Chỉ triển khai được một hợp phần
Năm 2019, từ nguồn vốn khắc phục sự cố môi trường biển theo bồi thường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế được phê duyệt triển khai, do Sở NN&PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần là thả rạn nhân tạo (với tổng mức 150 tỷ đồng) và trồng, phục hồi rạn san hô (với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng). Khi bắt tay thực hiện, dự án được Bộ Tài chính cho tạm ứng 50 tỷ đồng. Đến đầu tháng 4 năm nay, nguồn vốn dự án được bố trí chính thức, với tổng trị giá 140 tỷ đồng.
Đến nay, nếu như hợp phần thả rạn nhân tạo triển khai tại vùng biển Giang Hải (huyện Phú Lộc) sắp về đích, với tiến độ hoàn thành đạt trên 95%, thì hợp phần trồng, phục hồi san hô tại vùng biển Lăng Cô lại dậm chân tại chỗ khi chỉ mới thực hiện ở khâu tư vấn, chưa triển khai trồng trên thực địa.
Cụ thể, với hợp phần thả rạn nhân tạo, các hạng mục thi công hiện được triển khai trên diện tích khoanh vùng thả rạn khoảng 300ha thuộc vùng biển xã Giang Hải. Trước tình hình thi công trực tiếp trên biển chịu ảnh hưởng của thời tiết bất lợi thời gian gần đây, với mưa bão xảy ra thường xuyên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành hợp phần trước ngày 31/12 tới. Với hợp phần này, nguồn vốn hiện đã giải ngân đạt 79% trong tổng số kinh phí 140 tỷ đồng được bố trí của năm 2024.
Hợp phần còn lại gặp nhiều vướng mắc
Đối với hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô, do đây là dự án mới có tính đặc thù, các định mức kinh tế kỹ thuật trồng và phục hồi san hô chưa có, khiến công tác thẩm định phê duyệt dự toán phục vụ dự án gặp khó khăn.
Tìm hiểu của PV, UBND tỉnh TT-Huế từng có văn bản gửi Bộ NN&PTNT nêu kiến nghị về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trồng và phục hồi san hô. Theo ý kiến của Bộ NN&PTNT, tỉnh TT-Huế phải tổ chức rà soát, xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng, phục hồi san hô để phục vụ thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, qua rà soát, công tác xây dựng định mức trong trường hợp giao địa phương thực hiện sẽ gồm 6 - 8 công tác, mỗi công tác phải xây dựng 1 định mức tương ứng, với thời gian thực hiện tối thiểu khoảng 5 tháng (gồm 1 tháng phê duyệt kinh phí, 1 tháng lựa chọn đơn vị tư vấn, 3 tháng để thực hiện). Trong khi đó, dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế chỉ còn thời hạn thực hiện theo quy định đến ngày 31/12/2024.
Ngoài ra, quy trình kỹ thuật nuôi cấy, phục hồi san hô cứng ở vùng biển Việt Nam hiện được Bộ NN&PTNT giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thử nghiệm tại khu vực Hải Vân - Sơn Chà, nên chưa đủ cơ sở để áp dụng xây dựng định mức. Bên cạnh đó, tại TT-Huế chưa có đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để tư vấn xây dựng định mức liên quan hợp phần này.
Mới đây, theo Nghị quyết 144/NQ-CP của Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính giữa TT-Huế và Đà Nẵng, hòn Sơn Chà được giao về TP. Đà Nẵng quản lý. Trong khi chờ các thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện, xác định đường địa giới trên thực địa và các nội dung khác có liên quan, quá trình tiếp tục triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô tại vùng biển Lăng Cô gặp rất nhiều khó khăn và không bảo đảm thời hạn hoàn thành dự án.
Mặt khác, miền Trung hiện trong mùa mưa bão, thời tiết bất lợi thường xuyên tác động đến TT-Huế, nên thời gian thuận lợi để triển khai trồng, phục hồi san hô tại tỉnh này không còn, dẫn đến không bảo đảm thời hạn hoàn thành dự án theo quy định. Do đó, UBND tỉnh TT-Huế đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản.