Gương vỡ lại lành
Phương Tây - là mối nguy hiểm lớn nhất của Nga và cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ "bực bội" sau khi xảy ra đảo chính ngày 15/8 khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ suýt chết hụt. Vì thế, Tổng thống Erdogan rất tức giận trước việc Mỹ từ chối dẫn độ giáo sĩ Gulen - người bị cáo buộc nhiều lần tìm cách sát hại ông Erdogan và là nhân vật chính trong âm mưu đảo chính.
Ngay sau đó, Nga đã hành động thể hiện sự ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ khi ông Putin dỡ bỏ các lệnh trừng phạt gây thiệt hại nặng về kinh tế cho Ankara.
Trong cuộc gặp trực tiếp hôm 9/8, Tổng thống Nga Putin cho biết ông ủng hộ ông Erdogan, phản đối hành động đảo chính. "Chúng tôi luôn phản đối mọi hành động vi hiến", ông nói. "Tôi hy vọng dưới sự lãnh đạo của ông, người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua rắc rối (hậu đảo chính) và khôi phục trật tự", ông Putin nói.
Trước cái bắt tay nồng ấm của Nga và thái độ hờ hững của người thổ với Mỹ và phương Tây khiến người Mỹ không phải không lo lắng và cũng đã có những hành động sốt sắng bày tỏ mối quan hệ chưa thể chia rẽ với người Thổ.
Trong ngày 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ với liên minh của NATO
Trong chuyến thăm Ankara lần này, Phó Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh chuyện Washington “đang ủng hộ mạnh mẽ” Thổ Nhĩ Kỳ.
“Phó Tổng thống Mỹ cũng sẽ tái khẳng định Mỹ đang làm mọi thứ để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ truy cứu trách nhiệm những người gây ra vụ đảo chính, song cũng khẳng định cần phải thượng tôn pháp luật” – một quan chức giấu tên nói với Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ trên bàn cờ chiến lược của Nga - Mỹ
Với vị thế địa chính trị quan trọng, trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là tâm điểm trong các cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga.
Theo ông Bruno Tertraits, chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện nay là di sản của những đế chế từng xung đột với nhau trong suốt hơn 3 thế kỷ để tranh giành biển Đen và vùng Caucasus.
Nga hiểu rất rõ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược ngăn chặn sự hình thành của một mặt trận chống Nga do Mỹ và phương Tây đang xúc tiến tại châu Âu sau cuộc chiến chớp nhoáng tại Gruzia năm 2008 và những năm gần đây, giữa 2 nước đôi khi vẫn hình thành mối quan hệ liên minh, dù không chắc chắn và đầy thực dụng, chuyên gia này cho hay.
'Hiểu rõ một Thổ Nhĩ Kỳ nghèo nàn về năng lượng luôn phải coi Nga là nhà cung cấp chính, Kremlin đã sử dụng triệt để ưu thế này như một hành động tăng cường ảnh hưởng và lôi kéo thành viên này của NATO với mục tiêu ít nhất là không thể hiện lập trường chống Nga', ông Tertraits nhận định.
Một 'kỷ nguyên vàng' trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hình thành từ những năm đầu của thế kỉ 21 với những hợp tác kinh tế quy mô, trong đó có một đường ống dẫn dầu dưới biển được xây dựng năm 2003. Đến năm 2014, Nga trở thành đối tác xuất khẩu số 1 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Du lịch cũng là lĩnh vực gắn kết 2 nước, khi du khách Nga chiếm số lượng lớn nhất trong thị phần du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2013 đến nay.
Ngoài ra, 2 nước cũng có nhiều dự án đáng chú ý khác như kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ của Rosatom, với trị giá lên tới 20 tỷ USD, cũng như đàm phán xây dựng đường ống dẫn dầu mới để đưa dầu của Nga tới châu Âu mà không cần đi qua Ukraine.
Trong khi đó, với Mỹ, người Thổ là một thành viên của khối NATO và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vai trò tuyến đầu trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.
Theo ông Yves Boyer, Phó giám đốc quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris, hiểu rõ tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ với khu vực Trung Đông, Mỹ đã tận dụng triệt để cuộc chiến tại Syria để kéo Thổ Nhĩ Kỳ về đúng quỹ đạo của một đồng minh NATO thực sự.
Theo một báo cáo của Reuters năm 2012, được sự hỗ trợ của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 1 căn cứ quân sự bí mật cùng với các đồng minh Arab Saudi và Qatar để viện trợ quân sự và liên lạc trực tiếp với các phiến quân nổi dậy Syria từ một thành phố gần biên giới 2 nước.
Giới phân tích nhận định các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã thực sự ủy nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở bàn cờ Trung Đông, với trọng điểm là chiến trường Syria.
'Người Thổ Nhĩ Kỳ đang thao túng tình hình tại Syria dưới sự chỉ đạo của Mỹ trong kế hoạch nhằm lật đổ Tổng thống Assad.
Mong muốn tạo một vùng đệm hay hành lang an toàn tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là điều bí mật kể từ năm 2012, khi cuộc chiến Syria mới bùng nổ', ông Boyer khẳng định
Đến tháng 6/2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngầm vạch ra một vùng đệm sâu 8km bên trong lãnh thổ Syria. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép không quân coi các mục tiêu đi vào phạm vi vùng đệm là 'kẻ địch'.
Với lợi thế địa lý đắc địa, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp giáp với Địa Trung Hải, Lưỡng Hà và biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu nổi lên là một cường quốc trong khu vực, là cầu nối giữa châu Âu và châu Á, nối giữa thế giới Hồi giáo và Cơ đốc giáo.
Mặc dù không phải nước sản xuất dầu lớn trên thế giới nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại tập trung nhiều đầu mối đường ống dẫn dầu từ khu vực Trung Đông, Trung Á và Nga sang châu Âu. Đặc biệt, nước này nắm “yết hầu” là eo biển Bosporus trên đường vận chuyển dầu từ Biển Đen qua biển Marmara, ra biển Aegea rồi ra Địa Trung Hải, tới châu Âu và đi xa hơn nữa.