> 'Âm nhạc đích thực phải chạm tới cảm xúc'
> Khi đàn tranh chơi nhạc R&B
Vì sao chị khuyến khích các bạn trẻ sáng tác theo hướng tự do, đương đại mà không thử sáng tác kiểu cổ, theo ngũ cung?
Ở thể tự do bạn vẫn có thể sáng tác theo ngũ cung. Mọi thứ đều thay đổi, đều phải phát triển và uyển chuyển thích nghi theo cuộc sống mới. Nhưng cái gốc của nó ở đâu là chuyện khác.
Phải để các bạn hiểu nhạc dân tộc có những vốn liếng như thế, nhưng phải cho các bạn dùng nhạc đấy nói lên tiếng nói của các bạn. Như thế mới thú vị, mới tìm được sự chia sẻ. Đấy là lý do tôi khuyến khích các bạn, đừng nghĩ đến việc mình có được học chuyên ngành sáng tác hay không. Quan trọng nhất là các bạn nghe gì, cảm thấy gì trong đầu mình, trong tim mình thì các bạn viết ra, hát lên, thu lại...
Khóa học đầu tiên ở Hà Nội nghệ nhân nào sẽ dạy?
“Mời nghệ nhân để chỉ cho các em những ngón đàn cổ, còn chuyên gia nước ngoài mở ra cho các em những hướng nhạc mới. Vì chương trình này khuyến khích các em không bị bó buộc bởi bất cứ thể loại nhạc gì”.
Cái này tôi phải sắp xếp với ban điều hành. Việc mời nghệ nhân với tôi không khó. Nhưng mình phải rất chu đáo, họ dạy không vì tiền. Ví dụ mới đầu học thầy Hoàng Cơ Thụy (TPHCM) tôi gửi quà cho thầy. Thầy nói: “Em cầm về đi. Việc dạy em là nghĩa vụ của thầy.” Thế là tôi khóc luôn. Tại thầy rất khó khăn. Tất cả nghệ nhân của mình không ai có cuộc sống bình thường, ổn định hết. Cả cuộc đời họ dành cho nghệ thuật nhưng không ai công nhận.
Khi đến với các nghệ nhân, tôi rất rõ ràng ý kiến của tôi: Tôi học cái cội rễ của tôi nhưng không phải người giữ để bảo tồn mà sẽ dùng để phát triển. Các bác rất ủng hộ.
Chị đã vận động được kinh phí để chạy dự án trong bao lâu?
Tôi đã gây quỹ 2 lần bên Mỹ. Chương trình kéo dài ít nhất 3 năm. Con đường nghệ thuật để thành công lâu lắm, nhưng làm được gì thì cứ làm thôi. Hy vọng sau 3 năm, mọi người đã bắt đầu vào guồng thì nó cứ chạy, còn tôi sẽ tìm thêm tài trợ.
Ở Mỹ, khi tôi nêu ý kiến này, rất nhiều người ủng hộ. Ở Việt Nam vẫn có nhiều doanh nhân thành đạt muốn giúp, nhưng không biết giúp từ đâu. Họ rất đồng tình rằng đây là bản sắc văn hóa của mình cần phát triển. Họ bảo nghe âm nhạc bây giờ chán quá vì toàn Trung Quốc hay Hàn Quốc, họ cũng rất bức xúc.
Lúc nào chương trình khởi động?
Ngày 1/6 là hạn cuối cùng cho học viên nộp đơn vào dự án. 31/1/2014 là hạn cuối nộp sáng tác. Tháng 4 công bố bài nào được chọn và biểu diễn luôn. Các bài chọn vào vòng cuối trao giải đều phải bảo vệ trước BGK. Khi nộp đơn vào dự án phải viết bài luận, trả lời 3 trên 4 câu hỏi, trong đó có câu “Tại sao chúng tôi phải chọn bạn?” và “Tại sao bạn nghĩ việc viết nhạc là điều quan trọng đối với một nghệ sĩ?”.
Sinh viên bây giờ giỏi lắm nhưng không được hướng dẫn nhiều. Bên Mỹ, sinh viên nghệ thuật va chạm nhiều lắm, làm đủ thứ. Còn sinh viên ngành nhạc của mình tôi nghĩ rất non về kỹ năng sống.
Sự nghiệp riêng của chị đến đâu rồi?
Tôi viết rất nhiều, sẽ tìm cách đưa về trường cho các em dùng. Những bản đó đều được người ta mời viết. Ba năm đầu bản quyền thuộc về nơi mời. Tôi phải chờ hết 3 năm thì mới chia sẻ được. Trước khi sang Việt Nam tôi vừa hoàn thành 2 bản nhạc viết cho đàn bầu, đàn t’rưng trống đồng Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng.
Tôi là người Việt Nam duy nhất diễn tại Thế Vận hội Olympic vừa qua. Chín nước Đông Á có 45’ thì một mình tôi trình diễn nhạc Việt Nam 30’. Tháng 7 này tôi là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên trình diễn tại Lincoln Center ở New York, trình bày tác phẩm của tôi luôn.
Giờ tôi toàn chơi tác phẩm của mình. Tôi vừa hoàn thành CD nữa (CD đầu tay Võ Vân Ánh làm với nhạc sĩ Đỗ Bảo- PV) với tứ tấu hàng đầu thế giới Kronos, 40 năm chơi nhạc họ chỉ nhận làm khách mời cho chưa đến 12 nghệ sĩ. Thì phải biết tự hào như thế nào.