Vì sao “Good Morning, Vietnam” thuộc top 100 phim hay nhất nước Mỹ?

“Good Morning, Vietnam” (Xin chào, Việt Nam - 1987) là một phim hài nổi tiếng của điện ảnh Mỹ, xoay quanh đề tài về chiến tranh Việt Nam. Phim là tiếng nói phản chiến vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc từ phía các nhà làm phim Mỹ.

Một trong những phim hài hay nhất của điện ảnh Mỹ 

Cho đến bây giờ, đề tài về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là nỗi "ám ảnh" của các nhà làm phim Mỹ. Họ vẫn nói về chiến tranh Việt Nam với đầy nhức nhối, về một thế hệ đã ngã xuống phi nghĩa ở mặt trận, và những người lính trống rỗng khi trở về.

Một thế hệ thanh niên Mỹ đã bị chính phủ lợi dụng, "bức tử" trong một cuộc chiến tranh giành quyền lực đến mức tuyệt vọng. “Good Morning, Vietnam” (Xin chào, Việt Nam - 1987) là bộ phim hài của Mỹ, lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam và cuộc sống của một phát thanh viên người Mỹ tại Sài Gòn năm 1965. Nam diễn viên Robin William vào vai người dẫn chương trình Adrian Cronauer của đài phát thanh phục vụ các quân nhân Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam.

Với khiếu hài hước bẩm sinh, Cronauer nhanh chóng nhận được sự yêu mến của khán giả nghe đài. Tuy vậy, với cách dẫn “phi truyền thống”, anh gây khó chịu với các sếp trên. Chuyện phim lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật.

Trong phim, phần lớn các bản tin mà Adrian Cronauer đưa là do nam diễn viên Robin Williams tự ứng biến một cách hài hước trước ống kính máy quay. Với vai diễn này, Robin Williams đã được đề cử tại giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đồng thời, anh nhận được một giải Quả Cầu Vàng.

Bộ phim “Good Morning, Vietnam” nằm trong danh sách 100 bộ phim hài hay nhất của điện ảnh Mỹ, do Viện Phim Mỹ bình chọn.

Năm 1965, quân nhân Adrian Cronauer được điều chuyển từ Crete (Hy Lạp) tới Sài Gòn để nhận nhiệm vụ mới - làm một phát thanh viên. Kể từ khi Cronauer xuất hiện, mỗi bản tin của anh đều được thính giả chờ đón bởi nó chứa đựng sự hài hước, bất ngờ mà chưa từng có phát thanh viên nào trước anh làm được.

Trong quá trình làm việc, mâu thuẫn giữa Cronauer và cấp trên ngày càng gia tăng khi anh luôn có tham vọng đưa tin một cách trung thực nhất.

Tại Việt Nam, Cronauer gặp Trinh, một cô gái Việt Nam, và đem lòng yêu mến. Anh tìm mọi cách để tiếp cận Trinh và trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh tại lớp học mà Trinh đang theo học. Chính nhờ lớp học này mà Cronauer đã trở thành bạn của hai chị em Trinh - Tuấn.

Để tiêu diệt “cái gai trong mắt”, cấp trên của Cronauer đã cử anh đi phỏng vấn ngoài chiến trường dẫu biết con đường độc đạo dẫn đến đó đã do quân du kích nắm giữ. Những tưởng Cronauer sẽ bỏ mạng trong rừng già Việt Nam vì vụ chơi xấu này…

Tiếng nói phản chiến của người bên kia chiến tuyến

Trong suốt cả bộ phim, người xem thấy lặp đi lặp lại câu nói đã trở thành “thương hiệu” của Cronauer: “Good Morning, Vietnam!” (Xin chào, Việt Nam!) được “hét” lên một cách đầy hào hứng, đầy sinh lực.

Chỉ duy nhất một lần câu nói “Goodbye, Vietnam!” (Tạm biệt, Việt Nam!) vang lên lúc cuối phim, khi Cronauer chia tay các thính giả, lên máy bay về nước. Những câu nói cuối phim là những lời xúc động nhất:

“Tạm biệt, Việt Nam. Tôi đã không còn gì mới mẻ với các bạn. Giờ tôi may mắn có thể trở về nhà. Bay lên nào… Adrian Cronauer. Anh chuẩn bị mặc thường phục và đừng nhung nhớ đôi giày ghệt. Trên đời này còn có những đôi dép quý giá hơn nhiều, xỏ chúng vào chân và anh tự nhủ: Không có nơi nào bằng nhà mình… Giờ anh được về nhà… Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều sẽ được về nhà…”

Chất hài trong “Good Morning, Vietnam” bông lơn mà sâu sắc, hài hước mà trí tuệ. Với tốc độ “bắn như máy khâu” của Adrian Cronauer, việc cảm nhận thấu đáo chất hài trong cách dẫn dắt các bản tin của anh là một thách thức đối với người xem.

