Vụ Hải quan tiếp tay buôn lậu xăng dầu: Người đứng đầu có vô can?

TP - Khi được hỏi “việc nộp tiền ăn chia của 2 công chức Thùy và Vinh có mang tính hệ thống không, nếu thật thì xử lý các cá nhân như thế nào?”, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Hải quan cho hay: “Việc này là do các công chức trên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định về đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính của Nhà nước nói chung và ngành Hải quan nói riêng. Theo quy định của pháp luật và tổng cục, hành vi này được kết luận là đúng, hai công chức trên sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc…”.
Các trinh sát phá án lấy lời khai các đối tượng trong đường dây buôn lậu xăng dầu.

Cuốn sổ bí mật

Vụ buôn lậu xăng dầu khủng trị giá hơn 2.000 tỷ đồng của Công ty Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận) cho thấy, hoạt động vô cùng chuyên nghiệp, bài bản của các đối tượng trong đường dây. Đáng chú ý, theo cáo trạng, Viện KSNDTC đã truy tố 2 cựu cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận gồm Đinh Hữu Thùy về tội Nhận hối lộ, Lê Văn Vinh tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Là người trực tiếp chỉ đạo chuyên án triệt phá đường dây này, ông Lê Nam Phong, Đội phó Đội Điều tra chống buôn lậu khu vực miền Trung, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, vô cùng bất ngờ khi tổ phá án bắt tại trận một đồng nghiệp của ông dính líu tới đường dây buôn lậu. Manh mối vụ án đến từ đâu? Khi phá án, các trinh sát chống buôn lậu có chịu nhiều áp lực nào không? Theo ông Phong, thực tế, tàu nhận hàng từ các cảng nước ngoài về có trọng tải rất lớn, như trong đường dây của Cty Dương Đông Hòa Phú tổng trọng tải các tàu cộng lại đạt 335.000 tấn.

Tuy nhiên, trong khoảng 6 tháng cuối năm 2015, công ty này mở 31 tờ khai nhập khẩu 110.729 tấn xăng dầu các loại. Như vậy, chênh lệnh trọng tải tàu, số lượng xăng dầu khai báo lên tới 224.271 tấn, gấp đôi số lượng khai báo. Nhận thấy không thể nào một con tàu trọng tải lớn như vậy (trung bình 1 tàu khoảng 10.000 tấn) lại vận chuyển xăng dầu từ Singapore về Việt Nam rất ít (khoảng 1.000 tấn/tàu) bởi chi phí vận tải rất lớn, nếu chở ít thì doanh nghiệp lãi không đáng bao nhiêu. Chúng tôi tính nhẩm với số chênh lệch 224.271 tấn xăng dầu,  công ty có thể trốn được 865 tỷ đồng tiền thuế xăng, 519 tỷ đồng tiền thuế dầu, nâng tổng tiền thuế trốn được khoảng 1.300 tỷ đồng. Từ cơ sở này, chúng tôi có báo cáo kết quả xác minh, quyết định lập chuyên án để đấu tranh.

Theo ông Phong, khi xây dựng và triển khai chuyên án luôn phải đảm bảo bí mật tuyệt đối. “Chỉ khi chúng tôi bắt quả tang tàu đang bơm xăng trái phép vào kho của công ty lúc 0h20’ ngày 29/1/2016, yêu cầu các đối tượng có mặt tại hiện trường điểm danh mới lộ ra cán bộ hải quan Đinh Hữu Thùy (Đội Kiểm hóa của Chi cục Hải quan Bình Thuận)”, ông Phong nhớ lại.

Vậy, tại sao đường dây này hoạt động rầm rộ từ cuối năm 2013 đến nay mà  lãnh đạo Chi cục Hải quan Bình Thuận không hay biết? Cục Điều tra chống buôn lậu đã yêu cầu họ giải thích về trách nhiệm người đứng đầu? Ông Lê Nam Phong cho hay: “Cơ quan công an đã làm việc với Chi cục trưởng Võ Văn Toàn, Chi cục phó Hải quan Bình Thuận Tạ Hùng Dũng và đội trưởng đội nghiệp vụ Lưu Trọng Vũ. Về trách nhiệm của những người này, Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý”.

Theo ông Phong, sau khi đường dây buôn lậu xăng dầu bị triệt phá, ngoài 2 công chức Thùy và Vinh, các lãnh đạo chi cục gồm ông Toàn, Dũng và Vũ đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Cũng theo vị cán bộ điều tra, sau thời gian tạm đình chỉ, ông Toàn, Dũng và Vũ đã được khôi phục lại chức vụ, vị trí công tác.

Sao không “truy” trách nhiệm người đứng đầu?

Liên quan đến vụ án của Cty Dương Đông Hòa Phú, ông Nguyễn Duy Thông, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan cho biết: Do Chi cục Hải quan Bình Thuận thuộc Cục Hải quan Đồng Nai nên vụ việc cũng được lưu tâm xem xét trong hoạt động công tác năm của đơn vị. Cụ thể, hai vị cục trưởng và cục phó phụ trách Cục Hải quan Đồng Nai đều không đạt chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2016 mà chỉ xếp hạng “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

“Tổng cục Hải quan đã có công văn ngày 6/2/2018 chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai xem xét, xử lý ngay trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có liên quan trong vụ việc này. Ngày 27/3/2018, Cục Hải quan Đồng Nai có công văn đề nghị chưa tiến hành xử lý trách nhiệm các công chức liên quan, sẽ xử lý sau khi có quyết định của cơ quan pháp luật có hiệu lực thi hành”, ông Thông cho biết. Về trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp quản lý Chi cục Hải quan Bình Thuận, ông Nguyễn Duy Thông cũng lưu ý , năm 2016, Tổng cục Hải quan chỉ xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” và không xét thi đua đối với ông Võ Văn Toàn, ông Lưu Trọng Vũ. “Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã đưa ra khỏi quy hoạch lãnh đạo chi cục đối với 3 người, điều động chi cục trưởng nhận nhiệm vụ khác. Ngay sau khi có quyết định của cơ quan chức năng, tổng cục sẽ xử lý kỷ luật theo đúng quy định”, ông Thông khẳng định.

Khi được hỏi việc nộp tiền ăn chia của 2 công chức Thùy và Vinh có thật và mang tính hệ thống không? Vụ Tổ chức cán bộ cho hay: “Việc này là do các công chức trên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định về đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính của Nhà nước nói chung và ngành Hải quan nói riêng. Theo quy định của pháp luật và tổng cục, hành vi này sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc nếu sau này kết luận điều tra, xét xử của cơ quan pháp luật khẳng định hành vi vi phạm của hai công chức này”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, sau mỗi lần kiểm tra và được đưa phong bì 12 triệu đồng “bồi dưỡng”, công chức hải quan Đinh Hữu Thùy giữ lại 3 triệu đồng, chia cho Lê Văn Vinh 3 triệu đồng. Số tiền còn lại cán bộ hải quan này nộp về Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục. Vậy, 6 triệu đồng đó nộp về đâu, ai nhận, việc làm này có tính hệ thống hay không?