Vì sao giá xăng giảm mạnh nhiều lần, cước taxi bất động?

TP - Liên quan tới giá dịch vụ vận tải chậm thay đổi trong khi giá xăng dầu thay đổi liên tục (chu kỳ 15 ngày), các chuyên gia cho rằng, điều này do lỗi từ cung cách quản lý với tư duy cốt yếu là không muốn giảm. 
Doanh nghiệp taxi cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá cước mỗi taxi còn phải thay tem nhãn báo giá, đồng hồ cước mất ít nhất 1 ngày. ảnh: A. Trọng

Dễ tăng, khó giảm 

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, câu chuyện giá xăng tăng mọi thứ tăng theo, nhưng giá xăng xuống - mọi thứ không giảm đã thành ‘bài ca muôn thuở”. Tâm lý chung của doanh nghiệp là đã tăng, không ai muốn giảm. Do đó, kinh tế thị trường nhưng nếu không có điều tiết của nhà nước sẽ không kiểm soát được giá cả, đặc biệt giá dịch vụ vận tải, vì liên quan tới lưu thông hàng hóa cho nền kinh tế. Để kiểm soát giá cả hàng hóa dịch vụ, cần sự vào cuộc của cả Bộ Tài chính, Công Thương và Giao thông Vận tải (Bộ GTVT).
Với dịch vụ vận tải (vận tải cả hành khách và hàng hóa), theo ông Thủy, Bộ GTVT phải có cơ chế, chế tài giám sát, xử lý các trường hợp sai phạm.

“Khi giá xăng tăng giá dịch vụ tăng, nhưng khi giá xăng giảm giá dịch vụ không giảm, điều đó chứng tỏ sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt. Phải đảm bảo công bằng với người tiêu dùng, không lộn xộn, cạnh tranh công bằng, đó là trách nhiệm cơ quan quản lý”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, hiện giá xăng dầu thay đổi liên tục theo chu kỳ 15 ngày, trong khi quy định điều chỉnh giá với một số loại dịch vụ giao thông lại mất nhiều thời gian, chi phí. Điển hình như với giá cước taxi, muốn thay đổi doanh nghiệp phải báo cáo, điều chỉnh đồng hồ, dán lại thông báo giá... rất mất thời gian. Điều đó dẫn tới, có khi hôm trước giá taxi vừa tăng hôm sau giá xăng dầu đã giảm, hoặc ngược lại.

“Đó là lỗi của cơ quan điều hành, điều tiết giá theo cơ chế thị trường nhưng quản lý theo cách truyền thống. Điều này lợi cho nhà quản lý nhưng khó cho doanh nghiệp (DN). Nay cách mạng công nghiệp 4.0 rồi, cần có cơ chế linh động, như xăng dầu tăng giảm bao nhiêu, giá cước vận tải phải thay đổi theo, nếu không sẽ bị xử lý. Đồng thời cơ quan quản lý cần đưa ứng dụng công nghệ vào giám sát, cắt giảm thủ tục hành chính thủ công. Việc kê khai giá được công bố công khai, minh bạch từ cả nhà nước và DN để người dân giám sát. Cơ chế mềm như vậy sẽ giải quyết được chuyện giá xăng dầu biến động, nhưng giá vận tải vẫn đứng yên”, ông Thủy đề xuất thêm!

Buông lỏng quản lý?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thế giới đang cạnh tranh mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các mô hình kinh tế chia sẻ rất phát triển. Mô hình kinh doanh mới năng suất cao và hiệu quả hơn mô hình truyền thống, tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn, giao dịch bằng hóa đơn điện tử sẽ nhanh gọn, tiết kiệm hơn giao dịch truyền thống. Càng cạnh tranh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu cho người tiêu dùng.

“Hiện có rất nhiều hình thức vận tải khác nhau, nổi lên là cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Nếu giá của taxi truyền thống không hạ sẽ bị thua taxi công nghệ, trên cơ sở đó, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều hơn”, ông Long phân tích.

Bình luận về việc giá vận tải taxi công nghệ có lúc lên rất cao, lúc xuống thấp, trong khi giá xe truyền thống ổn định, ông Long cho hay: Cơ sở hình thành giá cước vận tải taxi công nghệ dựa trên quan hệ cung - cầu. Chẳng hạn, dịp lễ Tết hay giờ cao điểm, giá vận tải taxi công nghệ sẽ đắt hơn các khung giờ khác. Trong khi với taxi truyền thống, giá cước vận tải do Nhà nước quy định. Hơn nữa, chi phí giá xăng dầu chiếm 35-40% trong tổng chi phí vận tải của taxi truyền thống.

Giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh giảm sâu vào ngày 6/12, theo chuyên gia Ngô Trí Long, cơ quan điều hành giá, quản lý nhà nước (các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải) phải xem xét, yêu cầu các hiệp hội, DN vận tải điều chỉnh giảm giá cước.

“Phải xem xét, tính toán với việc giảm giá xăng sâu như vậy thì giá cước vận tải phải điều chỉnh giảm bao nhiêu cho hợp lý. Nếu DN, hiệp hội vận tải không đồng ý đề nghị họ phải giải trình thuyết phục. Còn các cơ quan quản lý không vào cuộc thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng”, vị chuyên gia này nói.

Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, áp dụng cho năm 2019. Mức giá trần bộ này đưa ra không tăng so với mức hiện nay.

Từ đầu năm 2018, các hãng hàng không trong nước đã đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay do giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, việc làm này của một số hãng hàng không đã khiến Bộ GTVT bị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Điều hành giá phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm. Từ đó, câu chuyện tăng trần giá vé máy bay nội địa không được bàn tới nữa. Hiện mức kê khai giá tối đa của hãng hàng không bằng 76-79% mức trần được phép.