Vụ 'Chậm kết luận, DN thiệt hại hàng triệu USD': Bế tắc làm liều

TP - Do làm ăn khó khăn, doanh nghiệp Thái Thế đã giả mạo một số giấy tờ, tố doanh nghiệp Minh Tuấn chiếm đoạt lô gỗ hơn 3 tỷ đồng đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quảng Bình. Thậm chí, doanh nghiệp này còn tố cáo báo Tiền Phong lên Bộ Thông tin & Truyền thông, yêu cầu xử lí vì viết bài sai sự thật.
Ông Ăm Phon ký chữ ký của mình để chứng minh Cty Thái Thế giả mạo hợp đồng với Cty Trường Sơn của ông.

Vu khống trắng trợn

Ngày 19/5/2016, ông Phạm Thái, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Thế, (Cty Thái Thế - PV) trụ sở tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, có đơn gửi Cơ quan Điều tra Công an Quảng Bình, tố cáo ông Nguyễn Đình Bích, Giám đốc Cty TNHH Minh Tuấn (Cty Minh Tuấn), trụ sở xã Lí Trạch, huyện Bố Trạch, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, Cty Thái Thế tố cáo Cty Minh Tuấn chiếm đoạt lô gỗ mua từ Lào về năm 2014, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Cty Thái Thế không có kho bãi, nên đã làm hợp đồng gửi gỗ tại kho bãi của Cty Minh Tuấn. Sau đó, Cty Minh Tuấn ngỏ ý mua lại số gỗ nói trên.Tuy nhiên, khi làm hợp đồng mua bán xong thì Cty Minh Tuấn không trả tiền cho Cty Thái Thế. Ngoài ra, Cty Minh Tuấn còn chiếm luôn hơn 25m3 gỗ quý hiếm còn lại đang nằm trong kho của Cty Minh Tuấn.

Trong lúc cơ quan chức năng chưa có kết luận về vụ việc, một số cơ quan truyền thông đã viết bài, quy kết cho rằng Cty Minh Tuấn chiếm đoạt số tài sản nói trên của Cty Thái Thế, khiến một số đối tác nước ngoài của Cty Minh Tuấn hủy hợp đồng, trị giá 5 triệu USD, với lí do Cty này làm ăn gian dối, không đáng tin cậy.

Ngày 3/5/2017, Cty Minh Tuấn gửi đơn kêu cứu đến báo Tiền Phong, cho rằng Cty này bị vu khống, cần được thông tin khách quan nhằm giảm bớt thiệt hại, trong khi đợi cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng. Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, thực chất lô gỗ nói trên thuộc sở hữu của ông Trần Công Tam, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Ông Tam là người được Chính phủ Lào cấp phép khai thác gỗ và mở xưởng cưa xẻ, sơ chế tại tỉnh Khăm Muộn trước khi xuất về Việt Nam. Do ông Tam không có chức năng xuất khẩu gỗ, nên đã thuê Cty Thái Thế làm dịch vụ về mặt thủ tục cho các lô gỗ xuất bán về Việt Nam. Lô gỗ ông Tam bán cho Cty Minh Tuấn cũng do Cty Thái Thế làm dịch vụ thủ tục.

Theo Cơ quan Điều tra Công an Quảng Bình, sở dĩ vụ việc chậm kết luận là do nhân chứng mấu chốt là ông Trần Công Tam, đang làm ăn bên Lào và hợp đồng mua bán lô gỗ nói trên liên quan đến một Cty của Lào, nên công tác điều tra gặp một số khó khăn. Để làm rõ bản chất vụ việc, phóng viên Tiền Phong đã lặn lội sang Lào tìm gặp những nhân chứng liên quan.

Xưởng cưa xẻ gỗ của vợ chồng ông Trần Công Tam (SN 1975) và bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1976) nằm ở huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn. Nhìn quy mô của xưởng gỗ rộng cả trăm hec ta vắng hoe, vắng hoắt, giờ chỉ còn lại gần chục nhà xưởng, vài chiếc xe reo kéo gỗ nằm chỏng chơ gỉ sét, đủ biết một thời vợ chồng ông Tam thịnh vượng đến cỡ nào. Ông Tam cho biết, Cách đây hơn 3 năm, trước khi Chính phủ Lào cấm xuất khẩu gỗ, xưởng của ông mỗi năm khai thác và sơ chế hàng trăm nghìn mét khối gỗ để xuất về Việt Nam. Đối tác ở Việt Nam của ông có hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ từ Bắc chí Nam, trong đó có Cty Minh Tuấn.

Chính phủ Lào thay đổi chính sách về khai thác gỗ, ông Tam từ một đại gia, với những hợp đồng triệu đô, bỗng dưng trắng tay, nợ nần chồng chất. Bà Thủy, vợ ông Tam tâm sự: “Để đến nông nỗi này cũng do anh Tam quá thoáng. Khi làm ăn được, anh ấy không hề nghĩ đến tích lũy. Ai đời, một lúc anh ấy mua 15 xe ô tô con, hiệu TOYOTA, mỗi chiếc hơn 50.000 đô la cho nhân viên đi rừng. Được bao nhiêu tiền, anh ấy đổ ra làm cầu, làm đường cho các bản làng của Lào, rồi mua hàng nghìn héc ta rừng để sau này khai thác gỗ. Khi gỗ không xuất được, hàng trăm đối tác đòi nợ, xiết nợ, thậm chí đánh đập anh ấy mấy lần nhập viện. Nhớ nhà, nhớ quê hương muốn về, nhưng về là bị người ta đòi nợ, ở đây người Lào họ còn thương tình cho vợ chồng tui bữa rau, bữa cháo”.