Cronauer là một người hoạt ngôn, lém lỉnh, anh đưa vào bản tin những quan điểm chính trị - xã hội rất riêng của người Mỹ tại thời điểm bấy giờ. Cronauer cũng là một chú tắc kè hoa có khả năng biến hóa tài tình, mọi tin tức phải lên sóng, dù nhàm chán đến thế nào, qua cách dẫn dắt, thêm thắt của anh cũng có thể trở thành truyện hài.

Sự hấp dẫn của “Good Morning, Vietnam” không nằm ở diễn xuất - biểu cảm của diễn viên hay kịch tính - cao trào của phim, mà nằm ở chính những bản tin, cách ứng đáp đầy hài hước và trí tuệ của Cronauer.

Nhân vật Cronauer thực tế khá bí ẩn, anh bất ngờ “rơi vào” phim mà không hề được giới thiệu, chẳng hạn: anh đã làm gì trước khi nhập ngũ, đã từng kết hôn chưa, sở trường sở đoản trong cuộc sống đời thường là gì… Tất cả những gì người ta biết về Cronauer gói gọn trong chương trình phát thanh mà anh được giao phó.

Sự hài hước của Cronauer khiến mọi thứ đều trở nên “thiếu nghiêm túc”: những nhân vật quan trọng (thậm chí cả Tổng thống Mỹ) cũng có thể bị Cronauer biến thành một… “gã hề”, những tướng lĩnh trong quân đội bị mất đi sự uy nghiêm, những vấn đề sống còn (như cuộc chiến tranh Việt Nam) cũng trở nên… không thật, như thể chỉ là một trò đùa vô nghĩa của những kẻ hiếu chiến thích chứng tỏ bản thân.

Vì vậy, đối với cấp trên, Cronauer thật vô tổ chức. Bằng cách đơn giản hóa, hài hước hóa mọi chuyện, nhân vật Cronauer là một biểu tượng của sự yêu chuộng hòa bình, ghét xung đột, đối đầu.

Tuy không trực diện đưa ra phát ngôn phản chiến hay bày tỏ thái độ thù ghét chiến tranh, nhưng việc “tầm thường hóa” cuộc chiến mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam đã khiến mọi nỗ lực “trầm trọng hóa” cuộc chiến, nhằm “hợp lý hóa” mọi lý lẽ gây chiến, bỗng tựa như một trò trẻ con.

Người Việt Nam hiện lên đẹp đẽ

Trong phim, người Việt Nam hiện lên đẹp đẽ, vui tươi, dễ gần và đầy cao thượng.

Cronauer đến Việt Nam và ngay lập tức, anh phấn khích cực độ vì sao phụ nữ ở đây “nhanh nhẹn và lại nhỏ nhắn đến thế”, anh háo hức thấy họ đi trên phố, tà áo dài tung bay, cố phóng xe lên nhìn ngắm nhưng họ lại khéo léo dùng vành nón che mặt. Phụ nữ Việt Nam hiện lên hấp dẫn tuyệt vời với vẻ đẹp Á Đông.

Rồi Cronauer gặp Trinh và đem lòng yêu mến. Chính từ việc quen biết những con người Việt Nam trong lớp học tiếng Anh của Trinh, từ việc yêu mến Trinh, làm bạn với Tuấn, tới thăm ngôi làng của hai chị em Trinh - Tuấn, người đàn ông luôn hài hước, bông lơn này đã có những phút giây trầm lắng, suy ngẫm về bản thân, về cuộc chiến.

Phim cũng là hành trình tự trưởng thành của Cronauer. “Good Morning, Vietnam” là một câu chuyện “đắng cay” về mọi nghĩa, từ cuộc chiến, từ sự nghiệp phát thanh viên của Cronauer, từ tình bạn của Cronauer với Tuấn, và cả chuyện tình cảm giữa Cronauer và Trinh…



Bởi cuộc đời còn có “những đôi dép quý giá”

Tại sao sử dụng chiến tranh làm bối cảnh nhưng “Good Morning, Vietnam” lại đậm chất hài? Hai yếu tố chiến tranh và hài hước liệu có “xung đột, đụng độ” với nhau? Nhà phê bình phim nổi tiếng của Mỹ - Roger Ebert - giải thích rằng: “Có lẽ là bởi trên thế giới này có những người luôn sống trong bất an, họ cần chất hài để có thể học được cách sống hòa bình, không đối đầu, không đụng độ với thế giới”.

Cuối phim, Cronauer lên máy bay về nước vì dính “phốt”, những tưởng đó là một thất bại đối với nhân vật, nhưng nhìn rộng hơn, cuộc đời còn có “những đôi dép quý giá”, không chỉ có những đôi giày ghệt nhà binh.

Trailer phim “Good Morning, Vietnam” (1987)

Theo Bích Ngọc
Theo Dân trí