Hoàng Công Lương nhận tội "Vô ý làm chết người"
Sáng 12/6, TAND tỉnh Hòa Bình mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017. Vụ án này liên quan tới sự cố chạy thận nhân tạo khiến 8 người tử vong, nhiều người bị thương.
Là người đầu tiên được thẩm vấn, Hoàng Công Lương thừa nhận về tội “Vô ý làm chết người” và mong được xem xét các tình tiết giảm nhẹ.
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, tòa tuyên Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”. Sau đó, bị cáo Lương có 3 lần gửi đơn kháng cáo với các nội dung: Kêu oan; Xin miễn trách nhiệm hình sự; Xin xem xét lại tội danh, giảm hình phạt, xin được hưởng án treo.
Tiếp tục trả lời HĐXX, bị cáo Hoàng Công Lương xin giữ lại kháng cáo cuối cùng, tuy nhiên xin rút phần “xem xét lại tội danh”. Bị cáo nói bản thân đã nhận thức được tội “Vô ý làm chết người”. Bị cáo chỉ mong tòa cấp phúc thẩm đánh giá vai trò, mức độ hành vi này của bị cáo trong vụ án.
"Bị cáo có nhất trí với tội danh vô ý làm chết người không?", chủ tọa tiếp tục thẩm vấn. Hoàng Công Lương trả lời ngắn gọn "vâng", rồi thừa nhận tội “Vô ý làm chết người”.
Hoàng Công Lương cũng kiến nghị HĐXX xem xét hành vi của bị cáo rồi yêu cầu người bào chữa bổ sung.
Cũng trong phiên tòa này, bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện) mong HĐXX đánh giá lại toàn bộ trách nhiệm của bị cáo trong vụ án với vai trò người đứng đầu. Ông Dương kiến nghị tòa xem xét mức án 30 tháng tù.
Hai bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc bệnh viện) và Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng Vật tư bệnh viện) giữ nguyên kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thắng còn mong được hưởng án treo.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn là người duy nhất kêu oan. Bị cáo Đỗ Anh Tuấn cho rằng bản án sơ thẩm tuyên 30 tháng tù là không khách quan.
Đề nghị triệu tập đại diện Bộ Y tế
Là người beo chữa cho Hoàng Công Lương, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng bị cáo Lương đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Luật sư Hướng đề nghị HĐXX ghi nhận những căn cứ này trong quá trình xem xét kháng cáo.
Cũng tại phiên tòa ngày 12/6, luật sư Hoàng Văn Hướng đề nghị HĐXX mời đại diện Bộ Y tế đến dự tòa để làm rõ một số văn bản liên quan vụ án.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - người bào chữa cho Đỗ Anh Tuấn cũng đề nghị tòa triệu tập điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình để xác định trong vụ án này có 8 hay 9 người chết khi chạy thận.
Đáp lời các luật sư, chủ tọa Nguyễn Văn Vận khẳng định HĐXX đã mời đại diện Bộ Y tế tham gia phiên xử vào ngày 13/6.
Ngoài ra, HĐXX cũng mời đại diện Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để làm rõ nội dung Công văn số 41 được đóng dấu mật mà Bộ Y tế gửi cho TAND tỉnh Hòa Bình trước phiên xử.
Theo bản án sơ thẩm, sáng 29/5/2017, sau khi máy RO sửa chữa xong, Hoàng Công Lương chưa được ai bàn giao, thông báo và chưa biết hệ thống nước đã bảo đảm an toàn hay chưa, đã ra y lệnh chạy thận gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Các bị cáo khác thiếu sự quản lý, không kiểm tra chặt chẽ hoạt động của Đơn nguyên thận trong quá trình vận hành kỹ thuật lọc máu. Sự thiếu trách nhiệm đó dẫn đến biến cố làm chết 8 người.
Tại phiên sơ thẩm, TAND TP Hòa Bình tuyên Hoàng Công Lương 42 tháng tù, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) 54 tháng tù cùng về tội “Vô ý làm chết người”.
Bị cáo Trương Quý Dương lĩnh 30 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng cùng lĩnh 36 tháng tù, Trần Văn Sơn 42 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".