Trước đó, ngày 10/8/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi Họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu thành công giai đoạn tiền lâm sàng thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 có tên là VIPDERVIR.
Theo đại diện Viện Hàn lâm, đây là kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học do PGS.TS Lê Quang Huấn chủ trì, có sự đánh giá khoa học của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của Bộ Y tế. Trong cuộc họp ngày 7/8/2021, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, sau khi thông tin và hình ảnh về sản phẩm thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 được công bố, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên và hình ảnh bao bì gần giống với sản phẩm thuốc thử nghiệm VIPDERVIR, được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C do Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia sản xuất.
Trước thông tin trên, Viện Hàn lâm cho biết, Viện Công nghệ sinh học (trực thuộc Viện Hàn lâm) đã ban hành công văn số 421/CHSH ngày 12/8/2021 nêu, việc Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia đơn phương sản xuất, đăng ký lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR-C là không đúng với nội dung hợp đồng Hợp tác công nghệ sản xuất (chế phẩm VIPDERVIR) ký ngày 20/3/2020 giữa Viện Công nghệ sinh học và Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia. Phía Viện Hàn lâm yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 10/8, đại diện Bộ Y tế khẳng định VIPDERVIR là sản phẩm thuốc điều trị COVID-19, đã trải qua giai đoạn tiền lâm sàng và được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thuốc VIPDERVIR sẽ trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, giai đoạn 1 đánh giá tính an toàn sẽ được rút ngắn do thuốc có nguồn gốc hoàn toàn từ dược liệu y học cổ truyền. Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm lâm sàng trên 60 bệnh nhân COVID-19 để đánh giá tính an toàn, khả năng giảm tải lượng virus của thuốc cũng như số liều tối ưu. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3 sẽ trên 200 bệnh nhân của các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, sau khi thử nghiệm lâm sàng, trên cơ sở đánh giá tính an toàn, hiệu quả và đạo đức của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế sẽ xem xét cấp phép lưu hành sản phẩm này trong điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa.