Ảnh: Xuân Bình
Một người bạn của tôi khi nhìn thấy Việt Phủ Thành Chương đã thốt lên: “Mình tưởng mình làm được nhiều việc, nhưng đến đây thì thấy rằng mình chưa làm được gì cả”. Đó là Việt Phủ Thành Chương.
Đã có khoảng trăm bài báo viết về nơi này. Truyền hình Việt Nam, truyền hình Hà Nội đã làm phim về Việt Phủ Thành Chương. Truyền hình cáp đã làm xong bộ phim bốn tập về Việt Phủ Thành Chương và một số vấn đề văn hóa liên quan đến Việt Phủ như kiến trúc Việt Phủ, cây trong Việt Phủ, đồ cổ trong Việt Phủ, đời sống trong Việt Phủ và chủ nhân Việt Phủ.
Người ta đã gọi chốn này bằng nhiều tên gọi khác nhau: Phủ Thành Chương, Thành Chương Biệt Phủ, Việt Phủ Thành Chương. Có lẽ cái tên Việt Phủ Thành Chương sẽ là một cái tên gọi lâu dài.
Tôi nói vậy bởi biết đâu một ngày nào đó, dù chủ nhân của nó không muốn, nhưng người ta vẫn có thể gọi một cái tên khác. Ngay bây giờ đã có nhiều người gọi Việt Phủ Thành Chương bằng những cái tên khác nhau theo ý tưởng của họ.
Có người gọi là Cổ Việt Phủ. Có người gọi là Linh Viên. Có người gọi là Vạn Linh Cổ Trại. Nghĩa là mỗi người đến đó đều cảm nhận được một điều gì đó thật sâu xa trong tâm khảm mình.
Đó không phải là một bảo tàng. Không phải một khu triển lãm. Càng không phải một trang trại. Đó là một nơi chứa đựng những gì vừa gần gũi trong không gian, vừa xa xôi trong thời gian, vừa giản dị vừa uy nghiêm, vừa thực vừa ảo.
Đó là một quần thể văn hóa sống động với những ngôi nhà cổ, bàn ghế cổ, giếng nước cổ, ấm trà cổ, cầu ao cổ và cả vạn đồ cổ hòa đồng với con người, với trâu bò, chó gà, cây trái, côn trùng, trăng gió...
Việt Phủ Thành Chương tạo ra cho những ai đặt chân đến đó cảm giác được sống cùng một lúc với hai khoảng thời gian: Hiện tại và Cổ xưa. Bây giờ, họa sỹ Thành Chương lại đang sắp hoàn thành một bảo tàng tranh với kiến trúc của ông thật độc đáo trong khu Việt Phủ này.
Sẽ độc đáo và có thể gây một “tiếng nổ” trong đời sống văn hóa người Việt chúng ta khi tôi nghe ông nói về một bảo tàng đặc biệt trong cái bảo tàng chung kia.
Đó là cái gì ? Chủ nhân đã nói cho tôi nghe và với lời hứa của mình, tôi không tiết lộ một chút gì trong bài viết này. Thời gian sẽ dần dần tiết lộ những bí mật.
Báo chí chắc chắn sẽ viết nhiều về bảo tàng đặc biệt ấy vì ở Việt Nam chưa bao giờ có một bảo tàng như thế. Thực ra tên gọi của công trình đặc biệt ấy không phải là bảo tàng.
Các nhà chuyên môn có thể gọi bằng một cái tên khác. Nhưng tên gọi có gì quan trọng đâu. Nhiều lúc hình thức chỉ là một thói quen ngôn ngữ để người ta hình dung ra nội dung. Thôi, rồi mọi sự sẽ rõ. Tôi chỉ biết nó thật đặc biệt.
Tôi đã đến Việt Phủ Thành Chương hai lần. Một lần tôi đã ngủ lại nơi này. Đó là một đêm với giấc ngủ lạ. Tôi ngủ trên một chiếc sập cổ. Quanh tôi là ánh nến chập chờn với những gương mặt của người xưa và các vị Bồ tát.
Tượng cổ và tượng Phật cổ rất nhiều.Nhiều lúc choàng tỉnh, tôi sợ một nỗi sợ mơ hồ mà lại có phần háo hức, rằng nếu ngủ say quá mà nhỡ một vị Bồ tát thấy tôi liền sai người dẫn tôi đến cõi của Ngài để đánh cho mấy roi vì vài chuyện hư hỏng của tôi, hay để dạy dỗ, mách bảo điều gì đó mà tôi và nhiều người vẫn cứ u u mê mê và cũng có thể để sai mấy việc vặt như quét sân hay đun nước pha trà buổi sớm chẳng hạn.
