Báo Straits Times của Singapore gần đây dẫn nguồn báo chí Thái Lan cho biết, Thái Lan đang bơm nước ở vùng đông bắc Thái Lan - một vùng đất đai khô cằn được ngăn cách với Lào bởi dòng Mekong. Tại tỉnh Nong Khai, nơi một cửa ngăn sông Mekong và phụ lưu của nó trên địa phận Thái Lan đang đóng, các máy bơm tạm thời đang hút nước từ sông Mekong với tốc độ 15m3/giây để tưới cho mùa màng khu lòng chảo Huay Laung. Báo Phnom Penh Post của Campuchia gần đây dẫn Bộ Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan nói rằng, Thái Lan đang trải qua đợt hạn nặng nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Bộ này dự kiến bơm 47 triệu m3 nước trong vòng 3 tháng.
Đào 30 hồ trữ nước
Đáng chú ý, Chính phủ Thái Lan dự kiến chi 1,8 tỷ USD để thực hiện kế hoạch chuyển nước sông Mekong. Theo đó, nước này đang xây các cửa dọc Huay Luang - một dòng nhánh của sông Mekong và đào 30 hồ trữ nước gần lưu vực sông Mekong từ năm 2015. Ban Quản lý nước quốc gia Thái Lan đã chấp thuận về nguyên tắc kế hoạch trữ nước này vào ngày 12/1 vừa qua, nhưng cho biết vẫn cần thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dường như giai đoạn đánh giá đã kết thúc sau khi nước này đối mặt hạn hán nghiêm trọng.
Về dài hạn, các máy bơm tạm thời dự kiến được thay thế bằng máy bơm vĩnh cửu, với công suất hoạt động cao gấp 10 lần. Nếu giai đoạn nghiên cứu khả thi cho kết quả tốt, chương trình tích nước quy mô lớn này sẽ được triển khai ở tỉnh Loei, giáp với tỉnh Nong Khai - nơi có một nhánh sông khác trên đất Thái Lan chảy vào sông Mekong. “Chúng tôi tin rằng, điều này không làm giảm mức nước sông Mekong trong quá trình chảy”, Straits Times dẫn lời ông Somkiat Prajamwong, Giám đốc Ban quản lý dự án của Bộ Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan.
Tuy nhiên, những kế hoạch trên của Thái Lan được các chuyên gia nhận định là rất đáng lo ngại đối với các nước ở hạ nguồn như Việt Nam, Lào, Campuchia. Trước đây, các chuyên gia nhiều lần cảnh báo, các đập thủy điện của Trung Quốc cản trở đường di cư của các loài cá và chặn phù sa màu mỡ chảy xuống hạ nguồn. Các cộng đồng sống ven sông phải hứng chịu sự tăng giảm đột ngột của dòng chảy sông do điều tiết của các đập ở thượng nguồn. Giờ đây họ sợ rằng, kế hoạch của Thái Lan sẽ khiến cuộc sống của mình nhọc nhằn hơn.
Straits Times dẫn lời các chuyên gia môi trường nói rằng, Thái Lan cần phải tham vấn Ủy hội sông Mekong (MRC) trước khi chuyển nước. Thái Lan và 3 quốc gia khác trong tổ chức liên chính phủ này, gồm Campuchia, Lào và Việt Nam, chịu ràng buộc bởi một thỏa thuận quy định họ phải thông báo hoặc tham vấn cho các nước khác về hoạt động của mình trên sông về việc chuyển nước.
Ông Somkiat cho rằng, chỉ có thể coi là “chuyển nước” nước nếu nước được lấy từ lưu vực sông này sang sử dụng ở lưu vực sông khác. Vì miền đông bắc Thái Lan được coi là một phần của lưu vực sông Mekong, nên việc lấy nước từ sông này không thể bị coi là chuyển nước, ông Somkiat nói. Tuy nhiên, MRC có quan điểm khác. “Trong mùa khô, việc chuyển nước trong lưu vực cần phải tham vấn trước, còn chuyển nước giữa các lưu vực cần phải có thỏa thuận cụ thể”, Ban thư ký MRC nói. MRC cho biết, họ “chưa hề nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ Chính phủ Thái Lan về kế hoạch chuyển dòng nước từ sông Mekong”.
Không chỉ bị phản đối từ bên ngoài, kế hoạch của Thái Lan cũng vấp phải sự chỉ trích tương tự từ trong nước. “Bộ Thủy lợi Hoàng gia muốn triển khai kế hoạch này trong thời kỳ khó khăn. Nhưng kế hoạch này đang được tranh luận gay gắt và tôi chắc chắn rằng, các quốc gia ven sông khác không đồng ý”, TS Kanokwan Manorom, chuyên gia phát triển nông thôn ở Đại học Ubon Ratchathani (Thái Lan), nói.
Bà Pianporn Deetes ở tổ chức phi chính phủ Các dòng sông quốc tế (International Rivers) trụ sở tại Mỹ nói rằng, chi tiết về kế hoạch lấy nước quy mô lớn từ sông Mekong không được chia sẻ đầy đủ với các nước sẽ hứng chịu hậu quả từ việc làm này. “Với tư cách thành viên của MRC, Thái Lan cần cân nhắc trách nhiệm của mình, đặc biệt với các nước ở hạ nguồn”, Phnom Penh Post dẫn lời bà Deetes.
Việt Nam quan ngại
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại phiên họp lần thứ 43 của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 15 đến 17/3, đoàn Việt Nam nhấn mạnh, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam hoan nghênh việc Trung Quốc xả nước đập Cảnh Hồng; kêu gọi các nước thành viên Ủy hội hợp tác và điều phối trong việc xả nước các đập thủy điện dòng nhánh và có biện pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả dòng nước xả trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng hiện nay.
Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại và đề nghị Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án chuyển nước từ Huay Luang để sử dụng cho nông nghiệp. Phía Thái Lan cho biết, dự án mới đang trong quá trình nghiên cứu và cam kết sẽ sớm cung cấp thông tin. Ngày 16/3, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội có công hàm chính thức gửi Ủy ban sông Mekong các nước Campuchia, Lào, Myanmar vàThái Lan kêu gọi các nước tăng cường quan tâm và cố gắng hết sức trong việc sử dụng hiệu quả, hợp lý và bền vững nguồn nước.
Trả lời câu hỏi của Tiền phong về việc Thái Lan có tham vấn Việt Nam về kế hoạch này như quy định của MRC hay không, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 17/3 khẳng định, lập trường của Việt Nam về vấn đề sử dụng nguồn nước sông Mekong đã nhiều lần được nêu rõ. Việt Nam cho rằng, các quốc gia liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, đảm bảo các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong không ảnh hưởng môi trường của các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và quy định của MRC.