Ông Tam khẳng định, lô gỗ mà Cty Thái Thế kiện Cty Minh Tuấn chiếm đoạt là của ông ấy bán cho Cty Minh Tuấn.  Cty Thái Thế chỉ được ông Tam thuê làm thủ tục nhập khẩu gỗ phía Việt Nam. “Ngày trước, vì chuyên tâm khai thác gỗ nên mọi thủ tục xuất nhập khẩu khi xuất bán gỗ tôi đều thuê các Cty làm dịch vụ, trong đó có Cty Thái Thế. Cứ sau mỗi lô gỗ về Việt Nam trót lọt, ngoài việc trả tiền chi phí, thuế má cho các Cty làm dịch vụ, tôi còn trả tiền thuê làm dịch vụ theo tỉ lệ phần trăm, khi thì tiền mặt, khi thì bằng gỗ cho họ. Đến khi làm ăn thất bát, nói thật tôi còn nợ ông Phạm Thái, Giám đốc Cty Thái Thế một số tiền nhưng không có để trả. Vì làm dịch vụ, nên ông Thái có một số giấy tờ liên quan đến các lô gỗ của tôi. Thấy ông Bích, Giám đốc Cty Minh Tuấn có tiền, nên ông Thái dùng giấy tờ đó để kiện ông Bích nhằm vớt vát phần nào mà thôi. Tôi đã nói với ông Thái, nợ ông tôi sẽ trả, đừng làm điều thất đức, vu khống người ta trắng trợn như thế, pháp luật không dung thứ, nhưng ông ấy không nghe” - ông Tam tâm sự.

PV Tiền Phong trong một nhà xưởng của ông Tam tại Lào.

Giả mạo giấy tờ

Để có đủ bộ hồ sơ kiện Cty Minh Tuấn đến cơ quan điều tra, Cty Thái Thế đã làm giả một số giấy tờ liên quan như: Hợp đồng mua bán gỗ nói trên với một Cty của Lào, giấy xác nhận nợ của Cty Minh Tuấn.

PV Tiền Phong đã tìm gặp ông Ăm Phon Bun Nhã Lạt, Giám đốc Tổng Cty Trường Sơn, đóng tại bản Thà Khẹc Nựa, huyện Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn. Khi xem toàn bộ hợp đồng mua bán gỗ giữa Cty Trường Sơn và Cty Thái Thế, ông Ăm Phon khẳng định, không hề biết Cty Thái Thế ở đâu và ông Phạm Thái là ai, bởi Cty ông chưa hề làm ăn với đối tác này. Ông Ăm Phon cho biết, con dấu đóng trong hợp đồng là của Cty Trường Sơn, nhưng ông đã bỏ từ năm 2010, khi nâng từ Cty Trường Sơn lên Tổng Cty Trường Sơn, trong khi hợp đồng mua bán gỗ  này được lập vào năm 2014.

Ngoài ra, chữ ký trong hợp đồng cũng không phải của ông. Để chứng minh điều này, ông Ăm Phon đã lấy bút giấy ký hơn chục chữ ký của mình để so sánh với chữ ký trong hợp đồng trước sự chứng kiến của nhiều người. Đồng thời, ông còn làm một giấy chứng nhận, ký tên đóng dấu khẳng định hợp đồng mua bán gỗ giữa Tổng Cty Trường Sơn và Cty Thái Thế là giả mạo.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Quan, nguyên Phó Giám đốc Cty Minh Tuấn cũng đã phát hiện Cty Thái Thế giả mạo chữ ký của mình trong một giấy nhận nợ giữa Cty Minh Tuấn và Cty Thái Thế. Ông Quan rất bức xúc và đã gửi đơn tố cáo ông Đặng Quốc Khánh, Phó Giám đốc Cty Thái Thế đến cơ quan điều tra về tội giả mạo giấy tờ nhằm trục lợi.

Ngày 7/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quảng Bình (PC46) đã có thông báo số 13/TB-PC46, về kết quả giải quyết tố cáo của Cty Thái Thế đối với Cty Minh Tuấn. Thông báo này khẳng định, lô gỗ nói trên thuộc sở hữu của ông Trần Công Tam. Hành vi của ông Bích, Giám đốc và bà Tâm, Phó Giám đốc Cty Minh Tuấn không phát sinh cơ sở cũng như yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài sản, theo Điều 141, Bộ luật Hình sự và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm doạt tài sản, theo Điều 140, Bộ luật Hình sự như đơn tố giác của ông Phạm Thái, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Thế.

Ông Nguyễn Đình Bích, Giám đốc Công ty Minh Tuấn cho biết, ông rất bức xúc vì bỗng dưng bị vu khống, cũng như một số báo đã viết bài quy kết ông chiếm đoạt tài sản. Hiện ông đang hoàn tất các thủ tục để kiện ông Phạm Thái về tội vu khống. Đồng thời khởi kiện các báo viết bài sai sự thật ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại do các bài viết của họ gây ra đối với Cty Minh Tuấn.