Chiều 7/10, ông Nguyễn Thượng Hải- Chánh văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk làm việc với báo Tiền Phong về kết quả xác minh nhân thân bà Trần Thị Ngọc Thảo - Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, người đã “đánh tráo thân phận” suốt 20 năm qua để tiến thân.
Theo tài liệu ông Hải cung cấp, ngày 22/8, lãnh đạo Tỉnh ủy đã chỉ đạo thẩm tra, xác minh, đối chiếu với các hồ sơ tài liệu có liên quan.
Ngày 17/9 Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận “nội dung đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, sinh ngày 25/5/1973, chức vụ : Trưởng phòng Quản trị- Văn phòng Tỉnh ủy có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo sinh năm 1975 như ở trên là đúng”.
Bà Thảo “cũng đã thừa nhận đơn tố cáo với các nội dung nêu trên là đúng sự thật và tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã không đồng ý và thống nhất triển khai quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.”
Ngày 10/3/2013, Chi bộ Quản trị thuộc Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy đã kết nạp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa- Phó phòng Quản trị vào Đảng. Ngày 10/3/2014 được chuyển Đảng chính thức.
Xóa tên hay khai trừ Ðảng?
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc Tỉnh ủy sẽ xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với Đảng viên mang tên họ mạo danh Trần Thị Ngọc Ái Sa như thế nào, ông Hải nói trường hợp này gây tranh cãi về cách xử lý. Bởi thực tế cho thấy: Người đã được kết nạp Đảng tại Chi bộ Quản trị thuộc Đảng bộ văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk không mang họ tên Trần Thị Ngọc Thảo, mà họ tên thật cũng không phải là Trần Thị Ngọc Ái Sa như trong các quyết định đã ký.
Do Đảng không kết nạp bà Thảo, chỉ kết nạp bà Sa, nay đã rõ Trần Thị Ngọc Ái Sa tại Đắk Lắk chỉ là nhân vật giả danh. Đảng bộ Văn phòng tỉnh ủy vẫn đang cân nhắc lựa chọn hình thức xử lý về mặt Đảng cho phù hợp, là khai trừ hay xóa tên trong danh sách đảng viên. Sau khi xử lý về mặt Đảng sẽ tới các bước xử lý tiếp theo đúng với các quy định của pháp luật. Hiện tại, vẫn chưa rõ bà Thảo đã giả mạo bao nhiêu loại giấy tờ, thủ tục, để trót lọt việc “đánh tráo nhân thân” suốt 20 năm qua.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải cho biết: Sắp tới Tỉnh ủy sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ quy trình tiếp nhận, giới thiệu, đề cử, thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng, bổ nhiệm bà Thảo, để quy trách nhiệm và xử lý đúng mức sai phạm của những cá nhân, tập thể liên quan.
Từng có một trường hợp mượn bằng khác
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long xác nhận, huyện này có trường hợp tương tự. Ông Phạm Đình Tấn, sinh năm 1963, đã học cấp II nhưng chưa tốt nghiệp THCS nên khoảng năm 1993-1994 đã phải “mượn” bằng tốt nghiệp THCS của em ruột tên Phạm Định, sửa họ tên thành Phạm Đình Tấn để hoàn chỉnh hồ sơ đi học bổ túc trung học phổ thông. Sau đó ông Tấn tiếp tục học lên, đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa. Năm 2012 ông Phạm Đình Tấn được bổ nhiệm vào chức Trưởng phòng Văn hoá huyện, rồi có đơn tố cáo. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng cấp huyện thẩm tra, xác minh tố cáo đúng. Huyện ủy, UBND huyện đã xử lý kỷ luật ông Tấn mức khiển trách. Hiện ông Tấn vẫn là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, dự kiến sẽ công tác ở vị trí này đến tuổi nghỉ hưu.
“Nếu đó không phải là một người mạo danh, mượn bằng cấp chỉ để kiếm việc làm và thăng tiến, mà tệ hơn, là “địch”, hay những phần tử nguy hiểm nào khác “trèo cao, chui sâu” được vào lòng những cơ quan đầu não thế này dễ dàng như thế, thì sao?”-Phóng viên hỏi. Ông Nguyễn Thượng Hải thừa nhận vụ “đánh tráo nhân thân” này cho thấy lỗ hổng quá lớn trong công tác cán bộ ở tỉnh Đắk Lắk.