Để tôn vinh cuộc chiến đấu oai hùng của tàu 235, vào hôm nay 27/7, báo Tiền Phong phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Học viện Hải quân, UBND xã Ninh Vân, Hội Cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức các hoạt động tri ân xung quanh sự kiện về con tàu C235 huyền thoại năm xưa tại xã Ninh Vân và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), bao gồm: Đưa những cựu binh tàu 235 còn sống và một số thân nhân các liệt sĩ của tàu về lại Hòn Hèo, Dâng hương hoa tại Đài kỷ niệm, thả hoa tưởng niệm những người đã hi sinh; thăm, tặng quà các gia đình đã nuôi giấu những chiến sĩ; Giao lưu với các học viên Học viện Hải quân và thanh niên sinh viên Khánh Hoà. (XEM CHI TIẾT)
Đến gần hơn với nơi tàu 235 anh dũng hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu và hy sinh, các thân nhân liệt sỹ vẫn khoẻ khoắn, không giấu được niềm xúc động. Với nhiều thành viên là thân nhân trong đoàn, chuyến đi này càng đặc biệt ý nghĩa khi được gặp đồng đội của người thân đã hy sinh và được nghe chi tiết hơn huyền thoại tàu 235.
Anh Đào Quang Tú, cháu gọi liệt sỹ Đào Quang Ty bằng chú đã thay bố để vào thăm nơi chú và đồng đội đã ngã xuống. “Lần trước tôi vào Ninh Hoà tìm thông tin và mộ của chú Tỵ mà chưa vào đến Hòn Hèo. Lần này tôi có thể vào thăm những địa điểm gắn liền với huyền thoại tàu 235; được nghe chuyện từ những đồng đội trên tàu 235 của chú chia sẻ”.
Với chị Ngô Thị Hải Yến, con gái duy nhất của liệt sỹ Ngô Văn Thứ cũng là lần đầu tiên vào nơi bố chiến đấu, hy sinh có đông đồng đội và thân nhân đồng đội tàu 235.
Trên xe, mọi người chuyền tay nhau xem lại tấm ảnh chân dung đen trắng của người thân. Anh Đào Quang Tú cài nơi túi áo ngực ảnh của liệt sỹ Đào Quang Ty. Chị Thu, con liệt sỹ Ruyệt, chị Yến con liệt sỹ Thứ đều mang theo tấm hình của bố được phóng to. Cầm tấm ảnh của đồng đội họ lại rưng rưng.
Tham gia lễ tưởng niệm, dâng hương anh linh liệt sỹ tàu C235 có các cựu binh - thành viên tàu và thân nhân các liệt sỹ tàu C235; đại diện lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, xã Ninh Vân; nhân dân xã Ninh Vân; đoàn viên thanh niên…
Phóng viên Ngô Tùng thông tin từ Tây Ninh: trong sáng nay 27/7, Đoàn công tác Trung ương Đoàn do anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, dẫn đầu đã về thăm đội hình thanh niên tình nguyện đang hoạt động tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh.
Biển xã Ninh Vân nơi từng ghi dấu huyền thoại tàu C235. (XEM CHI TIẾT)
Dịp này, các cựu binh tàu C235 đã dành tặng quà cho các gia đình làm nhiệm vụ đón bến năm xưa tại xã Ninh Vân.
Cũng tại buổi lễ, đại diện tàu C235, ông Lê Duy Mai đã ôn lại cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sỹ trên tàu C235 và sự đùm bọc, chăm sóc của nhân dân xã Ninh Vân đối với các chiến sỹ đã thoát vòng vây của địch trở về.
Đồng chí Lý Thành Tâm cho biết, là tờ báo của Đoàn Thanh niên, báo Tiền Phong luôn thể hiện vai trò tiên phong trong nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa- Uống nước nhớ nguồn”, qua đó thể hiện sự quan tâm chăm sóc, biết ơn những sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì đất nước.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã lần lượt đến thăm, tặng quà các đội hình thanh niên tình nguyện đang làm nhiệm vụ tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên; Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thùa ở khu phố 4, Thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên. Tiếp đó, đoàn đến Nhà thiếu nhi huyện Tân Biên và trao tặng 15 suất học bổng cho con em gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, tặng 5 sổ tiết kiệm cho cựu thanh niên xung phong tỉnh Tây Ninh.
