Vũ khí siêu thanh là các loại đạn hay tên lửa có tốc độ bay từ Mach 5 trở lên (Mach 1=1235km/h-PV) nhưng vẫn có khả năng cơ động để né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa, nên về lý thuyết là rất khó đánh chặn.
“Họ đã chào hàng những vũ khí đó và, từ những nguồn tin công khai, họ có vẻ đang tích cực theo đuổi chúng”, ông Schwartz nói trong một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, người Nga “nổi tiếng về việc quảng cáo một ngày cụ thể (để ra mắt vũ khí mới) và rồi lỗi hẹn, hết lần này đến lần khác”.
Một trong những hệ thống vũ khí siêu thanh của Nga được quảng cáo là tên lửa chống hạm Zircon. Theo một bản tin của hãng tin TASS của Nga tháng 4/2017, tên lửa này đạt tốc độ Mach 8 và có thể được phóng đi từ 3C14, một loại bệ phóng chấp nhận rất nhiều loại tên lửa. Tên lửa Zircon được nói là có tầm bắn 400km và đã được lên kế hoạch tích hợp lên tàu chiến lần đầu tiên, vào cuối năm nay, theo một bản tin khác của TASS hồi tháng Ba vừa qua.
Ông Schwartz nói mối quan tâm của tổng thống Nga Vladimir Putin đối với công nghệ siêu thanh không có gì mới. Đã có nhiều quốc gia nỗ lực phát triển vũ khí dạng này và cũng đã phải dừng lại, ông Schwartz lưu ý.
Tuy nhiên, nỗ lực của Nga đã khiến Mỹ phải chú ý trong bối cảnh thời đại của cạnh tranh giữa các cường quốc, theo lời Tom Callender, nghiên cứu viên cao cấp của tổ chức Heritage Foundation.
“Nga sẽ không tỏ ra… dễ thương ở châu Âu đâu”, ông Callender lưu ý.
Trong thời đại của nhà lãnh đạo Stalin, Liên Xô đã nghiên cứu khả năng sử dụng các máy bay ném bom siêu thanh tầm xa làm phương tiện ném/phóng các loại vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, “cuối cùng thì các tên lửa đạn đạo đã trở thành phương tiện hiệu quả hơn cả trong việc thi triển uy lực và các loại phương tiện siêu thanh bị bỏ bê, các dự án què quặt trong nhiều năm”, ông Shwartz nói.
Mối quan tâm đối với vũ khí siêu thanh quay trở lại sau khi tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề xuất sáng kiến “Chiến tranh các vì sao”, về cơ bản là một chương trình chống tên lửa đạn đạo trên nền tảng không gian vũ trụ, trong những năm 1980. Nhưng đến cuối thập kỷ này, Liên Xô dần suy yếu và sụp đổ, kèm theo là các chương trình siêu thanh.
“Có vẻ những chương trình này được khởi động trở lại và tiếp tục, tái khởi động và rồi tiếp thêm động lực”, ông Schwartz phân tích.
Ví dụ, loại phương tiện siêu thanh mang tên Avangard của Nga có vẻ là sự tiếp nối của các chương trình đã có trước đó, ông nói. Avangard có tầm bay hơn 6.000 km và có thể thay đổi quỹ đạo bay giữa hành trình xuyên qua bầu khí quyển, theo báo chí Nga.
Một loại vũ khí siêu thanh khác của Nga là RS-28 Sarmat – tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất. Loại tên lửa này được cho là có thể mang theo Avangard, theo nhận định của trung tướng Robert Ashley Jr., giám đốc Cơ quan tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) hồi tháng Năm vừa qua.
Chưa hết: một loại tên lửa siêu thanh phóng đi từ máy bay mang tên Kinzhal, hoặc còn được gọi là “Dagger,” được nói cũng đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Hệ thống này được cho là có tầm bắn 1.500-2.000km, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường với trọng lượng 480kg, theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ). Hồi tháng Năm, đài truyền hình RT của Nga nói trong một chuyến công du, tổng thống Putin đã dừng lại thành phố Akhtubinsk, miền nam nước Nga, để chứng kiến tiêm kích MiG-31 mang tên lửa Kinzhal.
Mặc dù vậy, ông Schwartz cho rằng Nga và Trung Quốc đều giỏi tuyên truyền, quảng cáo, với những tin tức và hình ảnh video “rất đẹp mắt”.
Tuy nhiên, Tom Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Mỹ nói, “cho dù ông Putin là nhà tiếp thị giỏi”, nhiều chuyên gia Mỹ đồng ý rằng vũ khí siêu thanh Nga là một mối đe dọa thực sự.