Cuộc đối thoại lần này nối tiếp các vòng đàm phán đã kết thúc tại Bắc Kinh vào tuần trước. Dù vẫn chưa thể đưa ra một thỏa thuận chung nào, nhưng giới chức 2 bên cho biết đã tạo được tiến triển về các vấn đề gây tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thông báo từ Nhà Trắng cho biết mục tiêu của vòng đối thoại lần này là muốn “đạt được những thay đổi cơ cấu cần thiết tại Trung Quốc, những thứ có thể gây ảnh hưởng đến tình hình thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai bên sẽ còn thảo luận về các yêu cầu của Trung Quốc trong việc mua lại một số lượng lớn các hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ.”
Các cuộc đối thoại cấp cao hơn sẽ bắt đầu vào thứ Năm tới (21/2), và được điều hành bởi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một người ủng hộ mạnh mẽ việc thúc ép Trung Quốc chấm dứt các hành động như những vụ chuyển giao công nghệ mang tính ép buộc với các công ty Mỹ, và đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc, dù bác bỏ việc dính dáng tới những hành động trên, nhưng đã xác nhận phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tới Washington để tham gia vào các cuộc đối thoại diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow, và Cố vấn thương mại Peter Navarro sẽ tham gia vào các vòng đối thoại trên.
Các khoản áp thuế của Mỹ lên 200 tỉ Đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 10% lên 25%, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào vào thời điểm hạn chót là ngày 1 tháng 3 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mới đề nghị có thể kéo dài thời điểm hạn chót cho các cuộc đàm phán vào tuần trước, đã nhắc lại quan điểm này trong một bài phát biểu vào thứ Hai vừa qua, khi cho rằng các cuộc đàm phán đã đạt được một số kết quả.
“Chúng ta đang đạt được rất nhiều tiến bộ. Không ai nghĩ rằng nó (tiến trình đối thoại) sẽ diễn ra như vậy,” Tổng thống Trump tuyên bố trước đám đông các cử tri tại bang Florida.