Vì sao Sông Đà Thăng Long điêu đứng?

Coi Usilk City là “quả trứng vàng”, nhưng Sông Đà Thăng Long đang bị “chết đứng” vì dự án này.

Vì sao Sông Đà Thăng Long điêu đứng?

Coi Usilk City là “quả trứng vàng”, nhưng Sông Đà Thăng Long đang bị “chết đứng” vì dự án này.

Dự án Usilk đang dang dở, chưa hẹn ngày hoàn thiện.
 

Át chủ bài Usilk City

Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long là một thành viên của Tổng công ty Sông Đà, được thành lập tháng 12/2006 với số vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp, sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghiệp và kinh doanh bất động sản.

Dù đạt được một số thành công trong sản xuất thép xây dựng, cửa nhựa lõi thép, nội thất, dược phẩm với những sản phẩm mang thương hiệu chữ U, nhưng Sông Đà Thăng Long chỉ thực sự gây dấu ấn trên thị trường khi trở thành chủ đầu tư của dự án khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội).

Đây là khu đô thị có quy mô 24 ha và mức đầu tư lên tới 1000 tỷ đồng, được đánh giá là một trong những khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội. Khu đô thị bao gồm các hạng mục như: Nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở chung cư cao tầng, với cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị loại I.

Với sự thành công của khu đô thị này đã mang lại một nguồn thu lớn cho Sông Đà Thăng Long và đưa tên tuổi của Sông Đà Thăng Long nổi đình đám trong thị trường bất động sản.

Tiếp nối sự thành công của khu đô thị Văn Khê, cái tên Sông Đà Thăng Long tiếp tục khiến nhiều người phải ngưỡng mộ khi trở thành chủ đầu tư của dự án tổ hợp chung cư đẳng cấp Usilk City (Hà Đông, Hà Nội).

Dự án có quy mô 9,2 ha, bao gồm 13 khối nhà ở chung cư cao tầng, kèm theo các hệ thống công trình dịch vụ công cộng hoàn chỉnh với cảnh quan kiến trúc hiện đại.

Với dự định sẽ biến Usilk City trở thành một Thành phố Trẻ, năng động, có môi trường sống phù hợp với tầng lớp có thu nhập cao và ổn định với các dịch vụ đời sống cao cấp, dự án đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Khoảng cuối năm 2008, giá tại Hợp đồng góp vốn vào dự án này đã là 750 USD/m2, đầu năm 2009 giá căn hộ Usilk City được nâng lên 850 USD/m2, vào đầu tháng 5/2009 giá căn hộ này lại được nâng lên 960 USD/m2.

Đến cuối năm 2009, mức giá được ông Nguyễn Trí Dũng – khi đó là Tổng Giám đốc Sông Đà Thăng Long chính thức công bố khoảng 1.500 USD đến 2.500 USD/m2, tương đương khoảng 2 – 4 tỷ đồng/căn hộ. Tổng số căn hộ tại dự án khoảng 3.000 căn với tổng diện tích sàn hơn 686.000m2.

Và giữa thời điểm thị trường bất động sản đang “nóng”, chỉ trong vòng 1 tháng, giá của dự án đã được chủ đầu tư tăng tới 3 lần. Đặc biệt, dự án bán “đắt như tôm tươi”, số lượng căn hộ còn lại theo một nhân viên tại khu nhà mẫu của dự án tính đến cuối năm 2009 là không nhiều.

Với sự thành công như vậy, trong kế hoạch phát triển 5 năm, từ năm 2010 – 2015, ban lãnh đạo của Sông Đà Thăng Long phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về sản xuất kinh doanh đạt 20%, cổ tức hàng năm đạt 20%.

Những tưởng Usilk City sẽ trở thành lá bài chủ chốt để đưa bản kế hoạch tăng trưởng của Sông Đà Thăng Long trở thành hiện thực, nhưng ai ngờ hiện nay chính Sông Đà Thăng Long đang bị sa lầy ở con át chủ bài này.

Dự án Usilk City được coi là át chủ bài của Sông Đà Thăng Long .
 

Chết vì đầu tư dàn trải

Usilk City, “niềm kiêu hãnh” của Sông Đà Thăng Long hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khiếu kiện của khách hàng do dự án chậm triển khai, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng.

Mới đây nhất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sông Đà Thăng Long, ông Nguyễn Trí Dũng đã phải xin lỗi các khách hàng Usilk city và xin khất bàn giao căn hộ cho khách hàng, do chậm trễ thi công vì thiếu vốn.

Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của Sông Đà Thăng Long, dư nợ của đơn vị này là hơn 5.070 tỉ đồng cuối quý I/2012, chiếm hơn 96% tổng tài sản. Năm 2011, công ty này lỗ hơn 14 tỷ đồn và năm 2012 âm trên 181 tỷ đồng.

