Bà trùm Nguyễn Thị Kim Hạnh bị truy tố về tội "Trốn thuế" và "Rửa tiền”. Hai đồng phạm gồm Nguyễn Văn Võ (SN 1968, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) và Nguyễn Văn Sang (SN 1970, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) - cựu cán bộ Công an tỉnh An Giang - bị truy tố cùng về tội "Rửa tiền".
Trước đó, ngày 4/12/2023, TAND tỉnh An Giang đã đưa vụ án ra xét xử. Ngoài 3 bị cáo trên, tòa còn triệu tập 82 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng do số người này vắng mặt quá nhiều nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Cáo trạng được công bố tại phiên xét xử hôm nay (14/12) thể hiện: Từ năm 2009-2020, Nguyễn Thị Kim Hạnh đã thành lập 4 công ty TNHH, 2 hộ kinh doanh do chính Hạnh và người làm công đứng tên đại diện để đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu là mua bán đường.
Cụ thể, Hạnh đứng tên Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Hạnh Phát và Công ty THHH XNK Thiên Sứ. Công ty TNHH Thương mại Huỳnh Phát Đạt do Trần Văn Phương và Nguyễn Thị Bé Em làm giám đốc. Công ty TNHH Thương mại Bình Kim An do Lê Thị Bạch Vân làm giám đốc. Các công ty hoạt động theo hình thức khai báo thuế khấu trừ. Nguồn gốc số lượng đường do Hạnh trực tiếp mua, vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.
Còn hộ kinh doanh Hạnh Phát do Hạnh thành lập và đứng tên chủ hộ kinh doanh. Từ tháng 11/2015 đến tháng 8/2018, Hạnh nhờ Nguyễn Thanh Thọ (cháu Hạnh) đứng tên; từ tháng 5/2019 do Mai Thị Ngọc Phấn (người làm thuê của Hạnh) đứng tên.
Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Út do Nguyễn Hoàng Út (em ruột Hạnh) đứng tên chủ hộ kinh doanh và đến năm 2018 do Nguyễn Phước Lộc (người làm thuê của Hạnh) đứng tên, rồi đổi thành hộ kinh doanh Lộc Phát. Hai hộ kinh doanh này hoạt động theo hình thức khai báo thuế khoán.
Quá trình điều hành hoạt động các công ty và hộ kinh doanh, “bà trùm” Mười Tường đã bán đường cát cho 20 khách hàng ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, TP Cần Thơ và TPHCM với tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng.
Để nhận tiền bán đường từ khách hàng, Hạnh nhờ những người làm công cho mình đứng tên mở các tài khoản ngân hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản này mà không chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế. Các tài khoản ngân hàng này đều đăng ký số điện thoại của Hạnh, nhận tin nhắn biến động tài khoản khi khách hàng chuyển tiền để Hạnh quản lý.
Đồng thời, khi mua bán đường cát, Hạnh không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn bán hàng và kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra. Căn cứ kết quả giám định về thuế, xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước là hơn 755 tỷ đồng.
Sau đó, Hạnh chỉ đạo những người được Hạnh nhờ đứng tên chủ tài khoản ngân hàng rút tiền bán đường cát không xuất hóa đơn trong các tài khoản để chuyển vào tài khoản của Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Sang (lúc đó đang là cán bộ Công an tỉnh An Giang) nhiều lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Trong đó, Nguyễn Văn Võ nhận 10 lần với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; Nguyễn Văn Sang nhận 11 lần với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, với danh nghĩa đầu tư nuôi cá, gửi tiết kiệm và làm từ thiện nhằm che giấu nguồn gốc số tiền buôn lậu đường và trốn thuế…
Phiên tòa dự kiến diễn ra đến hết ngày 15/12/2023.