Vụ sập giàn giáo Formosa: Các bị cáo khai gì trước tòa?

TPO - Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thái Đức thừa nhận bản thân không hề có bằng cấp chứng chỉ nào về lĩnh vực xây dựng, cũng chưa từng được học về kỹ thuật điều khiển kích thủy lự và  "chỉ vừa làm vừa học".
Bốn bị cáo tại phiên tòa ngày 16/12.

Sau một tháng hoãn tòa vì vắng mặt bị cáo, sáng ngày 16/12 TAND tỉnh Hà Tĩnh mở lại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về an toàn lao động” khiến 13 công nhân tử vong, 29 người bị thương tại Khu kinh tế Vũng Áng. Bốn bị cáo đưa ra xét xử gồm Lee Jae Myeong (62 tuổi) và Kim Jong Wook (43 tuổi) cùng mang quốc tịch Hàn Quốc, Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, trú xã Quảng Hải, TX Ba Đồn, Quảng Bình), Nguyễn Thái Đức (30 tuổi, quê xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thái Đức thừa nhận điều khiển kích thủy lực từ giàn giáo Lane 2. Bị cáo này cũng cho hay trước đó chưa từng được học về kỹ thuật điều khiển kích thủy lực, không có chứng chỉ bằng cấp nào về lĩnh vực này, chỉ vừa làm vừa học và được các kỹ thuật viên người Hàn Quốc chỉ dạy qua loa bằng...miệng. “Khi kiểm tra kích thủy lực số 22 và 24 tại Lane 2 thấy tụt xuống so với một số kích khác. Phát hiện sự việc bị cáo đã báo cho Trần Anh Hoàn, người trực bàn, nhưng anh Hoàn không báo cáo ông Lee và ông Kim”, bị cáo Đức nói.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn khai rằng khi kích thủy lực bị tụt, bị cáo tự ý điều chỉnh và không báo cáo với ông Kim và ông Lee. Chủ tọa phiên tòa chấn vấn tại sao khi phát hiện sự cố liên tiếp tại sao không thông báo cho người có trách nhiệm? “Bị cáo nghĩ không vấn đề gì nên tự xử lý”, Nguyễn Anh Tuấn trả lời. Hai bị cáo Kim và Lee nói: “Là người nước ngoài nên không rõ pháp luật Việt Nam, nếu theo pháp luật bị cáo có lỗi bị cáo sẽ nhận, đồng thời gửi lời xin lỗi chân thành đến các gia đình nạn nhân”.

Khác với lời khai các bị cáo, bị hại Lê Văn Thái khẳng định sau khi giàn giáo rung lắc lần 2, ông Kim và Lee lên giàn giáo vài phút rồi ra hiệu và nói bằng tiếng việt "không sao", sau đó đi xuống. “Lần một giàn giáo rung lắc, tổ trưởng nói không sao. Lần thứ hai rung lắc, 2 người Hàn Quốc lên kiểm tra và một người cũng nói "không sao" và bảo công nhân cứ tiếp tục làm việc”, một nạn nhân khai tại tòa. Ngày 17/12, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi và tranh luận.

Theo cáo trạng được đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh công bố tại tòa, vào lúc 19h ngày 25/3/2015 ca làm việc đêm bắt đầu tại công trường dự án sản xuất, lắp đặt thùng chìm trọng lực Cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Chỉ huy trưởng công trình là ông Kim Jong Wook. Đến khoảng 19h30 khi 43 công nhân đang làm việc trên hệ ván khuôn trượt Lane2 do Lee Jea Myeong làm đốc công, thì hệ ván khuôn trượt Lane2 đang trong quá trình hạ giàn, đã phát ra tiếng động mạnh, giàn giáo rung lắc có nguy cơ gây mất an toàn lao động.

Công nhân đang làm việc trên giàn hoảng sợ, ngừng làm việc chạy về phía hai bên cầu thang bộ. Kim Jong Wook và Lee Jea Myeong đi lên giàn Lane2 kiểm tra công việc nhưng không tìm hiểu nguyên nhân của sự cố có thể dẫn đến mất an toàn lao động để cho ngừng làm việc mà yêu cầu các công nhân trở lại vị trí làm việc.

Lúc này Nguyễn Anh Tuấn (tổ trưởng tổ công nhân vận hành hệ thống thủy lực Lane2 phụ trách các kích thủy lực từ số 01-16) và Nguyễn Thái Đức ( công nhân phụ trách các kích thủy lực từ số 17-32) phát hiện kích thủy lực số 22 và 24 bị tụt xuống khoảng 5cm-6cm, kích thủy lực số 15 và 16 bị tụt xuống khoảng 15cm so với các kích thủy lực khác nhưng không báo cáo với ông Kim Jong Wook mà tự ý nâng các kích này lên ngang bằng các kích khác.

Những công nhân trên giàn Lane2 tiếp tục làm việc đến khoảng 19h50 phút thì toàn bộ hệ ván khuôn trượt Lane2 đổ sập xuống đất (độ cao khoảng 20m so với mặt đất). Hậu quả 13 người chết, 29 người bị thương, hệ ván khuôn trượt Lane2 bị hư hỏng hoàn toàn.

Hành vi của Kim Jong Wook và Lee Jea Myeong có mặt tại công trường lúc xảy ra sự cố giàn giáo Lane2 rung lắc 2 lần, nguy cơ mất an toàn rất cao nhưng không cho ngừng lao động mà tiếp tục yêu cầu công nhân tiếp tục vào vị trí làm việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thái Đức thể hiện khi phát hiện sự cố nguy cơ gây tai nạn lao động đã không thực hiện nghĩa vụ của người lao động là báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm chỉ huy công trường nguy cơ gây tai nạn lao động.
 

Sau khi vụ tai nạn lao động xảy ra, Cty Samsung C&T (nhà thầu chính) đã hỗ trợ, bồi thường gần 8,5 tỉ đồng (5,2 tỉ đồng cho 13 công nhân tử vong và gần 3,3 tỉ đồng cho 29 công nhân bị thương). Cty Nibelc Việt Nam (nhà thầu phụ, đơn vị cung cấp nhân lực cho nhà thầu chính) đã hỗ trợ, bồi thường số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Hiện nay vẫn còn 9/13 gia đình công nhân tử vong và 10/29 gia đình công nhân bị thương tiếp tục yêu cầu hai nhà thầu này hỗ trợ, bồi thường thêm thiệt hại.