Vicem Hoàng Thạch - Vững vị thế hàng đầu

TP - Cùng với những quyết sách đột phá thị trường, Công ty Vicem Hoàng Thạch có nhiều giải pháp linh hoạt, độc đáo trong sản xuất kinh doanh; trong đó chú trọng cân đối giữa lợi nhuận và thương hiệu.

> Tuổi trẻ Vicem và những sáng kiến tiền tỷ

Cách riêng phát triển thương hiệu

Vicem Hoàng Thạch hiện có 3 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay. Cả ba dây chuyền đều có công nghệ hiện đại bậc nhất, do hãng F.L.Smidth (Đan Mạch) thiết kế, cung cấp. Dây chuyền chính và các công đoạn phụ trợ đều được cơ khí hoá, tự động hoá hoàn toàn.

Từ phòng điều khiển trung tâm thông qua máy tính điện tử, thiết bị vi xử lý, hệ thống sơ đồ công nghệ được gắn đèn chỉ báo thể hiện tình trạng thiết bị và hệ thống camera quan sát, giúp phát hiện sự cố, xử lý, điều khiển hoạt động kịp thời, dễ dàng.

Mấy chục năm hoạt động, đơn vị Anh hùng lao động này đã cung cấp cho đất nước hơn 70 triệu tấn xi măng nhãn hiệu Sư tử, biểu tượng bền vững, an toàn.

Thương hiệu xi măng Hoàng Thạch được coi là niềm tự hào của ngành xi măng VN. Xi măng Hoàng Thạch thường xuyên có mặt trên các công trình trọng điểm quốc gia.

Mấy chục năm nổi danh và đến giờ vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất về lợi nhuận và nộp ngân sách của Tổng Cty CN xi măng VN (Vicem), nhưng chưa bao giờ Vicem Hoàng Thạch phải đối diện khó khăn tiêu thụ như mấy năm nay? Đã có lúc phải tạm dừng dây chuyền 1 vì tiêu thụ chậm - Clinker tồn kho 500.000 tấn; xi măng có ngày chỉ bán được 5.000 tấn.

Thị trường Hải Dương (nơi Cty đứng chân) và Hà Nội, luôn chiếm thị phần tiêu thụ cao, khi ấy cũng giảm chưa từng thấy. Nhưng với sự năng động, bản lĩnh quyết đoán, Cty vẫn biết vượt lên. Bám sát địa bàn truyền thống và các nhà phân phối chính, cùng chia sẻ, gỡ khó để đẩy mạnh bán ra.

Mặt khác, chọn đúng thời điểm tung thêm ra thị trường sản phẩm xi măng xây trát cao cấp MC25, giá bán thấp hơn sản phẩm truyền thống (giá bán MC 25 là 920.000 đồng/tấn, PCB 30 là 1,26 triệu đồng/tấn); tung quân bám sát các trạm trộn bê tông, đưa xi măng Hoàng Thạch tới.

Đồng thời mở đường xuất khẩu xi măng, chấp nhận không mấy lợi nhuận; mở thêm thị trường Móng Cái và nhiều tỉnh miền núi. Nói như Tổng GĐ Đào Ngọc Bình và Phó tổng GĐ Nguyễn Thị Tảo (phụ trách tiêu thụ), để đứng vững và vượt lên được, phải liên tục có “chiêu” riêng.

Ví dụ: Trong khi nhiều Cty đua nhau giảm giá (trực tiếp hoặc khuyến mãi) thì Vicem Hoàng Thạch không, và còn tung thêm sản phẩm (chất lượng cao, giá phải chăng) ra thị trường; đồng thời kêu gọi chia sẻ lợi nhuận từ các mối quan hệ bền bỉ.

“Giữ giá bán là cách bảo vệ thương hiệu, uy tín tốt nhất” - Họ nói và làm được. Kết quả: Đến nay Vicem Hoàng Thạch vẫn khẳng định vị thế một doanh nghiệp lớn, sản phẩm tiêu thụ hết. Phải bán clinker, giảm lợi nhuận, nhưng nộp ngân sách Nhà nước vẫn đầy đủ; 2.800 lao động vẫn thu nhập bình quân 9 triệu đ/người/tháng.

Năm 2012, giá đầu vào tăng cao (than tăng 60 %, xăng dầu tăng 43 %, điện tăng 20,7 %, vỏ bao xi măng tăng 23,5 %...), Cty vẫn đạt doanh thu 4.005 tỷ đồng, lợi nhuận 250 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 225 tỷ đồng (bằng 104,2 % so năm 2011). Quý 1/2013, xi măng Hoàng Thạch tiêu thụ khoảng 1,06 triệu tấn, đạt 138 % kế hoạch, tăng 4 % so cùng kỳ 2012.

Tăng cường hiện đại hóa, tiết kiệm

Xi măng Hoàng Thạch, với lượng tiêu thụ chủ yếu ở khối dân sinh, từ nửa cuối tháng 3/2013 đã tăng lại. Tổng GĐ Đào Ngọc Bình cho biết: Năm 2013, Cty đặt mục tiêu sản xuất hơn 3 triệu tấn clinker, gần 3,5 triệu tấn xi măng; tiêu thụ gần 4 triệu tấn xi măng và clinker, hơn 10.000 tấn vật liệu chịu lửa, 25 triệu vỏ bao xi măng; 250.000 m3 đá xây dựng; doanh thu hơn 4.300 tỷ đồng.

Khác những năm trước, Cty đẩy mạnh đầu tư sản xuất xi măng hơn clinker, dự kiến sản lượng xi măng 2013 nhiều hơn clinker 300.000 tấn. Cùng đó, Cty còn nghiên cứu, sắp đưa ra thị trường một số sản phẩm mới, khả dĩ cạnh tranh các sản phẩm cùng loại.

Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, Hoàng Thạch đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm trong mua bán vật tư, phụ tùng, chi phí văn phòng.

Đặc biệt, đã khoán tiêu hao điện năng các khu vực nguyên liệu, lò nung, xi măng, đóng bao; tiêu hao xăng dầu xưởng xe máy; tiêu hao vật liệu nổ và nhiên liệu xưởng khai thác; tiêu hao than, dầu sản xuất clinker; tỷ lệ phụ gia xi măng; tiết kiệm điện... Năm 2012, tổng giá trị tiết kiệm 132 tỷ đồng.

Nỗ lực sản xuất kinh doanh, Cty đồng thời coi vấn đề bảo vệ môi trường trên hết. Hệ thống lọc bụi nhà máy có chế độ hoạt động nghiêm ngặt; nếu không đảm bảo thông số kỹ thuật, các quy trình quy phạm sẽ tự ngắt.

Đã thực hiện đa dạng hóa chủng loại phụ gia, nâng tỷ lệ phụ gia từ 20 lên 25% (quy khô) và sẽ lên 30% trong tương lai. Dự án tận dụng nhiệt khí thải làm nhà máy phát điện, công suất 14 MW; dùng than nhiệt lượng thấp cùng việc đầu tư thiết bị công nghệ nghiền, đốt hiện đại đang được triển khai.

Theo Báo giấy