Viêm cơ tim, bệnh nguy hiểm dễ bị bỏ qua

TP - Thời gian qua, có những bệnh nhân bị sốt cao rồi rơi vào tình trạng sốc nặng, tim ngừng hoạt động, huyết áp tụt, điện tim rối loạn và được chẩn đoán viêm cơ tim.

Mới đây, nữ sinh viên P.T.L (sinh năm 1993), rơi vào tình trạng toàn thân lạnh do tim ngừng hoạt động, sốc nặng, huyết áp tụt sâu, điện tim rối loạn sau cơn sốt cao. Ngay lập tức, bệnh nhân phải sử dụng tới tim phổi nhân tạo (chạy máy ECMO), nhưng chức năng phục hồi chậm. Bác sĩ phải cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim nhưng bệnh tình ngày càng xấu đi, gia đình đã chuyển L. về quê Nghệ An để tiếp tục duy trì sự sống cho cô. Đến 11 giờ trưa 17/4, sau 3 tháng được các bác sỹ và gia đình cố gắng chữa trị, chăm sóc nhưng vì căn bệnh quá nặng, L. đã vĩnh viễn ra đi.

Tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) có bệnh nhân  Đ.T.A (40 tuổi, Hà Nội) sau đợt cảm cúm thông thường nhưng điều trị không khỏi kèm sốt cao, ho, cấp cứu vào viện trong tình trạng sốc, suy tim, được bác sĩ chẩn đoán viêm cơ tim. Sau hơn 1 tháng hôn mê, dù đã được các bác sĩ sử dụng các biện pháp điều trị hiện đại nhất, bệnh nhân vẫn tử vong vì bệnh quá nặng.

Nữ bệnh nhân N.T.H, 16 tuổi (ở Hải Hậu, Nam Định), vào khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) lúc 18h30 ngày 22/2 vì sốc tim. Bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Khoảng 3 ngày trước đó, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, đau mỏi cơ toàn thân, đau tức ngực trái, và đến sáng 22/2 thì xuất hiện nhiều cơn co giật ngắn toàn thân. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hải Hậu trong tình trạng tụt huyết áp và sau khi được sơ cứu, thở oxy và sử dụng thuốc vận mạch, bệnh nhân được chuyển ngay lên Bệnh viện tỉnh Nam Định.

Sau khi được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, y bác sĩ đã nhận định đây là một trường hợp sốc tim cấp do viêm cơ tim. Ngay lập tức một ê kíp do bác sĩ Hạnh chuyên khoa tim mạch đã đặt máy tạo nhịp trong buồng tim cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên khoa Hồi sức Tích cực, để tiến hành chạy tim phổi nhân tạo (ECMO). Sau hơn 1 tháng được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được xuất viện.

Các bác sĩ cho biết, viêm cơ tim thường không có biểu hiện triệu chứng hoặc có nhưng biểu hiện rất mơ hồ. Trong thực tế, nhiều bệnh nhân có thể tự hồi phục và thậm chí họ không biết là mình bị bệnh. Nhiễm virus là nguyên nhân hay gặp nhất, do vậy viêm cơ tim thường nằm trong bệnh cảnh của nhiễm virus như cảm cúm, sốt virus... khiến nó dễ bị bỏ qua.

Phần lớn bệnh nhân chỉ được các bác sĩ phát hiện và cho nhập viện khi đã rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, trụy mạch, bởi dấu hiệu nhận biết bệnh thường trùng với bệnh cảm, ho thông thường. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy bệnh nhân có những triệu chứng hô hấp trước đó như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá như nôn, tiêu chảy hoặc trẻ nhỏ quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém..., không nên chủ quan. Viêm cơ tim do vi khuẩn hoặc virus gây ra, trong đó phải kể đến những thủ phạm như Enteroviruses (Coxsackie B virus), Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, rubella. Bệnh do siêu vi gây ra nên chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng để điều trị kịp thời. Nhiều vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim, trong đó có tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu...

Theo các bác sĩ, số bệnh nhân bị viêm cơ tim đang có xu hướng gia tăng. Từ năm 2009 đến nay, khi Bệnh viện Bạch Mai triển khai hệ thống điều trị tim phổi nhân tạo trung bình tiếp nhận 10 ca viêm cơ tim/năm. Trước đây, khi chưa có hệ thống này, đa số bệnh nhân xác định viêm cơ tim đều không qua khỏi. Phần lớn bệnh nhân viêm cơ tim cấp được ghi nhận có triệu chứng nhiễm siêu vi và không ghi nhận có bệnh lý tim trước khi nhập viện. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác gây nên bệnh như thuốc, tia xạ, hóa chất…