Vi phạm an toàn thực phẩm: Bao che, bảo kê vì lợi nhuận rất lớn

TPO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng công an, thanh tra, quản lý thị trường vào cuộc quyết liệt để xử lý hành chính, xử lý hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm để răn đe, và cũng là bảo vệ mạng sống của nhân dân.  
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, xử lý nghiêm vi phạm vệ sinh ATTP, để bảo vệ sức khỏe của nhân dân

Xử lý dứt điểm chất cấm trong chăn nuôi

Sáng 27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Theo Thủ tướng, đây là vấn đề bức xúc, được nhân dân và xã hội rất quan tâm nhưng Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác này.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của địa phương, của người đứng đầu, của Bộ trưởng, chứ không để trách nhiệm chung chung. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật như: công an, thanh tra, quản lý thị trường phải tham gia, từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm, bảo vệ mạng sống của nhân dân.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, vấn đề vệ sinh ATTP đang diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Trong khi đó, việc quản lý, chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Cũng theo báo cáo, hiện tại vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng saibutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng. Vì thế, thời gian tới  cần xử lý dứt điểm các vấn đề trên.

VPCP đề nghị Bộ Công chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra, khởi tố một số vụ án trong lĩnh vực ATTP theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bao che, bảo kê vì lợi nhuận rất lớn

Thảo luận về các giải pháp đảm bảo vệ sinh ATTP, Bí thư thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với số liệu mà các bộ, ngành báo cáo, vì thực tế diễn ra phức tạp hơn nhiều.

Ông Thăng cũng thẳng thắn cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất để tạo ra sự chuyển biến trong công tác vệ sinh ATTP phải làm rõ tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về ATTP. “Nếu không xác định được trách nhiệm thì sẽ chẳng xử lý được ai cả. Cuối cùng, cả làng đều vui, ăn bẩn cũng vui, vì chẳng phát hiện, chẳng xử lý được ai cả. Nếu cứ để tình trạng này thì chẳng giải quyết được gì”, ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, lợi nhuận từ việc vi phạm vệ sinh ATTP là rất lớn. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao công tác thanh tra, kiểm soát phải nghiêm và thực hiện rốt ráo, không để xảy ra tình trạng bao che, thông đồng. “Lò mổ vi phạm, bất hợp pháp diễn ra công khai mà sao phường, quận lại không biết”, ông Thăng thắc mắc và cho rằng, nếu làm tốt cũng như làm xấu, thì cuối cùng sẽ “hòa cả làng”.

Từ đó, ông Thăng cũng đề nghị cần phải xác định xử lý các cơ quan, đơn vị, cá nhân gây ra tình trạng lộn xộn vệ sinh an toàn thực phẩm. “Nhập chất cấm như thế thì ai chịu trách nhiệm. Nhu cầu cần có 10 cân mà nhập 10 tấn thì phải xử lý chứ”, ông Thăng nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, hiện nay mức xử lý lý vi phạm vệ sinh ATTP là rất nghiêm, trong đó từ ngày 1/7 tới, nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù đến 20 năm. Do đó, vấn đề chính là các cơ quan chức năng có làm hay không thôi, chứ mức xử lý là rất nặng, chứ không phải nhẹ.