Venture Dock 2 có thể bị bắt giữ

TP - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng yêu cầu chủ ụ nổi Venture Dock 2 (VD2) phải đưa phương tiện vào hoạt động, hoặc có biện pháp di dời trong tháng 7-2012, để bảo đảm an toàn hàng hải và vệ sinh môi trường.
những vết han gỉ trên ụ nổi Venture Dock 2

> VSP đã mua lại VD2 với giá 15,5 triệu đô la

Trong khi đó, Chi cục Thi hành án quận Bình Thạnh (THABT), TP Hồ Chí Minh lại đề nghị Cảng vụ Hàng hải Nha Trang không cấp phép rời cảng cho VD2.

Theo một bản án dân sự đã có hiệu lực Cty Cổ phần Thương mại và Vận tải biển Long Sơn (Cty Long Sơn) phải thanh toán cho một công ty khác 3,17 triệu đô la Mỹ, tương đương 61,8 tỷ đồng.

Do Cty Long Sơn đang là chủ VD2, nên ngày 6-3-2012, THABT có công văn gửi Cảng vụ Hàng Hải Nha Trang, đề nghị không cấp phép rời cảng cho VD2, để bảo đảm thi hành án.

Trả lời công văn này, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho biết, sẽ quan tâm tới việc không cấp phép rời cảng cho VD2, khi VD2 có nhu cầu rời cảng.

Về lâu dài, để việc lưu giữ tàu đúng quy định pháp luật, Cảng vụ Hàng Hải Nha Trang đề nghị THABT xem xét thực hiện việc bắt giữ VD2 bằng một quyết định bắt giữ tàu của tòa án có thẩm quyền.

Đồng thời, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cũng mong THABT quan tâm giúp thu hồi các khoản phí, lệ phí hàng hải mà Cty Long Sơn còn nợ Cảng vụ Hàng hải Nha Trang.

Cụ thể, từ tháng 8-2008 đến tháng 6-2010, số phí, lệ phí hàng hải phát sinh do việc neo đậu của VD2 là 24.332 USD. Cảng vụ Hàng hải Nha Trang đã phát hành hóa đơn thu số tiền trên, nhưng Cty Long Sơn chưa trả tiền.

Tổng số phí phát sinh đến nay đã trên 50.000 USD, nhưng thấy Cty Long Sơn chưa có khả năng chi trả nên Cảng vụ Hàng hải Nha Trang không tiếp tục phát hành hóa đơn.

Ngày 19-6, ông Trần Đức Thi, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho biết, năm 2009 VD2 từng bị rê neo, trôi trên vịnh Cam Ranh, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Mới đây Cảng vụ Hàng hải Nha Trang đã kiểm tra các điều kiện an toàn đối với VD2.

Kết quả cho thấy: Hồ sơ đăng kiểm của VD2 đã hết hạn sử dụng; VD2 không có khả năng tự hành nhưng chưa có hợp đồng thỏa thuận thuê tàu lai hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp; chưa có phương án cụ thể để kéo neo di chuyển vị trí; trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa không được bảo dưỡng duy tu tốt, trong tình trạng không sẵn sàng sử dụng…

Cũng trong ngày 19-6, ông Bùi Hữu Sỹ, Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (ĐTCR) phủ nhận việc Cty ĐTCR đã góp vốn vào Cty cổ phần Dịch vụ hàng hải Nam Việt (Cty Nam Việt).

Theo hồ sơ, Cty ĐTCR là một trong ba cổ đông sáng lập Cty Nam Việt, góp 10% vốn điều lệ trong Cty này.

Đầu năm 2009, Cty Nam Việt đã mua lại VD2 của Cty Long Sơn với giá 15,5 triệu USD, sau đó lập dự án hợp tác với Cty ĐTCR để sử dụng VD2 sửa chữa tàu biển.

Theo ông Sỹ, Cty ĐTCR không góp vốn vào Cty Nam Việt bằng tiền, mà bằng lực lượng công nhân có tay nghề và cơ sở vật chất, mặt bằng.

Theo Báo giấy