Vụ siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành: Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của 5 'đại gia'

TPO - Khi luận tội 14 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 433 tỷ của 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành, đại diện Viện sát đề nghị tòa bác toàn bộ kháng cáo của 5 'đại gia' bị Thành mang sổ tiết kiệm đi thế chấp vay tiền tại các ngân hàng.

Ngày 28/3, TAND Cấp cao tiếp tục tranh luận về các kháng cáo liên quan vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết 17 cán bộ 3 ngân hàng chiếm đoạt 433 tỷ đồng.

Trước đó, nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo của ngân hàng VietABank tiếp tục phong tỏa số cổ phần để khắc phục hậu quả phần sai phạm của Thành với ngân hàng này, còn 249 tỷ đồng.

Ở phần xét hỏi, Thành từng khai vay tiền của 3 ngân hàng VietABank, NCB và PVComBank để góp cổ phần vào Công ty Cổ phần đầu tư MHD Hà Nội, nay bị cáo xin để lại 26% cổ phần tại doanh nghiệp này để khắc phục hậu quả.

Theo Viện kiểm sát, vì Thành khai nguồn tiền bị cáo dùng mua cổ phần do vay mượn cả 3 ngân hàng, để đảm bảo quyền lợi, Viện kiểm sát đề nghị tòa dùng số cổ phần để khắc phục thiệt hại cho cả 3 ngân hàng, chứ không riêng VietABank.

Bên công tố đánh giá Thành phạm tội nhiều lần với số tiền rất lớn, bị cáo xin giảm nhẹ dù có vài tình tiết mới nhưng không đủ chấp nhận. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Thành cùng 9 người khác.

Có 3 người được Viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo, giảm án từ 3 tháng tù đến 1 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm.

Ngoài kháng cáo phần hình sự, một loạt cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng cũng kháng cáo về phần dân sự.

Cụ thể, 8 “đại gia” gửi tiền tiết kiệm bị Thành mang sổ tiết kiệm đi thế chấp vay tiền tại các ngân hàng, số này có 5 người kháng cáo xin thay đổi tư cách tố tụng sang người liên quan, đề nghị ngân hàng trả lại tiền trong sổ tiết kiệm hoặc gỡ bỏ phong tòa sổ. Tuy nhiên, kháng cáo của nhóm đại gia bị Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ.

Tương tự, 3 ngân hàng có kháng cáo yêu cầu nhóm đại gia và Nguyễn Thị Hà Thành trả lại khoản lãi mà ngân hàng đã chi trước cho các hợp đồng giả cách, cũng bị bác bỏ.

Liên quan đến vụ án, Viện kiểm sát cũng đề nghị tòa bác toàn bộ kháng cáo của Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội. Doanh nghiệp được tòa sơ thẩm xác định đã nộp 25 tỷ đồng cho VietABank "bồi thường thay" cho Hà Thành, vì thế Thành có nghĩa vụ trả lại cho MHD.

Song tại phiên phúc thẩm, MHD Hà Nội kháng cáo không đòi Thành mà đề nghị VietAbank phải trả tiền.

Đại diện MHD Hà Nội giải thích, việc kháng cáo đổi đối tượng đòi tiền do tòa sơ thẩm kết luận có sự thông đồng của Hà Thành với bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh VietABank) để thực hiện vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo đại diện MHD Hà Nội, thiệt hại của VietABank do chính nhân viên ngân hàng làm sai gây nên. MHD vì vậy không có nghĩa vụ phải thay Nguyễn Thị Hà Thành trả tiền. VietABank phải trả lại MHD 25 tỷ đồng.


Bản án sơ thẩm xác định, dokinh doanh thua lỗ, “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành, nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2018, Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.

Nguyễn Thị Hà Thành đã câu kết với 17 người là cựu cán bộ, nhân viên NCB, VietABank và PVCombank để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các “đại gia”, hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.

Các cựu cán bộ ngân hàng đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định. Họ bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo, chưa qua thẩm định..., qua đó giúp Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác.

Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, PVComBank 49,4 tỷ đồng, VietABank hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.