Trước đó, đoàn công tác do anh Lê Quốc Phong dẫn đầu đã đến dâng hương tại Khu kỷ niệm Đoàn thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh. Cùng đi còn có anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn; Trung ướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an; ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong lộ trình từ hải phận quốc tế vào Hòn Hèo, tàu bị địch phát hiện, bao vây, quyết bắt sống. Thuyền trưởng Phan Vinh mưu trí cho tàu chạy vào bãi Ninh Phước để thả vũ khí (đóng trong bao nilon), rồi lập tức cơ động về bãi Ninh Vân để đánh lạc hướng vị trí thả hàng và tìm cơ may thoát vây.
Bị địch bắn hỏng máy chính, trước lúc cho nổ bộc phá hủy tàu ở biển Ninh Vân để xóa dấu vết (giữ bí mật Đường Hồ Chí Minh trên biển), Tàu 235 kiên cường đánh trả, bắn cháy một tàu chiến địch. Trong lúc chặn địch cho số đồng đội thoát vây ở rừng Hòn Hèo, thuyền trưởng Phan Vinh cùng một đồng đội anh dũng hy sinh.
Trong cuộc chiến không cân sức này, 14/21 cán bộ chiến sĩ Tàu 235 anh dũng hy sinh tại vùng biển Ninh Vân và rừng Hòn Hèo.
Tháng 8/1970, thuyền trưởng Phan Vinh được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, một hòn đảo thuộc huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa vinh dự mang tên Phan Vinh.
Năm 2011, kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, di tích Tàu 235 Anh hùng ở Hòn Hèo được UBND tỉnh Khánh Hòa trao danh hiệu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tháng 5/2014, Cục Di sản Bộ VH-TT&DL, cho biết tàu C235 của thuyền trưởng Phan Vinh đã chính thức được công nhận là di tích quốc gia.
Từ đây, bộ đội địa phương phối hợp với bà con ngư dân bí mật tiếp nhận hàng hóa để tiếp tế cho các căn cứ cách mạng ở chiến trường Nam Trung bộ-Tây Nguyên.
Đồng thời, theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, bia lưu niệm về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ tổ công tác HP19 làm nhiệm vụ đón tàu không số tại bến Hòn Hèo cũng đã được dựng bổ sung. (XEM CHI TIẾT)
Ngay những năm đầu mở đường Hồ Chí Minh trên biển (1962-1965), ta đã thực hiện 88 chuyến vượt biển thắng lợi, đưa 4.791 tấn vũ khí tăng thêm sức mạnh cho quân dân miền Nam đánh bại hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của địch.
Tuy nhiên, đến ngày 16/2/1965, tàu C143 đưa hàng vào Vũng Rô (Phú Yên) bị địch phát hiện, tuyến vận chuyển chiến lược trên biển đã bị lộ. Ngày 3/3/1965, tướng W.Oét-mo-len, Tư lệnh quân chiến đấu Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đã phê chuẩn chiến dịch "Chống thâm nhập", nhanh chóng tăng cường lực lượng kiểm soát, phong tỏa mặt biển, trên không và bờ biển miền Nam Việt Nam.
Cũng từ đây, việc thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện miền Nam của Đoàn 125, thật sự đầy khó khăn. Để ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược trên biển của ta, Mỹ đã huy động lực lượng hùng hậu với đủ mọi phương tiện. Trong đó, đáng chú ý là 3 lực lượng đặc nhiệm 115, 116, 117 gồm 7 tàu hộ vệ, 120 tàu chiến, 20 tàu đổ bộ, 1 tàu đốc nổi, 1 tàu đổ bộ chiến xa, 8 máy bay lên thẳng UH1A, 5 máy bay trinh sát chiến thuật SP2H và các giang đoàn với các tàu cỡ nhỏ.
