Vén màn bí ẩn của trung tâm tình báo Không quân Mỹ

Không quân Mỹ trong hơn một thập kỷ qua đã gây dựng một hệ thống xử lý thông tin tình báo có khả năng hỗ trợ bất kỳ sĩ quan nào, từ những người lính trẻ trên mặt trận cho đến các tướng lĩnh hay đô đốc tại trụ sở đầu não.
Bên trong nơi làm việc của một Trung tâm Giám sát và Trinh sát Tình báo thuộc Không quân Mỹ. Ảnh: Defense One

Dù bộ binh Mỹ không đặt chân lên đất Syria, hàng chục máy bay các loại của Washington vẫn liên tục hiện diện trên bầu trời, vừa không kích vừa thu thập mọi thông tin, dù là nhỏ nhất, liên quan tới những động thái của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Những mẩu dữ liệu này được truyền qua vệ tinh tới một cơ sở phân tích cách đó hàng nghìn km, thuộc Căn cứ Không quân Langley ở Virginia, Mỹ.

Tại cơ sở Langley, trong một căn phòng với ánh sáng lờ mờ, có kích thước bằng một nửa sân bóng, các phi công, nhiều người vẫn còn rất trẻ, luôn chăm chú dõi vào màn hình máy tính, phân tích từng hành động của các đối tượng khác nhau để viết thành những bản báo cáo chi tiết. Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể đọc qua những thông tin này.

Do không có những người lính trên chiến trường ở Iraq và Syria để cung cấp bối cảnh cụ thể, nhiệm vụ của những chuyên gia phân tích tại các cơ sở tình báo kiểu này càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong việc phân biệt "kẻ xấu" và "người tốt".

"Nếu bạn chỉ nhìn vào dân chúng bình thường đi lại trên mặt đất, thật khó để chỉ ra đâu là người Hồi giáo dòng Shiite hay người Sunni", Defense One dẫn lời tướng Hawk Carlisle, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Không lực Tác chiến Mỹ (ACC), nói. Tương tự như vậy, "Nếu ISIS không cắm cờ ở nơi chúng hiện diện, việc phát hiện các tay súng cực đoan sẽ trở nên rất hóc búa", ông cho biết thêm, sử dụng cách viết tắt khác của IS.

Để định vị mục tiêu không kích, nhân viên tại Trung tâm Giám sát và Trinh sát Tình báo, đơn vị số 480, thuộc căn cứ Langley, phải xử lý thông tin "thật nhanh chóng và chính xác", đại tá Timothy Haugh, chỉ huy đơn vị, cho hay. Ví dụ ở Afghanistan, một chỉ huy trên bộ, trực tiếp hoạt động ở chiến trường, có thể dễ dàng lý giải thông tin trong các bức ảnh chụp từ trên không. Vì thế, nếu chuyên gia phân tích có khúc mắc, anh ta có thể trực tiếp liên lạc với người đồng nghiệp đang hoạt động trên tiền tuyến để làm rõ.

"Khi không có sự hợp tác của bộ binh, mọi trách nhiệm thu thập thông tin và khiến chúng trở nên hữu ích nhằm hỗ trợ các sĩ quan chỉ huy đều thuộc về chúng tôi", Haugh nói." Xác định những mục tiêu cụ thể trong một môi trường như thế này khó khăn hơn gấp nhiều lần".

Trung tâm Langley chỉ là một trong số 16 cở sở tình báo đặt tại đất Mỹ. Quân đội Mỹ còn sở hữu 3 trạm khác ở Thái Bình Dương và châu Âu. Riêng đơn vị có trên 6.000 nhân viên, chủ yếu xử lý thông tin từ khu vực Trung Đông, sử dụng hệ thống Phân phối chung trên bộ (DCGS).

Trung tâm một ngày nhận khoảng 20 terabyte dữ liệu. Năm 2013, Wing 480 xử lý 460.000 giờ video, 2,6 triệu hình ảnh và tổng hợp 1,7 triệu báo cáo tình báo, Defense Ones dẫn thông tin từ quan chức của Lực lượng Không quân Mỹ, cho hay.

Trung tâm phân tích của Không quân cung cấp từ 75% đến 80% thông tin tình báo trên toàn bộ các chiến trường. Họ xử lý nguồn tin từ cả máy bay không người lái như Predator, Reaper hay Global Hawk đến máy bay có người lái như phi cơ gián điệp U-2, RC-135 Rivet Joint, MC-12 Liberty, E-8 JSTARS. Những đơn vị này cũng có thể tiếp cận các dự liệu của hải quân, thu thập từ máy bay trinh sát hàng hải P-3 và chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet. Công việc của các chuyên gia phân tích là biến những khối thông tin rời rạc và đồ sộ thành những tài liệu hữu ích.

"Bình thường, khi nhắc tới các trung tâm Giám sát và Trinh sát Tình báo của Không quân, hình ảnh mà  chúng ta thường nhìn thấy chỉ là một phần của cơ cấu", Haugh nhận xét. "Đối với chúng tôi, đầu tư vào những khối óc tài năng đang ngồi tại đây chính là điều làm nên khác biệt".

Không quân Mỹ trong hơn một thập kỷ qua đã gây dựng một hệ thống xử lý  thông tin tình báo có khả năng hỗ trợ bất kỳ sĩ quan nào, từ những người lính trẻ trên mặt trận cho đến các tướng lĩnh hay đô đốc tại trụ sở đầu não. "Chúng tôi phải đảm bảo khả năng đáp ứng mọi yêu cầu", Haugh nói.

Theo Vũ Hoàng

Theo VnExpress