Vươn lên vị thế dẫn đầu…
Báo cáo tài chính mới được công bố của VPBank cho thấy, kết thúc năm 2016, tổng tài sản của VPBank đạt gần 226.000 tỷ đồng, tăng 16,5% từ mức 194.000 tỷ đồng năm 2015. Năm 2016 cũng là năm lần đầu tiên chứng kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt con số 4.900 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của riêng ngân hàng là 3.400 tỷ đồng.
Theo VPBank, lợi nhuận năm 2016 tăng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, đạt 15.100 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ đồng so với năm trước. Ngoài ra, tăng thu từ nợ đã xử lý rủi ro cũng đóng góp một phần đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng với con số đạt 715 tỷ đồng, tăng 180% so với năm 2015. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí hoạt động đã được kiểm soát chặt chẽ, chỉ ở mức tăng 16% so với 2015.
Với mức lợi nhuận như vậy, VPBank đã lọt vào top bốn ngân hàng có hiệu quả tốt nhất trong năm qua, chỉ sau Vietinbank, Vietcombank và BIDV. Những kết quả kinh doanh kể trên cũng đã sớm đưa VPBank chạm một tay vào mục tiêu chiến lược, trở thành một trong năm ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất vào năm 2017, được đưa ra cách đây 5 năm.
Quay trở lại thời điểm năm 2012, khi VPBank lần đầu vạch ra chiến lược phát triển 5 năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 949 tỷ đồng và tổng tài sản là 102.600 tỷ đồng. Số lợi nhuận trong năm 2012 thậm chí còn giảm nhẹ so với năm 2011. Nhưng kể từ đó, lợi nhuận của VPBank đã liên tục tăng trưởng và tới nay con số lợi nhuận đã cao gần gấp 5 lần, còn tổng tài sản tăng gấp hơn hai lần.
Thực tế, trong bối cảnh kinh tế khởi sắc như hiện nay, việc các ngân hàng báo lãi là chuyện bình thường. Nhưng vì sao VPBank lại được coi như một hiện tượng đáng chú ý?
….từ chiến lược “con kiến tha lâu cũng đầy tổ”
Cũng như nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác, VPBank không có được những lợi thế như các ngân hàng quốc doanh, đó là cơ hội tiếp cận các khách hàng lớn là các tổng công ty nhà nước hoặc các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn. Hơn nữa, thời mà các ngân hàng trông đợi vào việc kiếm lời từ đầu tư chứng khoán hay đầu tư vàng cũng đã trôi qua.
Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo của VPBank đã chọn một hướng đi riêng, đó là tập trung vào phân khúc bán lẻ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thậm chí, ngân hàng cũng đã đặt ra mục tiêu trở thành một trong ba ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam trong chiến lược 5 năm 2012-2017.
Nếu so với những khách hàng là các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty hay các tập đoàn nhà nước, thì giá trị các khoản tín dụng tiêu dùng ung cấp cho khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhỏ hơn rất nhiều,với những khoản vay từ vài triệu đồng đến khoảng vài tỷ đồng. Nhưng, với một thị trường gần 100 triệu dân với tỷ lệ dân số trẻ cao, nhu cầu tiêu dùng là rất lớn. Hơn nữa, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển của Chính phủ đã tạo ra một làn sóng thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới trong năm 2016. Tất cả điều đó đồng nghĩa với việc thị trường vay tiêu dùng của người dân và vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng rất lớn.
Nhờ đó, khối khách hàng cá nhân của VPBank đã tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô cho vay với hai sản phẩm chủ lực có biên lợi nhuận cao là thẻ tín dụng và cho vay tín chấp. Minh chứng cho việc này là hàng loạt giải thưởng được các tổ chức quốc tế trao tặng như “Sản phẩm cho vay tín chấp tốt nhất Việt Nam”, “Sản phẩm thẻ đột phá của năm”, “Giải pháp tài chính dành cho hộ kinh doanh cá thể tốt nhất Việt Nam”... Bên cạnh đó, số lượng khách hàng tăng trưởng nhanh đã khiến VPBank phải tuyển thêm hơn 4.000 nhân viên mới riêng trong năm 2016, và phần lớn trong số đó đều gia nhập phân khúc bán lẻ.
Đối với các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, VPBank dường như là ngân hàng nhanh nhạy nhất đưa ra những dịch vụ phù hợp đối với nhu cầu thị trường. Đơn cử như ngân hàng đã xây dựng mô hình kinh doanh chuyên biệt cho phân khúc đầy tiềm năng Micro SME, với các sản phẩm cho vay tín chấp doanh nghiệp có biên độ sinh lời cao và mô hình kênh bán hàng trực tiếp. Năm 2016, phân khúc Micro SME cũng đã đem lại những kết quả khả quan, với dư nợ sản phẩm cho vay tín chấp SME tăng hơn 5 lần so với năm 2015. Mặt khác, VPBank đã nhanh chóng thiết lập mảng kinh doanh phục vụ phân khúc Tín dụng Tiểu thương, một phân khúc tiềm năng đang bị bỏ ngỏ. Thực tế, Khối Tín dụng Tiểu thương đã dần chứng tỏ vai trò của một khối kinh doanh chiến lược và đạt được những thành tựu đáng khích lệ với 129 điểm kinh doanh, dư nợ tăng gấp 10 lần và thu nhập tăng gấp 12 lần so với năm 2015.
Báo cáo tài chính năm 2016 của ngân hàng cho biết cơ cấu dư nợ cho vay đối với các hộ kinh doanh và cá nhân chiếm hơn một nửa tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Cộng dồn nhiều khách hàng nhỏ lại, với những khoản lợi nhuận nhỏ, VPBank đã thu được khoản lợi nhuận lớn. Điều này cũng giống như hình ảnh những con kiến cần cù tha mồi lâu cũng đầy tổ.