Từ tháng 7/1965, Mỹ đưa hai tàu khu trục Higbec D806 và Alaele D666 vào vùng biển miền Nam Việt Nam, tăng số tàu tuần tiễu lên 54 chiếc, bố trí ở Quy Nhơn, Cam Ranh và Vũng Tàu. Mỹ còn thiết lập 5 trung tâm giám sát ven biển đặt tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu và đảo Phú Quốc. Tại đây, ra-đa của Mỹ hoạt động 24/24 giờ, bao quát toàn bộ vùng biển miền Nam Việt Nam, vượt ra ngoài Vĩ tuyến 17 và hải phận quốc tế.
Trước hoàn cảnh đó, Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các tàu đi theo hướng hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Các con “Tàu không số" được cải dạng giống như những con tàu đánh cá, hoặc tàu buôn nước ngoài, được lắp máy công suất lớn, tốc độ cao, đồng thời phải dự trữ nhiều xăng dầu, lương thực, thực phẩm, bảo đảm đủ cho hải trình dài hàng ngàn hải lý.
Bằng phương thức trên, năm 1965, Đoàn 125 đã tổ chức thành công 3 chuyến chở 187,8 tấn vũ khí vào miền Tây Nam bộ, kịp trang bị cho những đơn vị chủ lực mới được thành lập, góp phần vào chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Nam bộ, với những thắng lợi nổi bật như các trận Bầu Bàng, Đất Cuốc, Dầu Tiếng...
Bước sang năm 1966, Đoàn 125 tổ chức 6 chuyến hàng vào Nam bộ, nhưng chỉ có 3 chuyến cập bến Cà Mau thành công, 2 chuyến gặp địch phải quay về, 2 chuyến buộc phải nổ súng chiến đấu. Cuối năm 1966, tàu C41 và C43 chuyển hàng cho chiến trường Khu 5. Tuy vậy, chỉ có tàu C41 cập bến Đức Phổ (Quảng Ngãi), nhưng không thể trở ra, buộc phải phá hủy tàu.
Sang năm 1967, Đoàn 125 tiếp tục tổ chức 5 chuyến vào Khu 5, nhưng bị địch phát hiện, ngăn chặn, 3 tàu phải quay về, tàu C143 và C198 vào được bến, nhưng phải trực tiếp chiến đấu với địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và phải hủy tàu.
Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30/4/1975), Đoàn tàu Không số đã dệt nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Trong các chuyến đi, Đoàn tàu Không số đã phải khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi; chống chọi với nhiều cơn bão; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây; chiến đấu với hơn 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu, thuyền của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Tàu 41
Tàu 41 được biên chế về Đoàn 125 năm 1962. Từ tháng 11/1962 đến tháng 4/1970 Tàu 41 đi được 15 chuyến, chở 530 tấn hàng an toàn. Tàu nhiều lần vượt qua khó khăn, nguy hiểm, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để phổ biến chung trong toàn Đoàn.
Tiêu biểu như chuyến đi đầu tiên ngày 11/10/1962, Tàu 41 dùng thuyền gỗ có buồm, gắn máy để vận chuyển hơn 28 tấn vũ khí vào Cà Mau. Gặp gió mùa Đông Bắc, dù phải vật lộn với sóng to, gió lớn, nhiều lần gặp địch nhưng anh em vẫn bình tĩnh đánh lừa địch, đưa hàng đến bến an toàn. Chuyến đi đầu tiên thành công đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 11/1/1973, Tàu 41 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (lần thứ nhất).
Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, Tàu 41 được bổ sung cho Vùng 4 Hải quân với tên mới là HQ 671. Trong chiến dịch CQ 88, Tàu HQ 671 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 6/1/1989, Tàu HQ 671 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (lần thứ hai).
2. Tàu 42
Tàu 42 được biên chế về Đoàn 125 năm 1962. Từ năm 1963 đến 1970, Tàu 42 đã chở được 11 chuyến với hơn 500 tấn vũ khí tới bến an toàn.
Mặc dù tàu nhỏ, máy móc thô sơ, nhiều chuyến đi tàu gặp sóng to, gió lớn, bị địch ngăn chặn, săn lùng 5 đến 6 chặng, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn dũng cảm, mưu trí, vượt mọi nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 15/10/1965, Tàu 42 được cải dạng giống tàu cá của một số nước trong khu vực Đông Nam Á và chở hơn 61 tấn vũ khí vào Cà Mau. Tàu vượt qua Hải Khẩu (Trung Quốc), chuyển hướng theo đường hàng hải quốc tế xuống phía Đông quần đảo Hoàng Sa và phía Tây quần đảo Trường Sa, hòa vào dòng tàu buôn đi xuống Đông Nam Cà Mau.
