Vĩnh Phúc đạt và vượt 17/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch năm 2018 ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định: Tỉnh đã lường trước được các khó khăn, vướng mắc và đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Ước hết năm 2017, Vĩnh Phúc đạt và vượt 17/21 chỉ tiêu.

Hụt thu 8 nghìn tỷ đồng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, nếu như vào thời điểm này năm ngoái, Vĩnh Phúc đã đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách thì ước hết năm 2017, tỉnh hụt thu khoảng 8.000 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội và HĐND tỉnh giao. Ước cả năm, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 25.370 tỷ đồng, đạt 75% dự toán và bằng 77% so với năm 2016.

Nguyên nhân được xác định, chủ yếu do chính sách thuế nhập khẩu linh kiện và xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN thay đổi khiến thu ngân sách từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là 2 doanh nghiệp đóng góp chủ lực cho ngân sách tỉnh là Công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh.

Việc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu linh kiện và xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã khiến sản lượng xe ô tô được sản xuất, lắp ráp tại Công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam giảm mạnh nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc năm 2017 vẫn có sự tăng trưởng khá, với mức tăng 10,14% so với năm ngoái và đóng góp 4,49 điểm vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm, chăn nuôi lợn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục khiến người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng. Tuy nhiên, từ những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2017, sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản của Vĩnh Phúc tiếp tục vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,48% so với năm 2016 và đóng góp 0,23 điểm vào tốc độ tăng trưởng chung toàn tỉnh.

Theo ông Lê Duy Thành, có được kết quả này là do Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện co các doanh nghiệp ổn định sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, sự bứt phá vươn lên cả về sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.

Đến nay, linh kiện điện tử đã trở thành 1 trong 3 sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, tăng 62% so với năm 2016, tương đương tỷ trọng của ngành sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm đầu tiên sản lượng xe máy tăng trở lại sau nhiều năm sụt giảm.

Đưa GRDP tăng từ 7,5-8% trong năm 2018

Năm 2017, Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư. Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ, Nam Phi, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Đồng thời, giảm bớt 14 thủ tục hành chính tại các sở, ngành, UBND cấp huyện… Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư cả dự án FDI và DDI không đạt kế hoạch đề ra.

Dự kiến hết năm, toàn tỉnh thu hút 78 dự án đầu tư mới. Trong đó, có 38 dự án DDI, với tổng vốn 2.400 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch và bằng 11,8% so với năm 2016; 40 dự án FDI, với số vốn 85 triệu USD, đạt 38,6% kế hoạch và bằng 30,9% so với năm ngoái.

Mặc dù vậy, so với mấy năm gần đây, năm nay, Vĩnh Phúc lại có số doanh nghiệp được thành lập mới cao nhất, với 1.100 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 7.000 tỷ đồng, tăng 33% về số doanh nghiệp và tăng 44% về vốn so với năm ngoái. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng tăng 4%, với 91 doanh nghiệp và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể là 94 doanh nghiệp, giảm 3% so với năm 2016.

Cũng trong năm nay, các hoạt động kinh doanh thương mại tiếp tục diễn ra sôi động, hàng hóa trên thị trường phong phú. Đặc biệt, khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo và khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước nên năm 2017, hoạt động của các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, với mức tăng 8,28% so với năm 2017. Ước cả năm, toàn tỉnh đón hơn 4,2 triệu lượt khách, trong đó, có 31.000 lượt khách quốc tế; 4,1 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu trên 1,4 nghìn tỷ đồng.

Từ những khó khăn thách thức hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, để giữ được đà tăng trưởng, năm 2018, Vĩnh Phúc xác định là năm “Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển du lịch, dịch vụ”.

Để GRDP tăng khoảng 7,5-8% so với năm 2017, tổng thu ngân sách đạt 29.640 tỷ đồng, thu hút 250 triệu USD vốn FDI và 2.500 tỷ đồng vốn DDI, giải quyết việc làm mới cho khoảng 22.000-23.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 0,5-1% so với năm 2017, Vĩnh Phúc sẽ triển khai thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tăng cường công tác quản lý thu chi ngân sách, tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc…