Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thầy Cương là người anh cả thông minh, thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu gây bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục. Ước gì nền giáo dục Việt Nam có nhiều người thầy như Văn Như Cương. “Thầy ra đi để lại một khoảng trống, như một cây đại thụ nằm xuống để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp”, Nguyễn Trọng Tạo viết.
Trên trang cá nhân, hàng nghìn người từng là giáo viên, cựu học sinh, học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh để avatar một màu đen để tưởng nhớ người thầy đáng kính. Trường Lương Thế Vinh hôm qua, vẫn mở cổng dạy học bình thường nhưng lũ học sinh không cười đùa như mọi ngày. Giờ ra chơi, nhiều học sinh ngẩn ngơ đứng ở hành lang. Vũ Hoàng Việt, lớp 11 chia sẻ: “Vẫn biết thầy bệnh nặng nhưng nhiều lần thầy đã vượt qua được nên chúng em chưa khi nào nghĩ thầy sẽ ra đi. Sáng nay nghe tin, em rất buồn và sốc. Cứ nghĩ đến việc từ nay không còn hình ảnh thầy đi quanh sân trường nữa nhiều bạn đã khóc”.
Từng là ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia, thầy Văn Như Cương có nhiều ý kiến mạnh mẽ trong việc góp ý cho đổi mới giáo dục Việt Nam. Trên facebook, nhiều chia sẻ bày tỏ sự tiếc thương một nhà giáo, một nhân cách hiếm có: “Hiếm có một nhà giáo nào ra đi lại để nhiều tiếc thương cho học trò, giáo viên, phụ huynh đến thế !”…
Nhớ những ngày lăn lộn lập trường
Với người bạn vong niên là thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội thì, “anh Cương là một ông đồ xứ nghệ đậm đặc bởi tính kiên định, thông minh, dí dỏm. Anh ra đi để lại cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam một ngôi trường có danh tiếng, hàng chục đầu sách giáo khoa, nhiều thế hệ học trò đã thành danh”.
Thầy Khang gọi ông giáo già Văn Như Cương là anh, bởi hai người cách nhau đúng một giáp. Thầy Khang nhớ lại, năm 1989, khi đó anh Cương 52 tuổi, tôi 40 tuổi có ý tưởng cùng nhau thành lập một ngôi trường tư thục đầu tiên. Sau khi viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng giáo dục, khi đó là GS Phạm Minh Hạc, đã được ông nhiệt tình ủng hộ bằng việc cho mở hội nghị để hai thầy trình bày đề án. Sau 3 tiếng trình bày phương án, hai thầy được đồng ý cho mở trường dân lập đầu tiên. Khi đó, trường chưa có tên, chưa có địa điểm lẫn con người. Sáng hôm sau, hai anh em gặp nhau, thầy Khang đã trình bày mình muốn lấy tên ngôi trường mang tên nhà toán học đầu tiên ở Việt Nam là ông Lương Thế Vinh. Bởi theo thầy Khang, từ trước đến nay, các trường đều mang tên các danh nhân, các lão tướng chống giặc ngoại xâm mà chưa ai lấy tên nhà Toán học cả.
Theo thầy Khang, trường Lương Thế Vinh là hoài bão, tâm huyết của tuổi trẻ nên mọi thứ cứ ùa về. Quá trình đi xin được cấp phép, phải gõ cửa nhiều nơi và chờ đợi quyết định thành lập cuối cùng của UBND TP Hà Nội khiến hai thầy rất lo lắng. Rồi ngày 1/6/1989, bà Nguyễn Thị Tâm Đan, Phó chủ tịch TP Hà Nội khi đó đã ký quyết định thành lập trường, ký quyết định công nhận thầy Văn Như Cương làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Xuân Khang làm hiệu phó. “Tôi cầm tờ quyết định trên tay chạy sang nhà anh Cương, hai anh em mừng đến mức cứ ôm chầm lấy nhau khóc như một đứa trẻ”, thầy Khang kể.
Thế rồi, tháng 9/1989, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh được tuyển sinh, khai giảng mùa đầu tiên, trở thành ngôi trường phổ thông dân lập đầu tiên của cả nước. Địa điểm là các phòng học đi thuê trong Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Mùa tuyển sinh đầu tiên có đến 1.200 học sinh theo học. Nhưng do địa điểm đi thuê nên một thời gian lại có ý kiến, vì thế hai anh em lại “tay bị tay gậy” đi tìm địa điểm ở nhiều nơi, chuyển trường qua nhiều địa điểm. Một kỷ niệm khiến thầy Khang nhớ mãi và càng thương “anh Cương” nhiều hơn là lần đi xin thuê địa điểm một trường ở Đống Đa nhưng vấp phải ý kiến của lãnh đạo quận khi đó. Hai thầy đã quỳ gối xuống trước mặt các vị lãnh đạo để xin được ký hợp đồng, chuyển học sinh đến nhưng cuối cùng cũng không được đồng ý.
Thầy Khang nói, ở trường Lương Thế Vinh, thầy là Hiệu phó được giao làm giáo vụ và quản lý học sinh 3 năm thì rời đi thành lập trường Marie Curie. “Tôi xuất thân là dân chuyên Toán nên cứ ấp ủ mong muốn sẽ thành lập một trường năng khiếu cho riêng mình. Tôi thú nhận, tôi và anh Cương có quan điểm giáo dục khác nhau nhưng chúng tôi không phủ nhận nhau”, thầy Khang nói. Thầy Khang sở dĩ nói vậy là vì gần đây, khi một phụ huynh lên tiếng kêu ca trường Lương Thế Vinh kỷ luật hà khắc, có nhiều ý kiến đã so sánh quan điểm giáo dục ở hai ngôi trường khác nhau. Khi đó, thầy Khang chia sẻ: “Với tôi, anh Cương là ông đồ xứ Nghệ đậm đặc bởi tính kiên định, thông minh, dí dỏm, chơi chữ rất thâm sâu. Anh là người thầy thành công trong lĩnh vực giáo dục. Quan điểm giáo dục của anh đã thành công với nhiều thế hệ học sinh”.
Ông đồ xứ Nghệ nghiêm khắc
Thầy ra đi, để lại cho học trò nhiều lời dặn dò được lưu truyền như: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ...nhưng trước hết phải là những người tử tế”. Hay với phụ huynh ông dặn: “Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta. Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu. Nghệ thuật làm cha mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi nhưng không đề cao quá đáng và cũng không vùi dập những điểm yếu của nó”....
Với học trò, thầy rất cụ thể, khi rầm rộ phong trào chơi facebook, ông đề ra những quy định như: Không được nói bậy trên facebook, không được bấm like khi chưa đọc kỹ nội dung, không được nói xấu ai trên facebook...và đưa ra hình phạt cụ thể. Có ý kiến cho như vậy là khắt khe. Ngược lại, nội quy của thầy được nhiều thế hệ phụ huynh, học sinh ủng hộ.
Nhà giáo Văn Như Cương có học hàm Phó Giáo sư, sinh năm 1937, tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình gia giáo. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, ông được mời ở lại giảng dạy. Ông thành lập trường THPT dân lập Lương Thế Vinh vào năm 1989. Ngôi trường hoạt động theo mô hình ngoài công lập đầu tiên của cả nước sau đổi mới. Ông đã biên soạn nhiều đầu sách giáo khoa phổ thông và giáo trình ĐH bộ môn hình học.