Vĩnh biệt NSND Doãn Tần - chất giọng độc nhất vô nhị

TP - NSND Doãn Tần sinh ra ở Thái Bình. Làm công nhân địa chất từ năm 17 tuổi. Khi đang là cây văn nghệ của Liên đoàn Địa chất 9 ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, Nhạc viện Hà Nội xuống vùng mỏ tuyển sinh đã phát hiện ra chất giọng quý hiếm này. Mặc dù được cử đi học ở Liên Xô nhưng Doãn Tần đã ở lại quyết theo con đường âm nhạc. 
NSND Doãn Tần trên bìa album duy nhất của ông phát hành tháng 12/2005 (lúc đó, ông là NSƯT)
Đường anh đi
Năm 1969, Doãn Tần nhập học Nhạc viện khi trường đang sơ tán ở Bắc Giang. NSND Quang Thọ kể khi thầy cô một lần nữa kiểm tra lại giọng và năng khiếu của học sinh tuyển từ các tỉnh, gõ một nốt trên piano yêu cầu Doãn Tần lặp lại, thì anh hát đúng nốt đó nhưng cao hơn hẳn một quãng 8. Mấy lần thử, đều như vậy. NSƯT Diệu Thúy (nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc) nhớ lại: “Khi Doãn Tần vào Trung cấp, khoa phân cho tôi dạy. Lúc bấy giờ tôi mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm. Lần đầu tiên dạy giọng nam, tôi sợ và lúng túng không biết phải làm thế nào. Giọng của anh ấy lại cao thế, chẳng biết bấm vào nốt nào trên đàn cả…”.
Chỉ chênh nhau một tuổi nên cô trò gọi nhau là chị em và trở nên thân thiết như trong nhà. “Tôi nhớ nhất còn phải dạy cho anh phát huy từng chữ một”, bà Thúy kể. “Có chữ lẫn lộn giữa ‘n’ và ‘l’ đều phải uốn nắn rất kỹ lưỡng, rất cẩn thận mới khắc phục được”. Qua đó cũng có thể thấy sự khổ luyện của Doãn Tần để có được một giọng hát vừa hiếm vừa đẹp. 
Cuối 1971, khi mới học năm 2 Trung cấp, Doãn Tần thu thanh bài đầu tiên trong sự nghiệp Đường chúng ta đi. Đó là thời điểm diễn ra hội nghị Paris, bài hát qua giọng Doãn Tần được đài phát liên tục. NSND Quang Thọ khi đó đang đi diễn dọc Trường Sơn nghe bài này, nhận ngay ra giọng người bạn học. Người thầy khai phá giọng hát Doãn Tần cũng là người dạy anh bài hát này. Bà Diệu Thúy cho hay: “Giờ tôi không nhớ lắm, nhưng anh ấy nói với tôi rằng chính tôi dạy cho anh ấy bài Đường chúng ta đi - khi đó tôi vừa được anh Huy Du hướng dẫn để hát. Thu xong dạy lại luôn cho trò”.

“Thời các ca sĩ Sao Mai chưa nổi tiếng thì Doãn Tần nổi tiếng nhất. Trần Hiếu, Quý Dương là thời trước. Thế hệ ca sĩ đánh dấu mốc thời kỳ ấy bên cạnh Quang Thọ, Thúy Mỵ, Mạnh Hưng, Quang Huy, phải kể đến Doãn Tần”.Nhạc sĩ Minh Quang


Doãn Tần hát Đường chúng ta đi thành công đến nỗi đoàn văn công Tổng cục Chính trị đến trường xin anh về đoàn luôn. Từ đó Doãn Tần thành cán bộ được cử đi học tại trường cho đến khi tốt nghiệp ĐH. Anh tiếp tục mang bài hát này tới Festival Thanh niên Sinh viên Thế giới 1973 tại Đức. Ngay sau khi thống nhất đất nước, anh hát bài này ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất và trong rạp Quốc Khánh trước khán giả Sài Gòn.
Với chất giọng hiếm, Doãn Tần hát bài nào in đậm dấu ấn riêng bài đó. Và đặc biệt đã thi chỉ có đoạt HCV. Những bài hát đem lại giải thưởng cho Doãn Tần ngoài Đường chúng ta đi phải kể đến Chim yến bay, Dáng đứng Việt Nam… Doãn Tần hai năm liền giành HCV Hội diễn toàn quân với Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara và Sông Lô chiều cuối năm - cả hai đều là sáng của nhạc sĩ Minh Quang.

“Chưa bao giờ và cũng không có người thứ hai như Doãn Tần. Giọng tenor đặc biệt, âm vực rất rộng, lên cao rất dễ dàng”.
Nhà giáo Diệu Thúy


Nhạc sĩ Minh Quang và Doãn Tần về đoàn Ca múa Quân đội cùng năm 1971. Các sáng tác của Minh Quang, thường tự động được phân cho Doãn Tần hát. Thực ra bài Anh lính tình nguyện… được viết cho ca sĩ Ngọc Tú của Nhà hát Ca múa nhạc T.Ư nhân chuyến lưu diễn Campuchia, Sông Lô chiều cuối năm theo đặt hàng của đoàn ca múa tỉnh Tuyên Quang. Nhưng khi Doãn Tần đã hát thì lập tức “chết” bài. Nhạc sĩ Minh Quang lý giải thành công này là do bài hợp giọng ca sĩ và thời gian tập luyện giữa hai người (để chuẩn bị tham gia Hội diễn) hàng tháng trời là 
chuyện thường. “Tôi truyền tất cả tình cảm của tôi cho Doãn Tần”, Minh Quang nói.

