Khan nguồn tuyển
Năm học 2022 - 2023 đã khép lại với một trong những nhiệm vụ rất khó với các địa phương. Đó là dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 khi cả nước thiếu hơn 5.300 giáo viên tiếng Anh.
Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đầu năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 2.609 học sinh lớp 3 với 76 lớp, nhưng chỉ có duy nhất 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Bậc THCS có 24 giáo viên tiếng Anh. Do quá khó khăn về đội ngũ nên UBND huyện và Phòng GD&ĐT đã phải cầu cứu Hiệu trưởng hệ thống Trường Marie Curie Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Khang, hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho huyện trong một năm.
Hà Giang hiện thiếu 2.443 giáo viên; các địa phương trong tỉnh đã thông báo tuyển giáo viên các môn học, cấp học còn thiếu. Tuy nhiên, do không có nguồn tuyển đối với giáo viên môn tiếng Anh nên năm học 2022-2023 tỉnh thiếu 197 giáo viên. Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục Mèo Vạc, cho biết, đến cuối năm học, huyện tuyển được thêm 2 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. Trước mắt, huyện cho chủ trương hợp đồng để đủ giáo viên đứng lớp.
Trên cả nước, thiếu giáo viên môn học chương trình mới còn diễn ra ở môn Tin học (bậc Tiểu học), môn tích hợp ở bậc THCS và môn Mỹ thuật, Âm nhạc ở bậc THPT.
Đắk Nông thiếu gần 1.000 biên chế. Khi được giao chỉ tiêu trong ngành giáo dục, Đắk Nông không tuyển dụng hết vì để dành cho việc tinh giản 10% theo quy định. Khi có chỉ tiêu biên chế, việc tuyển dụng gặp khó do không có nguồn tuyển. Ở cấp THCS, tỉnh này chưa tuyển dụng được giáo viên tổ hợp môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên do nguồn đào tạo từ các trường sư phạm chưa đáp ứng được số lượng giáo viên. Ở cấp THPT, qua 2 năm, Sở GD&ĐT Đắk Nông chỉ tuyển dụng được 3 giáo viên môn Âm nhạc. Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT đã chủ động tiếp nhận giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật từ các tỉnh, bố trí giáo viên 2 chuyên ngành này có trình độ Đại học đang giảng dạy cấp THCS để dạy cấp THPT.
Tỉnh Đắk Nông đề nghị Trung ương xem xét, giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách; đồng thời xin không thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 đối với tỉnh hoặc có cơ chế đặc thù.
Chưa kể các môn học lần đầu được đưa vào giảng dạy tại Việt Nam là tích hợp Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý hiện rất rối, mỗi nơi làm một cách, bộc lộ những bất cập khó khắc phục vì giáo viên vốn chỉ dạy đơn môn, sau đó được tập huấn để dạy tích hợp. “Cuộc hôn nhân cưỡng ép” này giữa các giáo viên đơn môn đã dẫn đến nhiều hệ lụy khiến cả cô và trò đều mệt mỏi, nhiều chuyên gia nhận định.
Sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT Tây Ninh cho rằng việc chuẩn bị cho triển khai Chương trình chưa thật sự bài bản. Đến nay, hầu hết trường phổ thông chưa có thiết bị dạy học theo chương trình. Đội ngũ giáo viên các cấp học, bậc học thiếu nhiều, tuyển dụng không đủ chỉ tiêu cần tuyển. Một số môn học trong chương trình không triển khai được, vì không có giáo viên ở cấp THCS, không một giáo viên nào có thể dạy được từ hai đến ba môn học. Hiện có ý kiến đề nghị tách hai môn tích hợp thành năm môn học như trước đây.
Trong khi đó, đến nay mới chỉ có một số ít trường đào tạo giáo viên được mở mã ngành này. Năm 2023, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chưa tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên hay Lịch sử - Địa lý, vẫn tuyển sinh đào tạo các ngành đơn môn. Đây là cơ sở đào tạo sư phạm lớn nhất cả nước.
Dự án triệu đô như “muối bỏ bể”
Để hỗ trợ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới, Chính phủ có 2 dự án giao cho Bộ GD&ĐT. Trong đó, Dự án Chương trình phát triển giáo dục các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (ETEP) có tổng kinh phí 100 triệu USD (khoảng 2.250 tỷ đồng).
Đầu năm 2022, dự án ETEP đã hoàn tất 95% khối lượng công việc. Khi tham gia chương trình ETEP, 7 trường ĐH sư phạm chủ chốt đã xây dựng được 50 chương trình đào tạo cử nhân; còn Học viện Quản lý giáo dục (trực thuộc Bộ GD&ĐT) xây dựng 1 chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến quản trị trường phổ thông. Các chương trình đào tạo khác được rà soát tổng thể và cải tiến để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như xu hướng hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, dường như Bộ GD&ĐT, chương trình ETEP đã không chuẩn bị đội ngũ giáo viên một cách đầy đủ để địa phương có nguồn tuyển, các chuyên gia nhận định. Theo họ, Bộ GD&ĐT đã đưa ra mức yêu cầu quá cao trong khi chuẩn bị thay sách năm thứ tư.