nhà hàng sửa dây neo hư hỏng tại khu mới đối diện Bến Bèo do sóng to gió lớn.

Vì sao phải di dời nhà hàng nổi ở thị trấn Cát Bà?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Tuấn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, việc di dời nhà hàng nổi nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND TP Hải Phòng ngày 12/8/2021 và Thông báo số 500 ngày 11/8/2021 của UBND TP Hải Phòng.

Theo ông Mạnh, các nhà hàng nổi không thuộc diện được bồi thường bởi chỉ phải di chuyển từ vịnh trung tâm thị trấn đến Bến Bèo.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị quyết 05 của HĐND thành phố Hải Phòng chỉ quy định hỗ trợ đối với gia đình, cá nhân thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Nghị quyết này không áp dụng đối với các nhà hàng nổi và các cơ sở nuôi thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà phát sinh sau ngày 18/12/2015.

Còn Thông báo số 500 về việc chuyển hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản từ Cảng cá Cát Bà đến khu vực hậu cần thủy sản Trân Châu. Thông báo này không đề cập việc di dời nhà hàng nổi, chỉ dừng hoạt động Cảng cá Cát Bà từ 10/11/2021.

Về phản ánh phải di dời nhà hàng nổi khẩn cấp để bàn giao mặt nước thực hiện dự án, ông Mạnh từ chối trả lời.