Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn nguồn tin cánh sát cho biết một đơn vị phòng chống tội phạm của cảnh sát biển khu vực đang điều tra xem liệu lơ là nhiệm vụ có phải nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nghiêm trọng hay không.
Đơn vị này sẽ tìm hiểu tất cả manh mối có thể, bao gồm cả khả năng quy trình xử lý vòi phun nhiên liệu có bị thực hiện sai hay có ai hút thuốc trước lúc tai nạn hay không.
Ông Wong Wai-hong, phó chỉ huy đơn vị quản lý cảng biển, cho biết nguyên nhân gây tử vong cho 1 thuyền viên chưa được xác định, nhưng trên thi thể người này có nhiều vết bỏng và vết thương trên đầu, chân tay bị gãy.
Dù con tàu Aulac Fortune đã bị nghiêng 30 độ, giới chức địa phương đánh giá không có nguy cơ chìm tàu hay rò dầu.
“Nếu có rò rỉ dầu, các quan chức quản lý biển ở hiện trường sẽ phong tỏa ngay lập tức”, ông Yiu Men-yeung, chỉ huy đơn vị trên biển của lực lượng cứu hỏa, cho biết. Ông cũng thông tin rằng lực lượng cứu hộ sẽ nghiên cứu các biện pháp ổn định con tàu để các nhà điều tra lên tàu điều tra nguyên nhân cháy.
Theo ông Yiu, hai thuyền viên Việt Nam mất tích có thể đã bị sức ép của vụ nổ hất văng ra khỏi tàu hoặc họ không kịp thoát thân nên chết ngay trên tàu.
Nếu hai người này bị kẹt trong tàu, sẽ rất khó để tìm lại thi thể họ vì ngọn lửa vẫn cháy trong nhiều giờ sau đó, ông Yiu đánh giá.
3 trực thăng, 10 tàu của cảnh sát biển, 140 lính cứu hỏa và nhân viên y tế đã được triển khai đến hiện trường để dập lửa và ứng cứu.
Đến gần 4h chiều 9/1, lực lượng cứu hỏa cho biết đám cháy đã được kiểm soát.
Nhưng phải mất vài ngày mới có thể dập lửa hoàn toàn và đây sẽ là nhiệm vụ rất khó và nguy hiểm vì chưa từng xảy ra một vụ cháy tàu quy mô lớn như vậy ở Hong Kong trong hơn 30 năm qua, một lính cứu hỏa nhiều năm kinh nghiệm nói với SCMP.
Người lính cứu hỏa kỳ cựu cho biết dù chưa từng xử lý vụ nào hiếm xảy ra như vậy trong suốt 30 năm làm nghề, nhưng do được tập dượt định kỳ nên đội ngũ cứu hỏa đã được chuẩn bị để ứng phó.
Một người trong cuộc cho biết, trước khi đề ra chiến lược, chỉ huy lực lượng cứu hộ sẽ phải bàn với thuyền trưởng để nắm được tình hình cụ thể về lượng hóa chất và thủy thủ, cũng như cấu trúc của tàu. Người chỉ huy phải đánh giá rủi ro khi cử lính cứu hỏa lên khoang.
“Ngoài rủi ro xảy ra nổ, đừng quên rằng tàu chở dầu làm bằng kim loại nên vẫn cực kỳ nóng nhiều giờ sau đám cháy. Bản thân nhiệt độ cao như vậy cũng có thể gây thêm cháy nữa. Các buồng chứa cũng rất hẹp và phức tạp”, lính cứu hỏa giải thích. “Những điều này gây nguy hiểm lớn khi lính cứu hỏa lên tàu. Chúng tôi thường không mạo hiểm nếu không ai mắc kẹt trong tàu”, ông cho biết.
Nguồn tin cho biết trong đám cháy như vậy thợ lặn không thể vào trong để cứu người, vì dầu chảy xuống biển cũng có thể bốc cháy.