Trên đường đi, Tàu 42 vượt qua sự kiềm tỏa của 1 tàu Khu trục Mỹ, sau 6 ngày hành trình trên biển tàu đã cập bến ở rạch Kiến Vàng – Cà Mau an toàn. Chuyến vận chuyển mở đường theo phương thức mới của Tàu 42 đã thành công giúp nối thông con đường vận chuyển chiến lược trên biển sau 8 tháng tạm ngưng vận chuyển.
Với thành tích đó, ngày 25/8/1970, Tàu 42 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
3. Tàu C154
Tàu C154 được biên chế về Đoàn 125 năm 1965. Từ 1965 đến 1975 tàu thực hiện nhiệm vụ vận tải cho chiến trường miền Nam. Mỗi chuyến đi của tàu thường kéo dài hàng tháng, vượt hàng ngàn hải lý, thời tiết mưa bão thất thường, sóng to, gió lớn, địch kiểm soát gắt gao. Nhiều lần địch cho máy bay, tàu chiến khiêu khích ở hải phận quốc tế, do đó có chuyến Tàu C154 phải vòng qua vùng biển Philippin, Inđônêxia để đánh lừa và tìm cách tránh địch.
Trong chiến dịch giải phóng miền Nam vào mùa Xuân năm 1975, tàu đã phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển bộ binh, đặc công tiến đánh giải phóng các đảo ở vùng biển phía Nam và chở hàng ngàn người bị địch giam giữ ở các đảo về đất liền an toàn.
Với những thành tích đó, ngày 12/9/1975, Tàu C154 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
4. Tàu C165
Tàu C165 được biên chế về Đoàn 125 năm 1964. Từ 1964 đến 1968, Tàu C165 đã đi được 9 chuyến, vận chuyển hơn 600 tấn vũ khí, hàng hòa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Do yêu cầu kịp thời chi viện cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Tàu C165 được lệnh chở 65 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng – Cà Mau. Ngày 1/3/1968, Tàu C165 gặp 8 tàu địch bao vây, chúng gọi loa yêu cầu ta đầu hàng. Cán bộ, chiến sĩ Tàu C165 đã bình tĩnh xử lý, không thuyết phục được ta, tàu địch liền nổ súng kết hợp với máy bay oanh tạc từ trên không.
Trong tình thế hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ vẫn bình tĩnh điều khiển tàu luồn lách tránh đạn và đánh trả địch quyết liệt. Nhưng do lực lượng 2 bên không cân sức, Tàu C165 bị trúng đạn không cơ động được. Trước tình hình đó anh em đã tranh thủ bốc hàng thả xuống biển và điểm hỏa mìn phá hủy tàu, không để tàu và hàng rơi vào tay quân thù. 18 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cùng Tàu C165 tại vùng biển Cà Mau.
Với thành tích dũng cảm đó, ngày 10/4/2001, Tàu C165 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
5. Tàu C43
Tàu C43 được biên chế về Đoàn 125 năm 1961. Từ 1961 đến 1968 Tàu C43 đi được 6 chuyến; chở được hơn 287 tấn vũ khí và phương tiện khác vào bến Cà Mau an toàn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tập thể Tàu C43 đã 2 lần chiến đấu anh dũng nhiều giờ liền với máy bay và tàu chiến địch trong tình thế không cân sức, nhưng cả 2 lần đã thắng lớn. Tại trận chiến đấu lần thứ nhất (tháng 3/1967) tàu đã diệt gọn 3 hải thuyền ngụy, bắn bị thương 1 tàu Mỹ. Lần 2 (3/1968), đã tiêu bắn rơi 3 máy bay HVIA; bắn chìm 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 2 chiếc khác; tàu được phá hủy để bảo đảm bí mật con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Với thành tích đó, Tàu C43 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20/9/2011.
