Vỏ bọc đại gia của em trai Lệnh Kế Hoạch ở Mỹ

Ông Wang và vợ mình, một phụ nữ được hàng xóm biết đến với cái tên Jane, nhiều lần ăn tối cùng các gia đình xung quanh, sau khi chuyển vào căn nhà mua từ cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ Beno Udrih năm 2013.
Lệnh Hoàn Thành, em trai út của Lệnh Kế Hoạch. Ảnh: WCT.

Mang vẻ ngoài thân thiện và lịch thiệp, sống trong căn biệt thự triệu đô tại Mỹ, Jason Wang hay Lệnh Hoàn Thành chính là em trai của một cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc và là người mà Bắc Kinh quyết yêu cầu Washington dẫn độ.

Sau khi lặng lẽ chuyển tới căn biệt thự rộng 725 m2 tại khu ngoại ô Loomis của thành phố Sacramento, bang California, Mỹ, người đàn ông tự giới thiệu là Jason Wang không hề hé lộ với những hàng xóm mới về việc có quan hệ với những người chức cao vọng trọng nhất trên chính trường Trung Quốc, cũng như tầng lớp doanh nhân thượng lưu nước này.

Ông Wang và vợ mình, một phụ nữ được hàng xóm biết đến với cái tên Jane, nhiều lần ăn tối cùng các gia đình xung quanh, sau khi chuyển vào căn nhà mua từ cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ Beno Udrih năm 2013. Với những người sống tại đây, Jason Wang là người thích đánh golf, thân thiện. Thỉnh thoảng, Wang còn nhắn tin nhờ hàng xóm tư vấn cách bảo dưỡng ngôi nhà.

"Ông ta là một người tuyệt vời, cực kỳ hào phóng. Họ thường ghé qua nhà chúng tôi ăn tối", bà Sarah Matteson, sống cạnh gia đình ông Wang kể lại. Bà cho biết từng được nhận một cặp rượu vang Napa cỡ lớn từ những người hàng xóm đến từ Trung Quốc.

Nhưng đến vài tháng trước, có điều bất thường diễn ra khi bà Matteson thấy một chiếc ôtô lạ xuất hiện. Bước từ trên xe xuống là một phụ nữ và một nam giới mang phù hiệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, hỏi thông tin về cặp vợ chồng Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, bà Matteson cùng một người khác từng gặp Jason Wang xác nhận qua ảnh rằng hàng xóm của mình chính là Lệnh Hoàn Thành. Hồ sơ bất động sản California và các bằng chứng khác cũng cho thấy điều tương tự.

Lệnh Hoàn Thành là em trai út của Lệnh Kế Hoạch, người nhiều năm từng giữ chức chánh văn phòng trung ương đảng Trung Quốc, và là một trong những quan tham cấp cao nhất bị "đả" trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Căn biệt thự 2,5 triệu USD Lệnh Hoàn Thành mua tại Mỹ. Ảnh: Epoch Times.

Hành trình đến với căn biệt thự triệu đô

Lệnh Hoàn Thành sinh năm 1960 trong một gia đình tương đối khá giả tại huyện Bình Lục nghèo khó ở tỉnh Sơn Tây. Cha của Lệnh là một viên chức nhỏ còn mẹ là nhân viên bệnh viện. Vậy nhưng cặp vợ chồng này có thu nhập bằng cả làng cộng lại.

Là người yêu nước, cha ông Lệnh đặt tên 5 người con theo những từ thường xuất hiện trên báo đảng như: Kế Hoạch, Phương Châm, Chính Sách, Lộ Tuyến và Hoàn Thành. Trong khi hầu hết anh chị em đi theo con đường chính trị, Lệnh Hoàn Thành lại trở thành phóng viên, và công tác tại tờ Liaowang, một tạp chí xuất bản hàng tuần của chính phủ.

Theo một đồng nghiệp cũ tiết lộ với Caixin, Lệnh Hoàn Thành là người năng nổ, thân thiện, giỏi giao tiếp. Người này khẳng định Lệnh Hoàn Thành không giống những người anh của mình, vốn thường cứng nhắc và kiệm lời. Lệnh thỉnh thoảng tổ chức ăn tối tại nhà, giới thiệu đồng nghiệp với anh trai Kế Hoạch.

Khoảng năm 2003, Lệnh Hoàn Thành bắt đầu học chơi golf và lập tức đam mê môn thể thao này. Những người quen cho biết Lệnh còn có thú vui khác là hát ca khúc từ thập niên 1950 khi chuẩn bị thực hiện một cú đánh.

Cùng khoảng thời gian học đánh golf, Lệnh thôi theo nghề báo. Đến năm 2008, một năm sau khi anh trai trở thành người thân cận số một của chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm đó là Hồ Cẩm Đào, Lệnh Hoàn Thành lập công ty riêng là Trung tâm quản lý đầu tư Huijin Lifang Bắc Kinh, và giàu lên nhanh chóng từ đây.

Doanh nghiệp này đầu tư vào nhiều công ty tại tỉnh Sơn Tây và 7 trong số này sau đó được niêm yết trên sàn chứng khoán. Công ty Huijin nhanh chóng bán hết cổ phần sau khi lên sàn và thu về 394 triệu nhân dân tệ (65 triệu USD).

Lệnh Kế Hoạch từng là phụ tá thân cận của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh: AP.

Edward Snowden của Trung Quốc?

Trung Quốc trong những tháng gần đây gia tăng áp lực lên chính quyền Obama, yêu cầu Mỹ trục xuất Lệnh Hoàn Thành nhưng Washington đến nay vẫn từ chối. Khả năng Lệnh đào tẩu có thể là một "cuộc đảo chính tình báo" mà Bắc Kinh là bên phải trả giá, tờ New York Times khẳng định.

Lệnh Hoàn Thành hay Jason Wang đều không có tên trong danh sách 40 người đào tẩu sang Mỹ được Bắc Kinh công khai hồi đầu năm, cho thấy trường hợp này nhạy cảm ra sao đối với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Marc Raimondi, người phát ngôn Bộ tư pháp Mỹ khẳng định sẽ không ngừng theo đuổi quyết liệt việc truy tố những người đào tẩu sang Mỹ bị Trung Quốc truy lùng, do cáo buộc liên quan đến rửa tiền hay các hành vi tội phạm khác. Nhưng vị quan chức này cũng khẳng định "việc chỉ cung cấp một danh sách tên người là không đủ". Bộ Tư pháp Mỹ hối thúc phía Trung Quốc cung cấp bằng chứng liên quan.

Christopher K. Johnson, cựu chuyên viên phân tích của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhận định, giới chức Trung Quốc có thể muốn Lệnh Hoàn Thành hợp tác trong việc xét xử anh trai mình. Ông tin rằng Bắc Kinh không muốn những "kho tàng" kiến thức ông Lệnh có được về chính giới Trung Quốc rơi vào tay giới chức Mỹ.

Nhà phân tích đang hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho rằng Bắc Kinh "nóng lòng muốn bắt người đàn ông này, bởi chắc hẳn ông ta từng được tiếp cận rất nhiều điều thú vị".

LA Times dẫn lời ông Ho Pin, nhà sáng lập trang tin tức tiếng Trung Mingjing News tại Mỹ, cho rằng giới chức Mỹ sẽ muốn bảo vệ Lệnh Hoàn Thành hơn là để ông này về Trung Quốc. Với vị trí của anh trai mình, Lệnh Hoàn Thành có thể nắm giữ nhiều bí mật về Bắc Kinh hơn bất kỳ ai từng đào tẩu kể từ năm 1949.

"Những bí mật đó có thể không liên quan tới quân sự, nhưng là những tình tiết thật về những vụ tham nhũng, hay thông tin về những nhà lãnh đạo hiện tại có khả năng gây tổn hại tới hình ảnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc nếu bị tiết lộ", ông Ho Pin nói.

Trước đó hồi tháng 5, trang tin chính trị Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ Boxun News, viết rằng Lệnh Kế Hoạch có nguy cơ đối mặt với án tử hình vì nắm giữ 2.700 tài liệu mật về Chủ tịch Tập Cận Bình. Có tin đồn số tài liệu này đang ở trong tay Lệnh Hoàn Thành.

Tài liệu được tập hợp từ năm 2007, khi ông Tập vẫn còn là phó chủ tịch Trung Quốc, và được tin sẽ trở thành lãnh đạo tiếp theo của nước này. Nó bao gồm những chỉ đạo ông Tập từng đưa ra về một loạt các vấn đề từ quân sự, chính trị, kinh tế tới các vấn đề văn hóa và xã hội, trong đó gồm cả những chi tiết nhạy cảm về quá trình ra quyết định và bàn thảo trong giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Lệnh Kế Hoạch bị cho là đã tập hợp những tài liệu này cùng những "hổ lớn" khác là Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai. Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên thường vụ Bộ chính trị, hồi tháng 6 lĩnh án chung thân vì tham nhũng, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật nhà nước. Còn Bạc Hy Lai, nguyên bí thư thành ủy Trùng Khánh, hiện cũng thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng, sau khi hầu tòa tháng 9/2013.

Tờ Boxun cho rằng Lệnh Hoàn Thành đang nắm giữ những thông tin "gây chấn động", và có thể dùng nó để đe dọa giới lãnh đạo Trung Quốc cũng như các cơ quan chống tham nhũng, hòng giúp anh trai mình.

Giới chuyên gia cho rằng chắc chắn sẽ còn nhiều người thân giàu có của các quan chức cấp cao Trung Quốc chạy sang Mỹ và các nước khác khi chiến dịch chống tham nhũng vẫn tiếp tục. Li Datong, một biên tập viên về hưu của China Youth Daily, nói rằng tham nhũng ở Trung Quốc là một vấn đề mang tính hệ thống và chiến dịch chống tham nhũng vẫn chưa thể diệt trừ tận gốc.

"Không thể đốt hết cỏ dại", Li nói, trích dẫn một câu tục ngữ Trung Quốc. "Chúng sẽ mọc trở lại với gió xuân".

Theo Theo VnExpress