> Nghệ sĩ quốc tế nói gì ở LHP Quốc tế Hà Nội?
> Tối nay khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2
Vô vọng, bất lực
Trong danh sách dự thi, tên tiếng Anh của phim- Helfless được dịch là Vô vọng. Còn phụ đề phim ghi Bất lực. Hai tên này đều hợp với bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám của Miyabe Miyuki (Nhật Bản).
Bác sĩ thú y Mun-ho (Lee Sun Kuyn) và người yêu Seon-yeong (Kim Min Hee) trên đường đến nhà bố mẹ Mun-ho để bàn về đám cưới của hai người. Xe dừng để Mun-ho mua vài thứ. Khi trở ra, vị hôn thê đã mất tích. Thế là bắt đầu chặng tìm kiếm suốt bộ phim, nhằm giải đáp cô là ai, vì đâu bỏ đi mất dạng?
Ngoài cặp này, còn có tay cảnh sát về vườn do nhận hối lộ- bạn của Mun-ho, thất nghiệp nên được Mun-ho thuê tìm Seon-yeong; cô y tá làm cùng phòng khám tư của anh; vài cô bạn của “cô dâu chạy trốn”; đời chồng trước của Seon-yeong…
Tay thám tử (Jo Sung Ha) chẳng có dấu hiệu gì là giỏi nghề. Ngay đầu phim, anh ta còn chẳng bắt nổi một thằng nhãi ăn cắp mấy lon nước ngọt trong cửa hàng, ném lon nước vào nó cũng không trúng.
Chẳng cần hao tâm tổn lực, anh lần lượt dò trúng các “tổ chuồn chuồn” của cô kia.
Cuối cùng, anh ta và Mun-ho phát hiện cô là kẻ giết người, mạo danh. Khi bị cả hai lần ra dấu vết, tóm giữa đường, cô không chối tội cũng chẳng giải thích vì sao. Và rồi bị thám tử đuổi theo, cô vứt lại đôi giày cao gót, chạy đến mép tường của tòa cao ốc và...nhảy xuống, chết thảm. Hết phim.
Vô vọng, bất lực là tình cảnh nhân vật nam chính, cố lần ra dấu vết của người tình để rồi... không biết phải làm gì. Và cũng là tình cảnh các nhà làm phim, có vẻ thế, khi cố làm một bộ phim tâm lý tội phạm hấp dẫn bất thành. Vì đâu nên nỗi?
Giao lưu sau buổi chiếu, đạo diễn Byun Young-joo giải thích, sở dĩ nhân vật nam chính luôn gào thét, đó là bởi anh phải trải qua rất nhiều tâm trạng. Thực tế, từ đầu đến cuối phim, anh này chỉ mang một bộ mặt- khổ đau, bàng hoàng, giận dữ.
Không có khoảng lặng trừ lúc thẫn thờ tưởng nhớ hình bóng cô kia. Chưa tìm được cũng thế mà phát hiện ý trung nhân từng giết không chỉ một người, không hề có ý định dừng lại, cũng vậy.
Bất đồ tìm được cô giữa chốn công cộng, anh nói: “Em có biết anh lo cho em thế nào không? Hãy đi đi, hãy sống là chính mình, đừng để bị bắt”. Thấy cô chết bẹp bên đường ray tàu hỏa, anh gào lên “cứ để mặc tôi” như có ý đòi nhảy xuống chết theo, khiến ông bạn thám tử phải ôm chặt ngăn cản...
Tưởng hay hóa dở
Ảnh: Toan Toan.
Có 4 khán giả giơ tay hỏi đạo diễn trong buổi chiếu ra mắt phim ở Megastar chiều 26-11. Hai câu hỏi là về... bướm- một hình ảnh thoáng qua trong phim, lúc nữ sát nhân ngập trong máu của nạn nhân.
Tôi hỏi: “Xin cho biết, đạo diễn làm phim này là để làm gì? Kể chuyện vụ án và gì nữa? Xin nói thêm ý nghĩa nhân văn của phim”.
Không biết người dịch chuyển ngữ sát đến đâu, đại khái câu trả lời tôi thu về là: “Tôi muốn mô tả xã hội Hàn Quốc. Và cuộc sống có khi rất nguy hiểm, ngay láng giềng của bạn cũng có thể giết người.
Và nhiều khi chúng ta lạnh lùng quá, không biết rõ về nhau. Khán giả xem xong phim sẽ đứng về phía nhân vật nam chính hoặc nữ chính. Tôi còn muốn nói rằng kẻ nào gây ra tội ác thường phải chịu dằn vặt...”.
Mô-tip “đừng yêu người lạ”, “tội ác ở quanh ta”, “ngủ với kẻ thù” ...không mới, nhất là điện ảnh Mỹ.
Vô vọng chính là loại ví dụ mà đạo diễn người Đức Jan Schutte Trưởng BGK phim truyện nhựa LHP đã cảnh báo nền điện ảnh nhỏ của chúng ta: “Nếu sao chép công thức của Hollywood, bạn sẽ không bao giờ bằng họ”.
Phim kể về kẻ chuyên làm quen với các cô gái, giết họ, sống bằng tên của họ. Mỹ chưa? Bị người tình bắt gặp khi đang đi thang cuốn, cô rơi giọt lệ, nói “tưởng đã có lúc hạnh phúc”, xin anh để cô đi.
Anh thám tử truy đuổi, và khi không biết chạy đi đâu nữa, cô nhảy đại, tìm đến cái chết! Kẻ sát nhân đã chết ắt phải chết thảm, từ cao độ, tan xương nát thịt. Thế mới Mỹ.
Nhưng lại hoàn toàn sai về mặt tâm lý, bởi kẻ giết người đã thành tật thì không dễ tự kết liễu đời mình.
Nhân vật cảnh sát về vườn được thuê làm thám tử cũng rất Mỹ- về mặt công thức.
Nghiệp vụ thì không. Ngay chuyện tiền nong, giao kèo giữa hai người- kẻ thuê và người được thuê, cũng phải có chứ. Những sơ suất loại này trong phim, có mà cả nắm.
Không hề có điều gì chứng tỏ hai người từng yêu nhau thắm thiết, để đến nỗi một người mất tích thì người kia hoảng loạn vô vọng, xong rồi khi biết rõ cô ta thì bỏ qua ngay “yếu tố sát nhân”, tuyệt vọng trước cái chết của cô.
Chỉ thấy cảnh quá khứ, hai người nằm cạnh nhau, bảo “ta cưới nhau nhé”, thế là miêu tả xong một mối tình sâu nặng? Cái này không Mỹ mà có vẻ Việt Nam hơn.
Đại loại thế, rất nhiều tình tiết giản đơn, câu thoại trường phái Việt Nam trong bộ phim Hàn này.
Các nhân vật có phần còn hay quát lác hơn cả phim Việt. Đạo diễn định xây dựng nam chính là nhân vật chính diện chứ không phải loại có sở thích oái oăm, nhưng để anh ta ứng xử kỳ cục với tội ác- thì thông điệp nhân văn, chỗ nào?
Vì sao tôi phải kể về một bộ phim dở? Bởi cái dở cũng có ích, để ta biết đâu là sự giả, rỗng tuếch, phản nhân văn mà tránh.
Điều mà ta hình như cũng sẵn, ví dụ gần nhất là Đam mê, phim mới của Cty cổ phần phim truyện 1, đại biểu nước chủ nhà dự thi LHPQT Hà Nội 2012.