Vẽ trong giờ thi

TP - Tất nhiên không phải vẽ trong giờ thi năng khiếu vào các trường liên quan đến hội họa. Tôi từng chứng kiến cảnh hai đứa con mình thi vào hai trường đại học mỹ thuật và kiến trúc. Ngày thi hai môn, gần chục tiếng đồng hồ đứng vẽ, chưa nói về tinh thần, mà chỉ riêng về sức lực bỏ ra thôi, cũng phải cỡ "lực điền".

Năm ngoái có cậu học trò ở Hà Nội thi tốt nghiệp, môn Toán làm xong già nửa bài thì bỏ không làm tiếp, mà ngồi vẽ vời trên giấy nháp. Cho ra chân dung thiếu nữ gây xôn xao cõi mạng. Chắc năm nay cậu vừa học xong năm thứ nhất tại ngôi trường mỹ thuật vốn đam mê từ lâu. Nói theo ngôn ngữ Kinh thánh, phúc thay cho những đứa trẻ sớm biết mình thích gì, biết rõ về khả năng của mình, và cách nào để đạt tới.

Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, ở Huế cũng có một nữ sinh vẽ tranh trên giấy nháp để "giết thời gian" trong giờ thi môn tiếng Anh, sau khi cảm thấy đã đạt đủ số điểm mình cần. “Mình ngồi vẽ để giết thời gian, vì đã dò bài lại nhiều lần. Bức tranh chỉ là cảm hứng nhất thời của mình trong giờ thi. Cảm giác lúc ấy lạ lắm, một sự nhẹ nhõm khi gỡ bỏ được hết áp lực thi cử, nhưng cũng có chút man mác buồn vì thời học sinh của mình đã khép lại”, cô bé chia sẻ với nhà báo.

Tôi quen một cô giáo dạy Văn ở trường chuyên ngoài Bắc. Cô vừa gửi một series tranh của cậu học trò vẫn vẽ trên lớp học. Ngoài ký họa còn có nhiều bức trừu tượng bằng màu nước, rất nhiều bức lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà thơ Trần Dần – thần tượng của cậu, với những phố những nhà, hàng cột điện liêu xiêu,... Giờ thì cậu vừa học xong năm nhất Đại học Ngoại thương. Cô giáo hỏi vì sao không theo Văn, họa, thì cậu bảo “không muốn biến văn, vẽ thành phương tiện kiếm sống, để giữ một tình yêu thuần khiết”.

Mấy năm nay, như nhiều người, tôi cũng "than khóc"cho số phận hàng chục ngàn đứa trẻ trượt kỳ thi vào lớp 10 công lập. Rồi chúng sẽ đi đâu? Nhưng nghĩ lại, sao lại thế? Công lập, chính quy với đại học làm gì, khi ra ngoài đường thấy làm các nghề dịch vụ bây giờ toàn người đã qua đại học?

Hai đứa con tôi, dù đã thi đậu, thậm chí đã học được nửa chặng đường, thì chúng vẫn bỏ ngang để theo đuổi lối đi khác. Chắc hẳn đã có sai số nào đó từ xuất phát điểm. Thì sửa. Giờ có đứa đã cho thấy những năng lực thật bất ngờ. Miễn là chúng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Còn tình yêu với việc vẽ vời, giờ chưa đủ thì cũng cứ "ủ" đấy, cuộc sống mênh mang trồi lặn rồi sẽ đến lúc chín muồi bung mở.

Buông bỏ để say mê, năng động mà tĩnh tại, giữa thời đại lắm ngổn ngang cười khóc này. Theo đuổi sự sáng tạo riêng có, và hạnh phúc với từng cái mình riêng có, đừng để ý thước đo của người khác, là hạnh phúc lớn nhất rồi, phải vậy không? Ngay từ một đứa trẻ con. Đừng bảo với chúng như vậy là thiếu tham vọng, là không đóng góp gì cho xã hội. Bởi biên độ và tháp nhu cầu của đời sống này đã bao la và siêu hình đến mức không ai đủ sức nhận biết hết, đâu chỉ mấy cái đích muôn thuở sờ sờ trước mắt, như vật chất, địa vị, danh vọng? Khi người ta đã tính được rằng, có đến 65% trẻ em bắt đầu bước vào tiểu học hôm nay sẽ làm những công việc mà hiện nay còn…chưa ra đời cơ mà!

Đừng khóc thay cho bọn trẻ.