Trong một lần tỉnh giấc, tôi bước ra lầu và nhìn toàn cảnh Việt Phủ Thành Chương. Một câu hỏi vang lên trong đầu tôi và vẫn vọng mãi đến bây giờ: Một nửa thế kỷ sau, chốn này sẽ như thế nào?
Lúc đó, cả tôi và chủ nhân cái Lâu đài Việt này đã thành người thiên cổ. Mặc dù theo tướng số học, Thành Chương sẽ sống qua tuổi 90. Chốn này sau một nửa thế kỷ nữa sẽ như thế nào?
Thành Chương không trả lời câu hỏi của tôi. Ông im lặng. Khoảng im lặng ấy tưởng chừng đủ cho gió từ những cánh đồng ngoại ô thổi qua cái cổng ngõ Việt Phủ khổng lồ đến một thế kỷ. Có thể ông chưa nghĩ tới câu hỏi này.
Có thể ông chưa thể trả lời và cũng có thể ông lại biến câu trả lời thành một bí mật. Nếu tôi là Thành Chương, tôi sẽ biến Việt Phủ này thành một chốn có nhiều bí mật. Có thể, đôi khi không có bí mật gì lại là một bí mật.
Lúc ấy, năm mươi năm sau này, cây cối trong Việt Phủ Thành Chương hiện nay sẽ thành những cổ thụ. Những đa, những si, những lộc vừng, những hoa sữa, những đại...
Những cái cây lúc ấy sẽ không chỉ là một cái cây đơn thuần mà có thể ứng cảm được buồn vui của con người sống với nó. Lúc đó có khi cây khỏe thì người vui, người buồn thì cây ốm.
Lúc đó, những bức tường, thềm sân, bậc nhà, đường đi lát gạch đã phủ rêu thời gian để có thể nâng gót và in bóng cổ xưa. Những bức tượng và đồ cổ đã đủ thời gian để thu lại hết linh khí của mình và chầm chậm tỏa ra. Người tham quan lúc đó sẽ khác bây giờ.
Họ đến đó không phải để xem họa sỹ Thành Chương xây dựng và vẽ ra sao. Họ đến đó để ngồi xuống bất cứ chỗ nào trong phủ để nhìn lại và nghe lại những gì của trăm năm, của ngàn năm đang từ từ trở về trong tâm hồn họ. Theo tôi, đấy là điều lớn nhất mà Việt Phủ Thành Chương mang lại trong tương lai.
“Thưa họa sỹ, năm chín mươi tuổi có thể ông sẽ bắt đầu viết di chúc để quyết định số phận Việt Phủ Thành Chương, vậy ông sẽ viết như thế nào?”.
Một câu hỏi quá sớm nhưng tôi chắc rằng không phải không có lúc ông đã nghĩ đến cho dù chỉ một giây thoáng qua. Cho dù ông có dăm bảy đứa con, ông cũng không thể chia đứa này thừa kế khu nhà cổ Bắc Ninh, đứa kia thừa kế khu nhà sàn người Mường, đứa khác cái ao sen và hàng trăm ngài chó đá cổ ngoài vườn...
Nếu cứ chia như thế thì cuối cùng Việt Phủ Thành Chương rồi cũng trở lại thuở ban đầu của nó: Quả đồi hoang vu. Sau câu hỏi của tôi, ông lại ngồi im lặng.
Việt Phủ Thành Chương giờ đã thành một địa chỉ văn hóa. Ông không được phép làm Việt Phủ biến mất. Trong một nghĩa nào đó Việt Phủ Thành Chương đã tách khỏi sự độc quyền của chính chủ nhân - họa sỹ Thành Chương. Mà xét thật sâu xa, đó cũng chính là khát vọng của ông.
Ông dựng lên Việt Phủ cũng bởi chính khát vọng đó. Nếu không có khát vọng đó, ông không làm được dù ông nhiều tiền đến đâu. Vì ông không phải là người giàu có nhất Việt Nam về mặt tiền bạc.
Tôi luôn luôn tin rằng một trong những lý do xây dựng Việt Phủ Thành Chương chính là sự phá vỡ nỗi cô đơn của ông. Có thể chính nỗi cô đơn này ông không nhận ra cụ thể hoặc ông cũng như nhiều người chúng ta chối từ sự cô đơn của chính mình.
Ông nổi tiếng. Ông là một người giàu có. Ông không lúc nào hết những việc phải làm. Nhưng ông là kẻ cô đơn. Trong nỗi cô đơn của ông có cả một sự buồn tẻ nào đó.
