Vũ điệu chân trần trên lửa giữa Thủ đô

TP - Tối 11/2 (mùng 5 Tết), khán giả quây kín vòng trong vòng ngoài quanh một đống lửa lớn ở sân Bảo tàng dân tộc học (Hà Nội) để chứng kiến một cảnh tượng hiếm có: 8 vũ công nhảy lửa người Pà Thẻn biểu diễn điệu nhảy chân trần trên than hồng.
Nhảy trên đống lửa. Ảnh: Việt Hưng

Thầy mo Lìu Láo Lở, 69 tuổi, trong trang phục tế màu đỏ ngồi gõ đàn sắt đọc văn cúng trước một hương án bày lễ khá đơn giản: đĩa xôi nếp nương, con gà luộc, mười chén rượu, ngọn nến và ít vàng mã. Gần đó là 8 thanh niên (người nhiều nhất 39 tuổi) trong trang phục Pà Thẻn ngồi đợi “con ma nhập” vào mình để nhảy.

Họ lắc lư, rồi gật gù. Trong ánh chập chờn của đống lửa lớn đốt bằng củi, cảnh tượng trông thật thần bí. Càng về sau, tốc độ và biên độ gật gù càng lớn.

Rồi những vũ công “nhập đồng” bắt đầu nhảy chồm chồm ra phía đống lửa. Những bàn chân trần xục nhanh, nhưng thẳng vào than hồng, hất tung ra xung quanh thành một bãi than đỏ. Và những bàn chân trần quay cuồng trên bãi than đó.

Chốc chốc lại có người lao thẳng vào đống lửa. Chừng độ 5 phút, các vũ công lửa dường như ra khỏi trạng thái “lên đồng”, bước nhảy chậm dần lại rồi họ lần lượt về chỗ ngồi.

Quy trình mới lại bắt đầu. Mỗi lần như thế không phải tất cả các vũ công đều nhập đồng và lao vào đống lửa. Một số người “con ma không nhập” vẫn ngồi nguyên tại chỗ.

Lần thứ 3 là cao trào với cả 8 người cùng múa cộng thêm thầy mo Lìu Láo Lở cũng rời ghế tế nhảy vào than hồng. Vũ điệu lần cuối này dữ dội hơn, có người lăn tròn cả qua đống than.

Sau cuộc nhảy, tôi đã “bắt” anh Tẩn Văn Thân – người nói tiếng Việt sõi nhất trong cả đoàn giơ bàn chân lên để nắn thử xem có “bửu bối” gì không, nhưng đó chỉ là một bàn chân có phần to của người miền núi nhưng hoàn toàn bình thường, mềm mại và lạnh giá vì đi trần giữa một ngày rét buốt.

Lời nói của anh Thân làm tôi ngạc nhiên: Những người nhảy lửa không hề do khổ luyện mà thành. Đơn giản là khi “con ma nhập” thì vũ công như người bị xô vào lưng, đẩy ra, thúc nhảy vào lửa, múa trên than hồng mà không hề thấy nóng. Khi thôi cũng không phải tự động rút ra mà cũng như bị đẩy ra không cho múa nữa.

Khi tổ chức múa ở trên bản, có khoảng vài chục người “ma nhập”, 8 người múa ở đây là những người có khả năng và nhảy đẹp nhất. Điều thú vị theo anh Thân là khi ở trên bản, “con ma” nhập nhanh hơn, còn ở Thủ đô phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ các vũ công mới vào trạng thái nhảy được vào lửa.

Theo lời nhắc nhở của ban tổ chức thì ánh đèn của máy ảnh làm các vũ công phân tâm và mất khả năng nhảy lửa nhanh hơn.

Nhóm vũ công nhảy lửa này đến từ xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Đây là lần đầu tiên họ xuống biểu diễn tại thủ đô theo một chương trình do Quỹ Văn hóa Đan Mạch và Bảo tàng Dân tộc học tổ chức. 

Dân tộc Pà Thẻn là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Người Pà Thẻn còn có tên gọi khác là Pá Hưng hay Tống. Tiếng Pà Thẻn thuộc nhóm ngôn ngữ Mèo - Dao. Dân số gồm 3.700 người, sống tập trung tại một số xã của tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang.

Lễ hội Nhảy lửa là một trong những sinh hoạt văn hóa cổ xưa đặc sắc của đồng bào Pà Thẻn vào dịp năm mới để mừng lúa mới, cầu mùa màng năm tới bội thu, xua bệnh tật, tai ương.