Ý định đó đã vấp ngay phải khó khăn khi viên chưởng lý đặt ra hai điều kiện: Một là, vụ án phải được minh chứng như một vụ có tầm quan trọng đặc biệt đáng đệ đơn lên Cơ mật viện. Theo viên chưởng lý, vụ án này chưa đủ tầm quan trọng đặc biệt.
Hai là, đương sự phải tự chứng minh là đã bị tổn thất về một quyền công dân nào đó (some civil right) trị giá 5.000 đô-la trong vụ này.
Đặt ra 2 điều kiện này, viên chưởng lý tin chắc rằng Tống Văn Sơ sẽ không thể đáp ứng, nhất là điều kiện thứ 2, bởi vì, Tống Văn Sơ không phải là một công chức, lại càng không phải là một thương gia thì làm sao mà có tổn thất đến 5000 đô-la?
Song viên chưởng lý đã không thể ngờ được rằng, Tống Văn Sơ cùng luật sư Lô-dơ-bi đã bẻ gãy mưu đồ và sự cố chấp của chính quyền Hương Cảng. Luật sư Lô-dơ-bi phản biện: - Quyền chống án là một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Đây là một vụ án có tầm quan trọng lớn lao và rộng khắp trong quần chúng.
Về phần Tống Văn Sơ, đương sự đã đệ đơn lên tòa nêu rõ ràng dân quyền (right civil) mà ông ta có quyền được hưởng là Tự do của ông ta bị xâm phạm bằng chứng là vị chánh tòa đã tuyên ông ta bị bắt sai, giam giữ sai, như thế ông ấy đã bị tước đoạt Tự do hơn 100 ngày. Chả lẽ sự mất Tự do hơn 100 ngày đó không trị giá hơn 5000 đô-la?
Sau lập luận đầy bất ngờ và xác đáng ấy, vị chánh án đành phải thừa nhận rằng vụ án này đủ điều kiện để đưa lên Cơ mật viện. Nhưng ông ta vẫn đặt ra thêm 3 điều kiện khác: 1.Phải nộp đơn chống án trong vòng 14 ngày; 2.Phải nộp đủ hồ sơ lên Cơ mật viện trong vòng 3 tháng; 3.Phải nộp số tiền 500 đô-la án phí trong vòng 1 tháng.
Luật sư Lô-dơ-bi “vui vẻ” nhận lời.
Điều kiện thứ nhất thì quá đơn giản. Điều kiện thứ ba thì luật sư Lô-dơ-bi giấu không cho Tống Văn Sơ biết vì luật sư hiểu Tống Văn Sơ chẳng đào đâu ra số tiền đó và luật sư đã tự bỏ tiền túi ra để nộp án phí.
Riêng điều kiện thứ hai, vì tài liệu phải in ty-pô và rất nhiều, nên luật sư Lô-dơ-bi phải mãi tới ngày 12/12 năm đó mới tập hợp xong và chuyển ngay lên Cơ mật viện.
Cơ mật viện là tòa án cao nhất ở nước Anh, có quyền chung thẩm. Viện này chỉ xét xử qua hồ sơ do các tòa án địa phương gửi lên. Hai bên nguyên và bị không cần hiện diện. Có hai vị luật sư đại diện cho hai bên: Luật sư Đê-nis Nâu-oen Pritt (Dennis Nowell Pritt) bênh vực cho Tống Văn Sơ, còn ngài Xta-pho-đơ Crips (Sir Stufford Cripps) thì bênh vực cho chính quyền Hương Cảng.
Luật sư Đ.N.Prit nguyên là nghị viên thuộc phái tả trong Nghị viện Anh, là một người có đầu óc tiến bộ, còn luật sư C.Crip là con trai Huân tước Pan-mơ (Lord Palmer). Khi Công đảng lên cầm quyền ở Anh quốc thì Huân tước Pan-mơ được làm Bộ trưởng Bộ thuộc địa.
Cả hai luật sư Prit và Crips đều là bạn của luật sư Lô-dơ-bi, nhưng Prit thân hơn nên luật sư Lô-dơ-bi đã gửi cho ông này một bức thư riêng giới thiệu về bản thân Tống Văn Sơ và tính chất quan trọng của vụ án này, cuối cùng, động viên bạn cố gắng bảo vệ sao cho được thắng lợi.Kèm theo, luật sư Lô-dơ-bi cũng gửi một tập hồ sơ cho Prit.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thấy đúng như trong thư giới thiệu, Prit đã hứa sẽ làm hết sức mình và bắt tay vào kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến vẻ vang này. Trong thâm tâm, luật sư Prit thấy rằng vụ này chỉ có thể giành được thắng lợi nếu có sự trợ giúp của vị luật sư đại diện cho chính quyền Hương Cảng.
Ông Prit liền không ngại ngần, tìm đến chơi nhà ngài Crips và dùng những lời lẽ tâm tình, nêu rõ về con người Tống Văn Sơ, đồng thời cũng phân tích rằng, nếu ngài Crips một mực bênh vực cho sự cố chấp của chính quyền Hương Cảng thì uy tín của ngài sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
Vì lúc đó chưa nghiên cứu hồ sơ nên ngài Crips cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Thế nhưng khi đọc hồ sơ xong thì ngài Crip đã tỏ thái độ rõ ràng là ủng hộ Tống Văn Sơ. Hai vị luật sư đã gặp lại nhau cùng bàn bạc thống nhất sẽ biện hộ để Vua Anh phóng thích Tống Văn Sơ.