Từ nỗi cô đơn và buồn tẻ, ông bước lên quả đồi hoang và trở thành một kẻ lao động khổ sai cho chính bản thân mình. Ông không hề hình dung được sức mạnh của sự quyến rũ cái công trình ông xây dựng sau này.
Giờ đây, ai nghe đến Việt Phủ Thành Chương đều muốn đến đó. Ông đã làm cho vùng đồi hoang vu này trở nên sống động và một không khí tâm linh đang từng ngày chiếm ngự nơi đó.
Bài này của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đăng trên Tiền phong Tết 2006. Khi chuyển lên TPO, do nhầm lẫn đã đề tên tác giả là Nhà văn Nguyễn Quang Thân. TPO xin đính chính và cáo lỗi với Nhà văn Nguyễn Quang Thân, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và bạn đọc.
TPO
Lúc đầu, tôi nghĩ ông dựng Phủ để thi thoảng trốn phố phường ầm ĩ mà về nơi yên tĩnh của cây lá và những cổ vật. Nhưng dù bây giờ ông có muốn ông cũng không làm được thế.
Người nước trong nước ngoài đến thăm Phủ tấp nập. Vậy thì còn gì yên tĩnh nữa. Họa may chỉ có những đêm khuya hay những ngày mưa. Để được sống trong yên tĩnh đâu phải dễ dàng.
Có người bảo ông đã đày mình bằng việc xây dựng Phủ trên quả đồi hoang giờ lại đày mình bằng tiếp khách. Có người nói ông xây công trình này để khi nào được giá thì bán. Và cũng đã có người đến trả giá để mua.
Trong một giấc mộng, tôi thấy tôi trở về Việt Phủ Thành Chương một nửa thế kỷ sau ( năm 2055). Chốn ấy lúc đó uy nghi và tràn ngập một không khí linh thiêng.
Từ xa tôi thấy một vị thượng sư đang giảng đạo cho các đệ tử. Trên chiếc cổng rêu phong, bên cạnh tấm biển Việt Phủ Thành Chương có một tấm biển khác.
Tôi cầm nến soi lên và đọc thấy dòng chữ: Sóc Sơn Thiền Viện. Cả vùng đồi quanh Việt Phủ Thành Chương (Sóc Sơn Thiền Viện) đã thay đổi quá nhiều.
Những quả đồi phủ kín cây như một khu rừng. Những con đường lát đá gan gà. Hai bên đường là những khóm hoa rực rỡ. Một hồ sen lớn dưới chân đồi đang mùa hoa.
Cả không gian như được ướp bằng hương sen. Chim chóc hót vang trong những lùm cây… Trong những ngôi nhà Việt cổ ngoài những cổ vật có từ ngày khai trương Việt Phủ giờ thêm những giá sách.
Một nửa trong những số sách đó là Kinh Phật và những sách tư liệu cùng sách nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới. Tôi cũng nhìn thấy một người con của họa sỹ Thành Chương đã nghỉ hưu chuyển về Phủ ở để trông coi Việt Phủ.
Khu bảo tàng vẫn như xưa, lưu giữ những tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ Thành Chương ở tất cả các thể loại. Còn vợ ông, cô Ngô Hương xinh đẹp lúc đó là một bà già tóc trắng ngồi im lặng trong chiếc ghế nhìn ra những ngọn đồi bên cạnh.
Sau khi tỉnh mộng, tôi cứ băn khoăn mãi không biết có nên kể lại giấc mộng này cho họa sỹ Thành Chương nghe không. Giấc mộng thường cũng chỉ là giấc mộng.
Mà giấc mộng về một ngày của năm mươi năm tới cơ mà. Khoảng thời gian dài ấy làm sao mà chúng ta biết được những gì sẽ đến. Nhưng với riêng tôi thì tôi thích nằm mãi với giấc mộng ấy.
Bởi cho đến lúc này, tôi vẫn giữ quan điểm của tôi là trước khi từ giã cõi trần, họa sỹ Thành Chương nên giao Phủ của mình cho các nhà sư để giữ gìn và biến nơi đó thành nơi đọc sách, suy ngẫm và nghiên cứu Phật giáo.
Nơi đó chỉ có thể với một cái tên: Sóc Sơn Thiền Viện với dòng chữ Việt phủ Thành Chương để trong ngoặc đơn. Nếu không… nơi ấy sẽ trở về thuở ban đầu của nó: Những quả đồi hoang trọc.