6. Tàu C54
Tàu C54 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1972, Tàu C54 đi được 16 chuyến, chở được 800 tấn vũ khí, hàng hóa vào 3 bến (Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre) và vận tải chiến trường Cửa Việt an toàn.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 17/3/1963, tàu chở 44 tấn vũ khí vào bến mới-Trà Vinh. Là loại tàu vỏ sắt, lần đầu thử nghiệm để khắc phục hạn chế trước đây của tàu gỗ và chống phát hiện của địch. Bằng sự khéo léo, tinh thần quyết tâm cao độ của tập thể tàu đã xử lý linh hoạt các tình huống và vượt chặng đường dài trên biển, cập bến Trà Vinh an toàn.
Chuyến đi đã chở được một lượng vũ khí lớn cung cấp cho chiến trường Khu 9 sau cuộc chống càn “Sóng tình thương” của địch, đồng thời là dấu hiệu mở màn cho giai đoạn phát triển nhảy vọt của công tác vận tải quân sự trên biển và mở được nhiều bến mới ra khắp các chiến trường Nam Bộ, Khu 6, Khu 5.
Với những thành tích đó, ngày 20/9/2011, Tàu C54 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
7. Tàu C55
Tàu C55 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1975, Tàu C55 đi được 11 chuyến, chở được 747 tấn vũ khí và 2 tấn gạo, đưa 27 lượt cán bộ cao cấp của Trung ương vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tàu đã thực hiện hiệu quả việc quay vòng, nhanh chuyến, có thời điểm trong vòng 43 ngày tàu đã đi được 3 chuyến vào sâu trong chiến trường miền Nam.
Tiêu biểu là chuyến xuất phát ngày 11/10/1963 chở 61 tấn vũ khí vào bến Cà Mau. Nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi vào bến Rạch Gốc, tàu bị mắc cạn ngay giữa cửa bến, xung quanh có tàu và máy bay địch ngày đêm tuần tra, kiểm soát. Trong một tình thế nguy hiểm, với một lượng hàng lớn, nhiều lần máy bay và tàu địch “thăm hỏi” nhưng tàu đã bình tĩnh, khéo léo dấu mình, che được mắt địch. Khi nước lên, tàu đã thoát cạn vào bến, xuống hàng và ra Bắc an toàn.
Với những thành tích đó, Tàu C55 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20/9/2011.
8. Tàu C56
Tàu C56, được biên chế về Đoàn 125 năm 1961. Từ 1961 đến 1975, Tàu C56 đi được 9 chuyến, vào các bến (Bà Rịa- Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Phan Thiết) và 1 chuyến đi Cô Công- Cam phu chia. Tàu đã chở được hơn 349 tấn vũ khí và gần 100 cán bộ vào Nam chiến đấu.
Tiêu biểu là chuyến đi vào Đông Xuân 1964 – 1965 để cung cấp vũ khí cho chiến dịch Bình Giã. 22 giờ ngày 22/12/1964, tàu vào cửa Lộc An (sông Ray), nhưng chờ mãi không có tín hiệu của bến, tàu định trở ra, vừa lúc phía bờ có ánh đèn pin báo hiệu, một trung đoàn bộ binh đã chờ sẵn để nhận vũ khí. Nhờ sự cung cấp vũ khí kịp thời của Tàu C56 mà ngày quân ta đã đánh chiến dịch Bình Giã thắng lợi. Đây là một đòn góp phần quyết định làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.
Với thành tích đó, Tàu C56 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20/9/2011.
9. Tàu C69
Tàu C69, được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1966 Tàu C69 đi được 9 chuyến, vào 2 bến (Trà Vinh, Cà Mau), chở được 654 tấn hàng cho chiến trường miền Nam. Sau trận chiến đấu năm 1966, Tàu 69 nằm lại ở bến Cà Mau cho Quân khu 9 quản lý, sử dụng. Nay con tàu là di tích lịch sử của địa phương để làm biểu tượng chiến thắng.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 15/4/1966, tàu chở 61 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng- Cà Mau. Chuyến đi bị địch theo dõi, tàu phải áp dụng nhiều chiến thuật ngụy trang nghi binh, luồn lách qua các hệ thống phòng thủ của địch để cập bến. Sau khi thả hàng xong, do Tàu C100 bị lộ, buộc Tàu C69 phải ngụy trang ém tại đây chờ thời cơ ra Bắc.
