Vì sao không quy định phân chia kinh phí công đoàn 2% trong luật?

TPO - Theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc không quy định phân chia kinh phí công đoàn trong luật nhằm bảo đảm bảo tính linh hoạt, hài hòa trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

“Dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm”

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là thu 2% kinh phí công đoàn và việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Giải trình ý kiến các đại biểu nêu ra, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp, ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên khai mạc của kỳ họp.

“Đó là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của luật thì phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.

Luật chỉ quy định những vấn đề khung có tính nguyên tắc những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành, phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu.

75% kinh phí công đoàn để lại cho cơ sở

Đi vào các vấn đề cụ thể, ông Khang cho biết vấn đề tài chính công đoàn là một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Các quy định trong dự thảo luật hiện nay đã bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế theo hướng không quy định trong luật việc phân chia kinh phí công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhằm đảm bảo tính linh hoạt, hài hòa.

Do đó, cơ quan soạn thảo đồng tình với đề xuất dự thảo luật chỉ mang tính nguyên tắc, việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ có các quy định chi tiết của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Như Ý

Đối với vấn đề về kinh phí công đoàn, qua thảo luận, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2%. Trong quá trình soạn thảo cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn.

“Kinh phí công đoàn được để lại tại công đoàn cơ sở hiện hành hiện nay đang là 75% để chăm lo cho người lao động. Thực tế rất hoan nghênh nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động. Những vấn đề về doanh nghiệp gặp khó khăn thì Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế tại Điều 30 một điều khoản mới so với Luật Công đoàn (2012), đó là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn”, ông Khang thông tin.

Về đảm bảo tổ chức bộ máy và cán bộ công đoàn, theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, dự thảo luật đã kế thừa, giữ nguyên các quy định mang tính nguyên tắc ở luật hiện hành, không quy định cụ thể các vấn đề mang tính nghiệp vụ cụ thể, như là hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn cơ sở chuyên trách, việc xác định tiêu chí, xác định biên chế cán bộ công đoàn.

Trên tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục báo cáo các cơ quan có thẩm quyền có sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng cán bộ công đoàn để đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoạt động ngày càng hiệu quả, nhất là trong bối cảnh xuất hiện sự cạnh tranh trong hoạt động công đoàn.