Tình hình tài chính của Sông Đà Thăng Long đã đến mức báo động đỏ, buộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phải đưa cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long vào diện bị kiểm soát từ 13/6.

Đến ngày 26/6 thì 15 triệu cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng đã chính thức bị hủy niêm yết. Tổng giá trị hủy niêm yết là 150 tỷ đồng.

Nguyên nhân hủy niêm yết được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa ra là do Sông Đà Thăng Long có lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2012 là 173,7 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp là 150 tỷ đồng.

Khủng hoảng nợ của Sông Đà Thăng Long khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi: Vậy tiền huy động 100% của khách hàng, Sông Đà Thăng Long mang đi đâu?

Lý giải về việc dự án dự án “con cưng” Usilk City đang nằm “đắp chiếu”, vị Chủ tịch hội đồng quản trị Nguyễn Trí Dũng thừa nhận là do công ty đã đầu tư dàn trải khi phát triển các quỹ đất khác để kỳ vọng tương lai công ty còn hoành tráng hơn.

“Ai cũng có mơ ước, con người có mơ ước và doanh nghiệp cũng có mơ ước”, vị lãnh đạo này nói.

Còn trong bản giải trình đề ngày 17/6 gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2012 lỗ và phương án khắc phục, Công ty CP Sông Đà Thăng Long lại cho biết, doanh nghiệp này cũng không thoát khỏi tình trạng chung khi nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản bị khủng hoảng kéo dài từ năm 2010 khiến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và thi công xây lắp gặp rất nhiều khó khăn.

Việc thu vốn từ các dự án bất động sản gặp khó khăn, dòng tiền của doanh nghiệp giảm mạnh nên thiếu hụt nguồn trả nợ ngân hàng làm tăng chi phí tài chính so với kế hoạch.

Một nguyên nhân khác là thị trường chứng khoán năm 2012 biến động mạnh do ảnh hưởng của nền kinh tế nên phần lớn các khoản đầu tư tài chính của Sông Đà Thăng Long vào các công ty con và công ty liên kết đều bị giảm giá, do đó công ty cũng phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.

Và để dịu lòng dư luận, theo văn bản giải trình nguyên nhân thua lỗ năm 2012 và phương hướng khắc phục, Sông Đà Thăng Long cho biết, dự kiến hơn 600 căn hộ của cụm CT1 thuộc dự án Usilk City sẽ được bàn giao cho khách hàng trước ngày 31/12/2013, tạo ra doanh thu trên 540 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến đạt 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để có thể tiếp tục hoàn thiện số căn hộ của cụm CT1 này, theo Sông Đà Thăng Long cần phải có khoảng 460 tỷ đồng nữa, trong khi đến nay mới chỉ có 65 tỷ từ Sông Đà Thăng Long ứng cho nhà thầu, còn số vốn còn lại, khách hàng buộc lại phải móc “hầu bao” của mình ra. Nếu không, căn nhà mơ ước của họ có lẽ sẽ vẫn xa vời.

Nhưng do mất niềm tin vào Sông Đà Thăng Long nên đa phần khách hàng đã không nộp tiền thêm nữa vào dự án, mặc dù đã qua “kiểm soát” của ngân hàng BIDV.

"Chúng tôi sẽ thận trọng đi từng bước một để hoàn thành dự án Usilk City cho đến phút cuối cùng. Tôi cũng sẽ là người chịu trách nhiệm tận cùng tại dự án này. Tất nhiên tôi chưa thể lấy được lòng tin của khách hàng trong thời gian ngắn, nhưng trong thời gian ngắn bằng nỗ lực của mình, của anh em trong công ty sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ theo cam kết”, ông Nguyễn Trí Dũng khẳng định.

Ông Dũng cũng cho biết, thời gian tới công ty sẽ chuyển nhượng một số dự án và cơ cấu nợ tại ngân hàng.

"Thực ra, đến thời điểm này chúng tôi đã cơ cấu nợ được khoảng 80% rồi, đồng thời cũng đã khoanh nợ, giãn nợ", ông Dũng nói.

Cùng với dự án Usilk City, nhiều dự án khác của Sông Đà Thăng Long đến nay vẫn còn dang dở, chưa hoàn thiện như: 3 dự án tại Nha Trang là Dragon Pia tại Khu đô thị biển An Viên, dự án khu đô thị mới Cồn Tân Lập, Dự án Chung cư cao cấp Uplaza đều đang chưa hoàn thành,…

Dự án tòa nhà D2 Giảng Võ (Hà Nội) mới được khởi công năm 2013 cũng đang đặt ra nhiều thách thức về tiến độ khi mà năng lực tài chính của Sông Đà Thăng Long đang dần cạn kiệt.

Theo Châu Anh
VTC News

Theo Đăng lại