Vì sao sinh viên 'nườm nượp' trả phòng trọ?

Khi tân SV đổ về thành phố nhập học, chủ nhà trọ có cớ tăng giá tiền phòng trọ. Không chỉ những sinh viên năm nhất mới gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở mà ngay đàn anh, đàn chị cũng liêu xiêu khi “cơn bão” nhà trọ quá mạnh.

Vì sao sinh viên 'nườm nượp' trả phòng trọ?

Khi tân SV đổ về thành phố nhập học, chủ nhà trọ có cớ tăng giá tiền phòng trọ. Không chỉ những sinh viên năm nhất mới gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở mà ngay đàn anh, đàn chị cũng liêu xiêu khi “cơn bão” nhà trọ quá mạnh.

Tát nước theo… tân sinh viên

Đầu năm học, nhiều nhà trọ ở TP.HCM, nhất là những khu gần các trường ĐH, CĐ tiền phòng trọ đã tăng thêm 200 - 400.000 đồng phòng nhỏ và các phòng độc lập trước có giá 2 – 3 triệu đồng còn tăng lên gần cả triệu. Quanh khu vực trường học nằm ở các quận trung tâm như quận 1, 5, 3 giá phòng trọ chung chủ ở khoảng 2 - 3 người giá dao động từ 2 - 2,5 triệu, còn phòng độc lập có thể lên đến 2,5 - 3,5 triệu tùy diện tích.

Tân SV nhập học, nhà trọ lại có dịp “thổi” giá.
 

Các dãy nhà trọ ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức có giá thấp hơn nhưng cũng đủ người đi tìm nhà phải cân nhắc với mức giá bình quân từ 1,6 đến trên 2 triệu đồng. Với những phòng trọ ở gần trường mức giá thường cao hơn 200 - 300.000 đồng.

Điều này xuất phát từ việc các chủ nhà trọ nắm thời cơ tân SV nhập học, nhu cầu thuê nhà trọ tăng cao để dễ bề tăng giá. Dù biết giá phòng quá cao, bất hợp lý nhưng để có chỗ ở, nhiều SV vẫn phải bấm bụng để thuê nên các nhà trọ giá trên trời vẫn hết chỗ.

Bác Lê Văn Bội, quê ở Vĩnh Long, tìm phòng trọ cho nhập học trường ĐH Sài Gòn cho hay đi tìm nhà trọ ở khắp nơi ở Q.5 nhưng phòng rẻ nhất cũng phải 2 triệu đồng chưa tính điện nước. Khoản tiền đó gia đình không thể nào gánh nổi nên hiện tại cậu con trai bác Bội đành ở ghép với hai SV lạ với giá 800.000 đồng/người trên căn phòng nằm trên lầu chung với chủ nhà rất chật chội, bất tiện.

Nườm nượp trả phòng

Những tưởng, đầu năm học chỉ tân SV mới gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở. Thế nhưng việc tăng giá phòng cao như hiện nay thì không chỉ SV năm nhất mà cả đàn anh đàn chị cũng phải liêu xiêu bám trụ hoặc trả phòng.

Cuối tháng 9, khi có những phòng trống từ đầu hè dành cho tân SV thuê, bà chủ nhà tại khu trọ ở đường Phan Văn Trị (Q. Gò Vấp), gần trường ĐH Công nghiệp lập tức thông báo với những SV cũ giá phòng đồng tăng thêm 400.000 đồng, từ 1,5 lên 1,9 triệu đồng.

Nhiều SV đàn anh đàn chị phải xê dịch chỗ ở vì hết chịu nổi với giá phòng.
 

Những SV ở đây lâu năm choáng váng với mức tăng quá “mạnh tay” này, có người tiếp tục cầm cự nhưng nhiều người phải trả phòng tìm chỗ an cư mới. SV trả phòng, chủ nhà không hề tiếc vì lúc này chỉ sợ không có phòng chứ không thiếu người đến thuê.
Trần Thị Hậu, SV trường ĐH Văn Lang ở chỗ trọ này từ cuối năm 2010, mức giá đầu tiên là 1,1 triệu đã qua rất nhiều lần tăng lên 1,5 triệu cho căn phòng chỉ hơn 9m2.

“Nhưng với mức tăng lên gần nửa triệu như hiện nay thì mình không gánh nổi. Phòng chỉ ở được hai người, cả điện nước mỗi người trên 1,1 triệu đồng là quá sức mình mà chỗ ở đâu rộng rãi gì. Mình đang tìm chỗ trọ mới, đầu tháng 10 này sẽ chuyển hoặc tìm chỗ ở ghép”, Hậu nói.

Sau nhiều năm “bám” trung tâm dễ bề cho việc đi lại, Linh và hai người bạn cùng là SV trường ĐH Tự nhiên TPHCM cũng đành rời phố tìm ra vùng ven do căn phòng đúc ở trên đường Đề Thám (Q.1) đột ngột tăng giá từ 2,7 triệu 3,6 triệu đồng. Họ phản ứng mức giá tăng cao này thì chủ nhà nói thẳng nếu không chấp nhận thì chuyển chỗ để người khác thuê.

SV tiếp tục phải đối diện với cuộc sống khó khăn hơn khi giá phòng tăng cao.
 

Linh đang hướng sang tìm nhà trọ ở Q.4 nhưng cả tuần nay vẫn tìm chưa nổi phòng. “Thì ra rất nhiều nơi tăng giá phòng nên SV lại phải chuyển chỗ, hướng ra các nơi vùng ven hy vọng tìm được giá thấp hơn. Chỗ ở mới của SV luôn xa hơn, chật chội hơn chỗ ở cũ nên SV càng già thì chỗ ở càng xa”, Linh than thở.

Giá phòng có dịp được đẩy lên vào đầu năm, không chỉ tân SV mà những anh chị năm 2 cho đến năm cuối cũng bị ảnh hưởng. Nếu không tìm chỗ ở xa hơn, chật hơn, hay tìm chỗ ở ghép đông người để giảm giá tiền trọ thì họ buộc lại phải tiếp tục cắt giảm các khoản chi tiêu vốn đã rất eo hẹp để bù tiền phòng. Bên cạnh đó, nhiều SV lại lao vào làm thêm với mục đích kiếm tiền nhà trọ có thể kéo theo nhiều hệ lụy không tốt với sinh hoạt và học tập.

Theo Dân trí

Theo Đăng lại