Khi tàu vừa ra khỏi Vàm Lũng thẳng hướng giữa Hòn Khoai và Côn Đảo thì phát hiện tàu địch bám theo, chúng nổ súng vào tàu ta. Tình huống buộc phải chiến đấu, thuyền trưởng ra lệnh nổ súng đánh trả. Theo lệnh thuyền trưởng tất cả DKZ trên tàu đồng loạt nhả đạn khiến tàu địch không dám vào gần tàu. Máy bay C130 lượn vòng, hỗ trợ cho biên đội tàu chiến, xả đạn về phía tàu ta. Tàu bị bốc cháy, một số thiết bị trên tàu hỏng.
Đứng trên khối bộc phá để chiến đấu với kẻ thù khi tàu đang bị cháy, cán bộ, chiến sĩ Tàu C69 đã bình tĩnh và dũng cảm, vừa cứu tàu vừa chiến đấu. Đến 0 giờ ngày 1/1/1967, Tàu C69 đã vào đến bến an toàn. Trong trận chiến đấu này, Tàu C69 đã đánh trả quyết liệt làm cho 5 tàu và 2 máy bay của địch bỏ chạy.
Với những thành tích đó, tàu Tàu C69 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20/9/2011.
10. Tàu C121
Tàu C121 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1975, tàu đi được 9 chuyến vào 3 bến (Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre) và vận tải cho chiến trường Cửa Việt. Tàu đã chở được 427 tấn hàng cho chiến trường miền Nam.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 29/9/1970, tàu chở 40 tấn vũ khí vào Cồn Lợi-Bến Tre. Bằng chiến thuật và kinh nghiệm, chỉ huy tàu xử lý khéo léo linh hoạt các tình huống và đưa con tàu cập bến Cồn Lợi-Bến Tre an toàn rồi trở ra Bắc. Đây là con tàu đầu tiên đã vào được Bến Tre và về Hải Phòng an toàn sau 3 năm bị địch kiểm soát chặt chẽ.
Điểm đặc biệt của chuyến đi này là cán bộ, chiến sĩ đã dùng xuồng cao su bọc nẹp nhôm chuyển tải hàng từ tàu vào bến đạt hiệu quả cao. Qua chuyến đi của Tàu C121 vào bến Cồn Lợi thành công và trở lại căn cứ an toàn, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng cho nhân rộng phương thức dùng xuồng cao xu bọc nhôm chuyển tải hàng từ tàu vào bến.
Với những thành tích đó Tàu C121 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20/9/2011.
Nguyễn Phan Vinh, người con ưu tú của mảnh đất Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam (cũ) sinh ra trong một gia đình cách mạng. Tháng 3/1968, anh hy sinh ở Hòn Hèo thì cuối năm ấy, cha của anh, người du kích tên là Nguyễn Đức Mẫn cũng hy sinh trong một trận chống càn tại quê nhà.
Mẹ anh mất trước đó 5 năm, (năm 1963) vì bị địch bắt, đánh đập, tra khảo dã man. Năm bà ra đi cũng là năm người con trai thứ hai, Nguyễn Đức Lân ngã xuống trên chiến trường Quảng Nam. Người duy nhất còn lại trong gia đình là anh Nguyễn Đức Xử.
Trước khi hy sinh, Nguyễn Phan Vinh từng được đi đào tạo chỉ huy tàu phóng lôi ở nước ngoài, chuyên môn giỏi và bản lĩnh cao. Anh đã đi 11 chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam với cương vị thuyền phó, rồi thuyền trưởng. Được đơn vị tin tưởng giao trách nhiệm chở các vị lãnh đạo như ông Lê Đức Anh và các tướng lĩnh quân đội vào Nam công tác.
Trong hội trường của đơn vị Hải quân đảo Phan Vinh, ảnh anh hùng liệt sĩ Phan Vinh được phóng to đang mỉm cười thân mến nhìn đồng đội mỗi ngày... (XEM CHI TIẾT)
(tiếp tục cập nhật)