Vụ ngoại tình và trả thù chấn động Anh quốc

Từ một vụ lái xe quá tốc độ, cựu Bộ trưởng Năng lượng Anh Chris Huhne bị tuyên án 8 tháng tù vì tội khai man với tòa. Đó là hậu quả cuộc trả thù của người vợ cũ Vicky Pryce.

Vụ ngoại tình và trả thù chấn động Anh quốc

> Sợ bị cưỡng hiếp, nữ du khách nhảy từ tầng ba

> TQ kỷ luật 6 trường hợp quan chức 'xài sang'

 

Từ một vụ lái xe quá tốc độ, cựu Bộ trưởng Năng lượng Anh Chris Huhne bị tuyên án 8 tháng tù vì tội khai man với tòa. Đó là hậu quả cuộc trả thù của người vợ cũ Vicky Pryce.

Ông Huhne được đưa ra xe tù.

Phiên tòa được mở ngày 11.3, đúng 10 năm sau cái đêm 11.3.2003, Huhne vi phạm luật giao thông khi lái xe 69 dặm/giờ trên con đường chỉ cho phép 50 dặm/giờ, vượt quá tốc độ cho phép từ sân bay (sau một chuyến công tác) về nhà, trong khi Pryce - nữ giáo sư kinh tế học gốc Hy Lạp - đang dự một tiệc tối tại Trường đại học Kinh tế London.

Hậu quả cuộc ngoại tình

Vì bị máy kiểm soát tốc độ chụp hình quả tang, ông năn nỉ vợ nhận là người cầm tài, nhận trừ điểm trên bằng lái xe của bà. Pryce đồng ý cứu chồng để Huhne không bị tịch thu bằng lái. Nhưng ngay sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 5.2010, Huhne đột ngột bỏ vợ để cặp bồ với Carina Trimingham, cô trợ lý lưỡng tính dục của ông. Ông báo cho vợ biết chuyện “tôi có người khác” vào phút giải lao của một trận bóng đá World Cup 2010. Họ ly dị năm 2011, sau 26 năm chung sống và có 3 đứa con chung.

Tức giận vì cuộc hôn nhân tan vỡ, Pryce bị ám ảnh chuyện trả thù Huhne. Bà cùng một người bạn luật sư lập mưu “triệt” sự nghiệp chính trị của người chồng cũ, bằng cách kể lại vụ gian dối của chồng với hai tờ báo hồi tháng 5.2011.

Họ đưa tin Huhe “trút lỗi vi phạm giao thông cho một người khác được giấu tên” vì Pryce ráng che giấu sự đồng lõa của bà. Nhưng vụ việc đổ bể, Huhne và Pryce bị bắt, bị buộc tội khai man trước tòa hồi tháng 2.2012. Thứ hai tuần qua, cặp vợ chồng cũ “đoàn tụ” trước vành móng ngựa, Pryce 60 tuổi cũng lãnh mức án 8 tháng tù vì cùng tội danh.

Phiên tòa kết thúc, Huhne phải làm tù nhân tại nhà tù Wandsworth đang bị quá tải ở phía nam London. Nhà tù này xây xong năm 1851, có sức chứa 1.665 tù nhân và là nhà tù lớn nhất và nổi tiếng tệ nhất Anh. Một ngày tù bắt đầu lúc 7 giờ 45, khi xà lim được mở để họ ra ngoài tập thể dục 30 phút.

Chỉ có một số ít tù nhân được giao việc nấu bếp hoặc dọn dẹp vệ sinh, số tù phạm còn lại phải trở vào “dán mình” trong xà lim hầu như suốt ngày, nên bữa sáng là lúc phá toang sự đơn điệu.

Bữa trưa lúc 12 giờ 45 và bữa tối lúc 16 giờ 45. Tù nhân đi đứng khó khăn sẽ khó được đi tắm, có người đã bị ghẻ vì không được tắm 3 tháng. May mắn là ít có tù nhân nào phàn nàn về chuyện ăn uống, nhưng cuối tuần là thời điểm chán nhất, nhà tù đóng kín cửa không cho thăm nuôi. Năm 2011, các thanh tra ghi nhận các tù nhân bị nhốt suốt 22 giờ/ngày, lâu lâu họ mới được ở ngoài xà lim vài giờ. Ở đây mỗi tháng có khoảng 32 vụ tù nhân tự hủy hoại cơ thể. Sẽ có nhóm giám sát y tế “theo dõi” Huhne có thuộc nhóm dễ tự tử vì chuyện “mất quan thành tội phạm” hay không.

Wandsworth chỉ là nơi tạm giữ tù nhân từ tòa án tới, sau đó chuyển họ đến các nhà tù khác, tùy theo mức độ họ cần được bảo vệ an ninh thế nào. Nhiều người sẽ thụ các án ngắn và trung bình tại đây, nhưng những “quan” giàu có như triệu phú Huhne thì dễ bị trở thành đối tượng bị các tù nhân hình sự bắt nạt.

Wandsworth có biệt danh “cái tổ của cai tù” vì chỉ được xếp loại B (nhà tù được bảo vệ tối đa xếp loại A) và là nơi các quản ngục là “trùm”, vì ông giám đốc thường vắng mặt. Quản ngục sẵn sàng chửi tục đối với tù nhân, chẳng cần biết ngoài đời Huhne là ai. Họ cũng chẳng ngại sử dụng bạo lực nếu tù phạm bất tuân.

Bà Pryce (áo đen).
 

