“Nhiều mặt hàng tăng giá không ngờ, mới tháng trước, tôi mua chai dầu ăn chỉ 26.500 đồng/lít, nay đã tăng lên hơn 30.000 đồng/lít; đường cát có giá 15.000 đồng/kg, giờ cũng tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg… Rau củ cũng có giá mới, như rau xà lách, khoai tây, bắp cải… tăng từ 30.000/kg lên 32.000 đồng/kg tuỳ loại” – chị Minh Trang (ngụ Q.Tân Bình) cho biết.
Thực phẩm đầu vào tăng khiến các quầy hàng kinh doanh ăn uống cũng tăng giá theo, trung bình từ 2.000-3.000 đồng/món. Như tô bún bò bình thường trước đây có giá 35.000 đồng/tô, nay nhích lên 37.000 đồng; bánh cuốn 25.000 đồng đã tăng lên 28.000 đồng/hộp… “Nguyên liệu đầu vào tăng nên chúng tôi phải tăng theo dù không muốn” – bà Thủy, kinh doanh hàng ăn ở quận 10 nói.
Ông Đỗ Văn Khuôi - Giám đốc Cung ứng Công ty Sài Gòn Food, cho rằng, đến thời điểm hiện tại, tất cả các nguyên liệu sản xuất, từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng giá. Cụ thể, các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%... Các nguyên liệu nội địa như gạo, thuỷ sản… do tình trạng mất mùa và giảm sản lượng cũng tăng từ 5-20%. Dự báo giá thành chịu ảnh hưởng tăng từ 5-15% tùy từng loại mặt hàng trong quý I và II, và có thể tăng từ 10-25% từ quý III và IV/2021.
“Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài tăng vì cước vận chuyển đường biển và đường hàng không tăng. Thậm chí, một số nơi có dấu hiệu trữ hàng tạo khan hiếm cũng góp phần khiến giá tăng đột biến. Ngoài tăng giá, một số thời điểm nguyên liệu sản xuất còn bị đứt hàng do ảnh hưởng COVID-19 không thể vận chuyển bằng đường hàng không lẫn đường biển” - ông Khuôl nói.
Khảo sát tại một số siêu thị lớn cho thấy, nhiều nhà cung cấp trong nước cũng như cung cấp hàng nhập khẩu đều đề nghị tăng giá. Trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.
“Nhiều sản phẩm thịt thăn lưng, đùi gà, phô mai khô… nhập từ Mỹ và châu Âu được báo giá mới sẽ tăng tới 32% so với đơn đặt hàng hồi tháng 1/2021. Thậm chí, một công ty sản xuất nui thông báo sẽ tăng 40-50%. Trước việc đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, chúng tôi đang đàm phán để làm sao đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa nhà sản xuất, nhà phân phối bán lẻ cũng như người tiêu dùng” - đại diện một siêu thị chia sẻ.
Đại diện đại diện Central Retail (chủ Big C và Go!) thông tin, đơn vị cũng nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp của hai ngành hàng đường và dầu ăn với mức tăng nhẹ. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là nguyên liệu đầu vào tăng giá nên buộc phải đề nghị tăng.
Theo Saigon Co.op, từ giữa cuối tháng 4 đã nhận được đề nghị sẽ tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5, trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.
“Tất cả các đề nghị tăng giá của nhà cung cấp sẽ được Saigon Co.op xem xét cẩn trọng, không áp dụng tăng giá ngay mà phải đưa ra lộ trình hợp lý dựa trên độ trễ đặc trưng của từng lô hàng, từng ngành hàng” - ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op khẳng định.
Nỗ lực giữ giá
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết bên cạnh nỗ lực giữ giá, Saigon Co.op kêu gọi các nhà sản xuất, nhà cung cùng cắt giảm lợi nhuận để giảm giá hàng hóa, nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng.
Theo đó, từ nay đến hết 19/5, hơn 10.000 sản phẩm nhu yếu gồm một số loại sữa, dầu ăn, đường, mì ăn liền... sẽ luân phiên giảm giá từ 20-50%; các sản phẩm thịt gà như gà thả vườn nguyên con, phi lê ức gà, đùi tỏi, má đùi gà… giảm giá trung bình 15% đến hết tháng 5/2021.
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản VISSAN cũng cho hay, cũng sẽ giảm giá đến 15% các mặt hàng thịt heo VietGap và thịt bò Úc từ này đến ngày 2/6 tại tất cả các siêu thị ở TPHCM.