Hôm nay (4/4), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) họp báo công bố dự báo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 là 6,5% và 6,8% vào năm 2024. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - nhận định: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này”.
Theo ông Andrew Jeffries, đầu tư công sẽ là động lực then chốt khác cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác. Cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng 3, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng ADB - nhận định, Việt Nam cần đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Đại diện ADB nhấn mạnh: Tăng trưởng phụ thuộc vào đột phá ở 3 lĩnh vực. Đột phá đầu tiên nằm ở đầu tư công.
“Năm 2023, khối lượng đầu tư công cần giải ngân là rất lớn, gần 30 tỷ USD. Nếu Việt Nam giải ngân hết, đầu tư công sẽ tạo đột phá mạnh cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 1% GDP. Nếu Việt Nam không đạt được kết quả này, mức tăng trưởng 6,5% sẽ là khó”, ông Cường phân tích.
Bên cạnh đó, việc chuyển hướng chính sách của Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng, có thể hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng. Vừa qua, trong chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất 2 lần. Ông Cường nhận định, Việt Nam là nền kinh tế đầu tiên ở châu Á chuyển chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng. Đây cũng là xu hướng trong khi vực, khi quý I/2023, 65% các ngân hàng trung ương châu Á giữ nguyên chính sách tiền tệ, và chỉ còn 35% quốc gia có chính sách liên quan tăng lãi suất. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, hơn 50% quốc gia trong khu vực có chính sách tiền tệ liên quan tăng lãi suất.
Theo ông Cường, dư địa cho Việt Nam chuyển dịch chính sách tiền tệ là lạm phát giảm nhiệt, sức ép tỷ giá giảm. Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định, việc chuyển hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam là đúng đắn. Cuối cùng, ông Cường chỉ ra, đột phá thứ 3 tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là sự mở của Trung Quốc.