“Đại bàng” chào mừng “ma mới”

Trong ngày đầu tiên, các tù nhân mới đến nộp tư trang, rồi được cân trọng lượng cơ thể, các số đo và bác sĩ khám sức khỏe. Rồi Huhne được đưa vào sảnh lớn để chụp ảnh, lấy dấu tay, khám xét cơ thể trần truồng và chịu dò sóng siêu âm nhằm có thể phát hiện giấu đồ vật ở chỗ kín (thường do một tù nhân khác đeo bao tay nhựa thọc vào hậu môn).

Ông được cấp số tù, được quyền gọi một cuộc điện thoại, được tắm vòi hoa sen ở nhà tắm (cùng các tù nhân khác) rồi mặc quần áo tù là quần jeans xanh và áo sơ mi sọc xanh-trắng. Tiếp đó ông được ăn tối, thức ăn đựng trong chén nhựa, thức uống trong cốc nhựa và muỗng nĩa nhựa. Trong xà lim có bồn rửa mặt, bồn cầu vệ sinh và một TV nhỏ: đủ để khác hẳn với cuộc sống sung sướng của thời làm quan.

Nhưng Huhne phải ở chung với một tù nhân khác: lúc đó mới thật sự là nỗi kinh hoàng cho một “quan té khỏi đài cao”, vì ông có thể vớ phải giang hồ “đại bàng” hoặc một tên tù đang muốn thỏa mãn sinh lý… Đó là lời cảnh báo của một số cựu tù. Chưa hết, bọn tù phạm “giang hồ” có thể phục trước xà lim của “ma mới, cử 2, 3 tên vào trong để “chào ma mới” bằng cách đòi cho sử dụng cuộc điện thoại hằng tuần, hoặc bị ép phải nhờ người thân gửi tiền vào một tài khoản ngân hàng nào đó.

Nếu chống cự, người thân sẽ bị “lính” của chúng tìm đến nhà “nói chuyện”. Khi rời xà lim để đến căng-tin nhận thức ăn, nhiều cặp mắt dồn vào Huhne từ các tù phạm hiếu kỳ, chúng cũng muốn dò xét có “kiếm” được gì ở ông hay không. Đêm xuống, ông chẳng ngủ được ngon, phải úp mặt vào tường khi bạn cùng xà lim đi vệ sinh, và không thể ngủ nếu các tù nhân than vãn, hét hò suốt đêm.

Theo báo Sun, sau ngày đầu tiên ngồi tù, Huhne bị chọc quê khi ông rời xà lim nhận bữa sáng: một quản ngục gọi vào loa: “Trật tự, trật tự, nhân vật đáng kính của cánh bắc Wandsworth đang đến văn phòng”, khiến các tù nhân khác cười òa. Huhne phải xin chuyển đến khu giam tù nhân chưa quen với cuộc sống ở tù, vì các tù phạm khác sỉ nhục và bắt nạt ông, đòi ông phải cho họ tiền, vì chúng biết ông là một triệu phú.

Khi được hỏi, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Anh từ chối xác nhận vụ chọc quê này, không cho biết có điều tra hành vi của quản ngục hay không, chỉ nói: “Chúng tôi không bình luận chuyện cá nhân”. Hiệp hội quản ngục nghi ngờ thông tin trên, nhưng nếu có thì quản ngục sẽ phải báo cáo về hành vi không chuyên nghiệp này: “quản ngục là nghề, họ phải có trách nhiệm chăm sóc những người bị kết án một cách nhân văn”.

Nỗi sợ hóa điên

Người tình Trimingham đã thăm nuôi ông hai ngày sau khi Huhne vào tù, khẳng định không hề có chuyện ông bị bắt nạt, ông vẫn khỏe và tươi tỉnh, quan hệ tốt với các quản ngục và tù phạm. Nhân chứng kể họ có 2 giờ rưỡi ngồi nói chuyện cười đùa tay trong tay với nhau. Nhưng khi ra về, Trimingham lãnh một vé phạt tiền vì đậu xe lố giờ cho phép. Bà nói do được thăm nuôi “bồ” thêm 90 phút và Huhne giết thời gian trong xà lim bằng cách đọc tiểu thuyết.

Pryce bị đưa thẳng từ tòa đến nhà tù Holloway, nơi có số liệu từ đợt kiểm tra nhà tù gần đây cho biết: 52% tù nhân nữ có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Khi chờ được làm thủ tục, bà được phép gọi 3 cuộc điện thoại, rồi nộp đồ trang sức, mặc quần áo tù.

Vì là tù giam nữ phạm nhân, hai khâu trên mất nhiều giờ, các tù nhân rất dễ biểu lộ cảm xúc như la hét, khóc lóc, tuyệt vọng gọi điện tìm người chăm sóc con cái…Các nữ tù nhân sẽ rất khó ngủ trong đêm đầu tiên ở tù. Pryce phải ngủ chung một phòng với 3 nữ tù khác. Các cựu tù nữ nói nếu Pryce biết khôn không ra vẻ “đẳng cấp cao” thì sẽ chẳng ai ăn hiếp bà.

Tại tòa, luật sư của Pryce nói trong cuộc hôn nhân, bà bị Huhne bắt nạt, bị ông ép phá thai và ép phải chịu trừ điểm trên bằng lái xe của bà. Luật sư của Pryce nói bà sẽ kháng án, trong khi ngành công tố đang xem xét khả năng kháng nghị bản án 8 tháng tù là quá nhẹ đối với Pryce và Huhne, vì người khác mắc tội khai man với tòa thường bị án từ 1 năm trở lên.

Theo Thế giới & Hội nhập

Theo Đăng lại