Ngày 21/7/1932, tại tòa án trong cung điện Bớc-king-ham, có mặt Đức vua Anh, hầu tước chánh án đã phán quyết: 1. Bỏ việc chỉ định “tàu biển” trong lệnh trục xuất; 2. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không giao người kháng án cho Pháp hoặc đến một lãnh thổ do Pháp bảo hộ hoặc xuống một tàu biển của Pháp; 3. Chính quyền Hương Cảng sẽ hết sức cố gắng để bảo đảm rằng người kháng án (tức Tống Văn Sơ-PV) sẽ đến được nơi muốn đến; 4. Chi 250 bảng Anh cho phí tổn của người kháng án.
Luật sư Crips còn thay mặt chính quyền Hương Cảng hứa giúp phương tiện cho nhà cách mạng An Nam! Ngoài ra, chính quyền Hương Cảng còn đưa cho Tống Văn Sơ 400 đô la tiền lộ phí.
Vậy là, cuộc chiến “châu chấu đá voi” đã giành được “đại thắng lợi”. Âm mưu hãm hại của chính quyền Hương Cảng bị sụp đổ, chính nghĩa đã thắng! Đó là nhờ vào công lao của vị luật sư đầy nhiệt huyết với Tống Văn Sơ, cùng với sự giúp đỡ đắc lực của các vị luật sư Giên-kin, Prit và Crips… Báo chí Anh quốc lúc đó đã coi: “Việc nhà cách mạng An Nam được trắng án là một danh dự lớn cho luật sư Lô-dơ-bi và của công lý nước Anh”.
Tin vui bay về Hương Cảng làm cho luật sư Lô-dơ-bi và gia đình ông vô cùng phấn khởi và ông đã báo tin ngay cho Tống Văn Sơ lúc đó đang nằm điều trị trong bệnh viện. Chả là, sau khi bị giam mấy tháng liền trong nhà tù thiếu thốn mọi điều kiện, ông Tống bị ốm nặng.
Luật sư Lô-dơ-bi đã hết lòng tranh đấu cho “người khách hàng đặc biệt” buộc nhà chức trách phải cho ông Tống vào viện điều trị. Tới đầu năm 1932 thì sức khỏe ông Tống dần bình phục. Và khi nhận được tin “đại thắng lợi”, ông Tống hết sức vui mừng và cảm thấy khỏe khoắn lạ thường.
Bấy nhiêu lâu xa cách đồng chí, bạn bè, nhiều đêm, ông Tống cảm thấy vô cùng cô đơn, khắc khoải nơi đất khách; có lúc, ông hằng mong có đôi cánh để bay về ngay với đại gia đình vô sản.
Bởi thế, khi nhận được tin vui đại thắng, Tống Văn Sơ đã hết lòng cảm tạ luật sư Lô-dơ-bi và gia đình, cùng các vị luật sư khác rồi xin được rời ngay Hương Cảng dù gia đình luật sư Lô-dơ-bi hết lời khuyên nhủ nên ở lại chờ cho sức khỏe ổn định toàn phần và cũng để nhận được đầy đủ giấy tờ tùy thân từ Cơ mật viện gửi tới.
Nhân có một chiếc tàu thủy đi châu Âu cập bến Hương Cảng, Tống Văn Sơ bịn rịn chia tay ân nhân rồi xuống tàu, rời “cảng thơm”, vượt trùng dương.
Con tàu rẽ sóng chạy về hướng đất Tân-gia-ba (Singapore). Tống Văn Sơ đâu có ngờ rằng, mật thám đã dõi theo từng bước đi của ông và điện luôn cho cảnh sát Tân-gia-ba rằng, hễ thấy một người hình dạng như thế thì bắt lại.
Tàu vừa cập bến Tân-gia-ba, một đám cảnh sát đón bắt và áp giải Tống Văn Sơ xuống tàu Hồ San. Họ tuyên bố rằng, chính quyền Tân-gia-ba không phụ thuộc vào bất cứ lệnh nào của các chính quyền khác, bởi thế, cũng không bắt buộc phải thi hành việc đảm bảo của chính quyền Hương Cảng.
Và, cảnh sát Tân-gia-ba đã buộc ông Tống phải lên ngay tàu Hồ San, đưa trả lại cho chính quyền Hương Cảng. Trở lại nơi đã gây cho mình bao nhiêu oan trái, đắng cay, Tống Văn Sơ vừa mới đặt chân lên bờ liền bị cảnh sát Hương Cảng bắt.
Họ tuyên bố lý do là ông Tống vào Hương Cảng không có giấy phép nhập cảnh và họ đưa ông trở lại nơi nhà tù vừa mới giam ông trước đây không lâu!
Lại một lần nữa, tính mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị đe dọa nghiêm trọng. Làm thế nào để tự cứu mình đây?