> Vụ Tiên Lãng, Văn Giang: Công an chỉ bảo vệ chứ không cưỡng chế
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2012, diễn ra hôm 16-7.
Trước đó, đại diện Sở Tư pháp Hải Phòng đã có báo cáo về bài học kinh nghiệm rút ra từ vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng.
Đại diện Sở Tư pháp Hải Phòng cho rằng, những quy định đất đai trước năm 2003 không rõ ràng, gây khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong áp dụng pháp luật.
Nhiều văn bản quy định về sử dụng đất nông nghiệp nhưng lại không thống nhất. Tuy có sự phân biệt nhưng chưa rõ ràng giữa đất nông nghiệp sử dụng lâu dài và đất bãi bồi, ven sông, ven biển, nuôi trồng thủy sản. Thời hạn giao đất của các văn bản là khác nhau.
Với những bất cập trên, đại diện Sở Tư pháp Hải Phòng kiến nghị cần sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, để giải quyết những nguyên nhân cơ bản của các khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
Trong đó quy định hình thức sở hữu và cơ chế sử dụng của từng loại đất, chủ thể sử dụng đất, xác định thẩm quyền ban hành VBQPPL và quyết định hành chính về quản lý đất đai của từng cấp chính quyền.
Đối với các quyết định cưỡng chế, thu hồi đất cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn để địa phương áp dụng.
Theo Luật Đất đai hiện hành, có tới 12 trường hợp thuộc diện bị thu hồi đất nhưng các quy định về điều kiện, cách thức, lực lượng cưỡng chế với các trường hợp chưa được cụ thể.
Đại diện Sở Tư pháp Hải Phòng cũng kiến nghị sớm hợp nhất Luật Ban hành VBQPPL, áp dụng chung cho cả T.Ư và địa phương để thống nhất về trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL, đồng thời cần có quy định xử lý trách nhiệm của cá nhân, cơ quan ban hành hoặc tham mưu ban hành VBQPPL trái pháp luật...