Vì sao Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran?

TP - Ngày 8/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký bản ghi nhớ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sẽ tái khởi động các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Getty Images.

Ông Trump nói rằng, thỏa thuận năm 2015 là một thảm họa, không ngăn chặn được Iran phát triển bom hạt nhân. Iran bị cáo buộc đã không trung thực về tham vọng hạt nhân của mình và tiếp tục hỗ trợ các nhóm khủng bố, làm gia tăng thù địch khắp Trung Đông. Giải thích cho lý do rút khỏi thỏa thuận này (tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), ông Trump nói: “Rõ ràng chúng ta không thể ngăn chặn bom hạt nhân của Iran do cơ cấu của thỏa thuận hiện nay đã thối nát. Thỏa thuận hạt nhân Iran là một sự khiếm khuyết căn bản. Nếu không làm gì, chúng ta biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, quốc gia tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới sẽ nhanh chóng sở hữu vũ khí nguy hiểm nhất thế giới”. Ông Trump tuyên bố, bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ Iran về vấn đề hạt nhân cũng sẽ bị Mỹ trừng phạt mạnh.

Tuyên bố của Nhà Trắng được Israel và một số quốc gia Ảrập hoan nghênh. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là quyết định dũng cảm và đúng đắn của Mỹ.

Làn sóng phản đối Mỹ dâng cao

Ngay khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát  biểu trực tiếp trên truyền hình phản đối  hành động của Mỹ. Ông nói rằng, hành động của Mỹ là bất hợp pháp và phá vỡ các thỏa thuận quốc tế. Ông cũng cảnh báo rằng, nếu các cuộc đàm phán với các thành viên khác của thỏa thuận thất bại, chương trình làm giàu uranium của Iran sẽ được tái khởi động trong vài tuần tới.

Ngày 9/5, nhiều nghị sỹ theo trường phái cứng rắn của Iran đã đốt cờ Mỹ trước quốc hội và hô vang “Cái chết dành cho nước Mỹ”. Phong trào phản đối Mỹ, đốt cờ Mỹ cũng dấy lên trong số các nhà hoạt động chính trị tại Iran, trong đó có cả các giáo sỹ dòng Shiite. Nhiều người Iran cũng ra đường phản đối quyết định của Mỹ.

Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung cho biết, họ rất lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ và xác định rõ  họ sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận này. Ba nước này khẳng định, thế giới đã trở thành một nơi an toàn hơn nhờ vào JCPOA; đó là cách tốt nhất để ngăn Trung Đông chạy đua vũ khí hạt nhân. Các nước này cũng cảnh báo Mỹ không nên áp đặt lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn với Iran. Tại cuộc họp các lãnh đạo EU ngày 17/5 tại Bulgaria, vấn đề này sẽ được bổ sung vào chương trình nghị sự. Đồng thời, các nước châu Âu cũng động viên Iran hãy tỏ ra mạnh mẽ và đừng rút lui.

Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan ngại trước hành động của Mỹ. Họ cho rằng, hành động của Mỹ là cơ hội và nhỏ nhen, đồng thời vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Nga sẵn sàng thảo luận với các thành viên khác của JCPOA.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người ký JCPOA, có một bài viết khá dài chỉ trích hành động của ông Trump. Ông gọi đây là một sai lầm nghiêm trọng. “Nếu không có JCPOA, cuối cùng Mỹ có thể bị bỏ lại và đánh mất sự lựa chọn của mình giữa một nước Iran được trang bị hạt nhân và một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông”, ông Obama viết.

Hiểm họa khôn lường

Việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ có hiệu lực từ ba đến sáu tháng kể từ bây giờ, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, ngân hàng trung ương Iran và các doanh nghiệp Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang chuẩn bị lên đường sang Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Khi được hỏi về vấn đề này, ông nói các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực đầy đủ và nhắc nhở Iran rằng, việc bị cách ly ngoại giao và kinh tế là kết quả của các hành động liều lĩnh và độc ác do họ gây ra.

Theo các nhà phân tích, việc ông Trump rút khỏi JCPOA sẽ làm tăng nguy cơ xung đột ở Trung Đông. Bằng chứng cụ thể là ngay sau khi ông Trump công bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một vụ nổ đã xảy ra tại Syria. Đây được cho là hậu quả của vụ không kích của Israel nhằm vào các lực lượng của Iran tại đây. Cơ quan theo dõi nhân quyền Syria sau đó tuyên bố, ít nhất 9 phiến quân chống chính phủ đã thiệt mạng, trong đó có các thành viên của tổ chức Bảo vệ cách mạng Iran. 

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA cũng gia tăng căng thẳng quan hệ với Anh và các đồng minh châu Âu  cùng các đối tác xuyên Đại Tây Dương từ khi ông Trump nhậm chức cách đây 16 tháng, giới quan sát nhận định. Họ cho rằng, hành động của ông Trump sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới ở Trung Đông. Nó càng làm cho Iran có quyết tâm đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.