Vụ cháy cây xăng 'thiêu đốt' nghị trường Hà Nội

"Vụ cháy cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo đã báo động cho chúng ta, người dân rất lo lắng về các cây xăng trong thành phố. Trong số 52 cây xăng có 60% không đảm bảo phòng cháy phải đình chỉ ngay", đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn.

Vụ cháy cây xăng 'thiêu đốt' nghị trường Hà Nội

> Hà Nội sắp đóng cửa 10 'quả bom nổ chậm'
> Hà Nội quyết 'trảm' cây xăng vi phạm phòng cháy

"Vụ cháy cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo đã báo động cho chúng ta, người dân rất lo lắng về các cây xăng trong thành phố. Trong số 52 cây xăng có 60% không đảm bảo phòng cháy phải đình chỉ ngay", đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy. Ảnh: Anh Tuấn.

Vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các cây xăng ở thủ đô đã làm nóng nghị trường HĐND Hà Nội sáng 5/7.

Thay mặt UBND thành phố, đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), đưa ra một loạt nguyên nhân và giải pháp.

Theo đại tá Nguyễn Văn Sơn, hàng năm vào đầu vụ nắng nóng hay xảy ra cháy, Nguyên nhân là thời tiết làm vật liệu khô, chất cháy bốc hơi, chỉ cần lượng nhiệt nhỏ cũng dễ bùng cháy. 6 tháng đầu năm 2013, Hà Nội giảm 49 vụ cháy so với cùng kỳ năm trước, gây thiệt hại 8 tỷ đồng.

Nguyên nhân khác, theo ông Sơn, là ý thức một bộ phận lãnh đạo, nhân dân không cao nên không cẩn thận khi sử dụng chất cháy nổ, điện. Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở khi không bố trí lực lượng chữa cháy kịp thời...

Sau vụ cháy tại cây xăng tại số 2 Trần Hưng Đạo, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã kiểm tra 10 cửa hàng xăng dầu, thống nhất phá dỡ 8 cây xăng, ngừng hoạt động 2 cây xăng khác. Đơn vị này sẽ tiếp tục kiểm tra trong tháng 7 để có đánh giá theo tiêu chuẩn mới nhất.

"Có cửa hàng xăng dầu xây dựng đã 30 năm, khi đó chưa quy định diện tích tối thiểu, còn bây giờ thì có quy định diện tích tối thiểu 300 m2. Trước đây, phải cách công trình công cộng là 50 m, tiêu chuẩn mới là 100 m. Việc áp dụng tiêu chuẩn mới trong nội thành là rất khó khăn", ông Sơn nói.

Đại biểu Vũ Cao Minh đề nghị phải xác định thời điểm di chuyển các cây xăng không an toàn và cơ chế giám sát. "Người dân rất lo ngại cháy tại các tòa nhà cao tầng, khi xảy ra hỏa hoạn thì hệ thống chữa cháy không hiệu quả. Tại sao như vậy, bởi hệ thống đã được thiết kế, thẩm định, phê duyệt? Trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý thế nào?", đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu vấn đề.

Chung mối quan tâm, đại biểu Đặng Đình An và Bùi Đức Hiếu chất vấn về thiết bị chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng, bởi Hà Nội chỉ có 5 xe thang cao 52 m, tương đương nhà 15 tầng. Với nhiều tòa trên 15 tầng thì giải pháp sẽ thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: "Trong số 52 cây xăng có 60% không đảm bảo phòng cháy phải đình chỉ ngay". Ảnh: Anh Tuấn.

"Vụ cháy cây xăng ở phố Trần Hưng Đạo đã báo động chúng ta. Người dân rất lo lắng về các cây xăng trong thành phố. Trong số 52 cây xăng có 60% không đảm bảo phòng cháy phải đình chỉ ngay. Vậy lực lượng chức năng đã đình chỉ chưa, Sở Phòng cháy không phải là cơ quan tham mưu mà phải là cơ quan xử lý", Trưởng ban pháp chế Nguyễn Hoài Nam chất vấn.

Ông Nam cho biết, khi đi kiểm tra nhà tái định cư, ông thấy không có bể nước, vòi cứu hỏa không được thay thế nên có thể khẳng định các tòa nhà này không an toàn phòng cháy, gây lo lắng cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh cũng nêu thực trạng phòng cháy tại các khu dân cư, làng nghề, nơi đường vào chật hẹp. Dẫn chứng tại làng nghề Bát Tràng, bà cho biết, khu vực này có nguy cơ cháy nổ khủng khiếp, các hộ có lò đốt gas với hàng chục bình gas lớn, song đường vào nhỏ chỉ một mét. Trong khi đó chính quyền và người dân không có giải pháp gì nếu sự cố xảy ra.

Trả lời chất vấn, đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu đang tiến hành. Trong quá trình thanh tra có xử phạt song nhiều chủ cơ sở không đến nộp, cảnh sát cũng không làm gì được.

Theo ông Sơn, với các nhà cao tầng giải pháp cứu nạn không phải thang chữa cháy. Khi thiết kế nhà cao tầng, cơ quan phòng cháy đã thẩm duyệt các yếu tố kỹ thuật, trang thiết bị phòng cháy. Hệ thống thoát nạn ở đây là cầu thang bộ, bậc chịu lửa, cửa chống cháy, hệ thống chiếu sáng, điều áp... Trong nhà có nguồn nước phục vụ chữa cháy trong 3 giờ, có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động… Tuy nhiên, khi vận hành, các chủ cơ sở không kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng thì các thiết bị này có thể hư hỏng, mất tác dụng.

"Máy bay trực thăng có thể sử dụng trong trường hợp cứu nạn, cứu hộ, còn không áp dụng chữa cháy vì chênh lệch áp suất có thể làm rơi máy bay. Tuy nhiên, việc sắm trực thăng còn nhiều vấn đề như khoảng không vì Hà Nội nhiều dây điện, về bãi đỗ, người lái…", ông Sơn chia sẻ.

Chốt lại phiên chất vấn, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nhận định không phải vì cháy cây xăng tại phố Trần Hưng Đạo khiến vấn đề phòng cháy tại các cây xăng mới được cử tri quan tâm, mà đây là vấn đề quan trọng, là hiểm họa của xã hội. HĐND Hà Nội đã có buổi giám sát tại Sở Phòng cháy về các vấn đề này.

Bà Thanh yêu cầu UBND thành phố phải quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, có lộ trình di dời các cây xăng và đình chỉ cây xăng nguy hiểm bởi hiện nay có tới 60% cây xăng không đảm bảo phòng cháy. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng về phòng cháy, làm rõ trách nhiệm của cấp ngành, cơ quan chủ trì khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo Đoàn Loan
VnExpress

Theo Đăng lại