Giọng như người…
Doãn Tần nổi tiếng bằng giọng hát cao, trong sáng khác thường. Con người ông cũng vậy, rất trong sáng. Đó là nhận định chung của nhiều người. Nhạc sĩ Minh Quang: “Kỷ niệm đi với ông Tần bao chiến trường từ Bắc vào Nam, kể ra vô biên. Tóm lại ông ấy là con người tốt. Ca sĩ xứng đáng được nhân dân yêu quý. Tôi rất mến cảm ông ấy. Ở đoàn, ông là người gương mẫu, chấp hành mọi thứ. Từ khi về đoàn luôn luôn trong sáng”.  Theo nhạc sĩ thì Doãn Tần nếu có giận ai cũng chỉ tính bằng phút. Mặc dù Doãn Tần không uống rượu nhưng vẫn ngâm rượu rất ngon để đãi anh em bạn bè.
“Nói chung anh Tần không chỉ là học sinh tôi mà giống như người trong gia đình”, bà Diệu Thúy kể. “Hồi sơ tán, anh ấy giúp đỡ mấy đứa cháu tôi với bà chị tận tụy lắm. Đèo các cháu đi qua những bãi vừa ném bom xong lên chỗ sơ tán trên Bắc Giang chẳng nề hà”. NSND Thanh Hoa có thời gian học cùng thầy Lô Thanh với Doãn Tần cũng khẳng định Doãn Tần vô cùng nhiệt tình, nên cứ việc gì khó là Thanh Hoa lại cậy nhờ ông anh.
Với NSND Quang Thọ thì Doãn Tần: “Chân phương như một anh nông dân. Rất mát tính, chan hòa với anh em, không tranh giành đố kỵ với đồng nghiệp bao giờ”. Họ đi diễn từ thời còn là sinh viên cùng Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Huy, Dương Minh Đức… Sau này dù công tác hai nơi khác nhau vẫn thường xuyên hợp tác. Năm 2007, Quang Thọ thành lập nhóm “ngũ lão”- tên chính thức là Sao Năm Cánh - gồm các giọng nam trên 60 tuổi. Doãn Tần tham gia 6 năm đầu tiên trước khi bị chứng alzheimer quật ngã. Lần cuối đi diễn cùng nhóm tại Sài Gòn, Doãn Tần đã bị lạc. “Phải nhờ cả anh em quân đội, mãi mới tìm được”, Quang Thọ kể. “Doãn Tần thời trẻ bị bệnh đau đầu, phải uống thuốc giảm đau làm tê liệt thần kinh. Có thể do tác dụng phụ của thuốc đó làm anh ấy dần mất trí nhớ. Đến khi hơn 60 tuổi bị rất nặng. Cách đây 4-5 năm, bọn tôi đến thăm chơi, anh nhìn cười kiểu ngờ ngợ không nhận ra ai cả, nhưng lại có thể nhận được người quen qua giọng nói. Và đặc biệt bật nhạc vẫn hát được, những bài đã ghi vào trong não”. Nhạc sĩ Minh Quang cũng xác nhận Doãn Tần khỏe đến khi về hưu, và hồi trẻ hay bị đau đầu.
Theo Quang Thọ, giọng Doãn Tần xếp vào loại “tenor castra”, hát cao bằng với giọng nữ trầm (alto). Cuối thế kỷ XVIII ở Ý, kiểu giọng này rất được ưa chuộng. Để có được nó, người ta phải cắt bỏ… tinh hoàn của các cậu bé rồi cho luyện thanh theo phương pháp đặc biệt, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Kiểu “luyện tập” này bị cấm vào năm 1870… Còn Doãn Tần bẩm sinh đã có chất giọng tương tự. Một chất giọng mà lịch sử tân nhạc Việt chưa ghi nhận người thứ hai. Nhưng có vẻ như Doãn Tần còn đặc biệt hơn, vì bằng chất giọng tưởng như mảnh nhẹ này ông vẫn trình bày thành công các bản hùng ca. 
Một số người gọi Doãn Tần là giọng “tenor bay” nhưng không hẳn. NSND Quang Thọ: “Quốc Hương là ví dụ cho giọng tenor bay. Giọng Quốc Hương không cao như Doãn Tần nhưng nhẹ, bay, không kịch tính. Về độ cao, giọng Doãn Tần không bằng Đăng Dương nhưng âm sắc của Doãn Tần gây cảm giác rất cao, kể cả khi hát ở những nốt thấp”.

Lễ viếng NSND Doãn Tần diễn ra vào hồi 9h30 hôm nay 20/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng- số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang hồi 11h cùng ngày. Lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.