Những bức tranh thấm đẫm… máu
Trên một hội nhóm với hơn 3,9 triệu thành viên, bức tranh chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Trần Ngọc Khôi đã nhận được hàng nghìn lượt thích và bình luận. Rất nhiều người tỏ ra thích thú và ngạc nhiên khi bức tranh được làm hoàn toàn từ đinh và chỉ. Vào trang cá nhân của chàng trai trẻ này, dân tình càng được phen trầm trồ hơn trước tài năng biến những sợi chỉ mong manh, những cây đinh gai góc trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Khôi kể, năm 2021, trong một lần tình cờ xem được những tác phẩm tranh đinh của một nghệ sĩ Nhật Bản, Khôi đã bị những cây đinh, sợi chỉ hấp dẫn. Từ đó, anh chàng cử nhân chuyên ngành thủy lợi bắt đầu nghiên cứu, mày mò các kênh youtube, tài liệu của nước ngoài để học hỏi. May mắn gặp được những người bạn có cùng đam mê, Khôi đã lập một nhóm nhỏ với khoảng 10 người, đủ lứa tuổi từ 25 đến 40, với nhiều ngành nghề đa dạng, nhưng có chung tình yêu với nghệ thuật tranh đinh chỉ.
“Nguyên liệu chính để làm tranh đinh chỉ gồm có gỗ, đinh và chỉ. Quá trình hoàn thiện một bức thường mất từ 10 ngày đến 1 tháng, cần sự phối hợp của 3 - 4 người với nhiều công đoạn: từ việc lên ý tưởng và phác thảo thiết kế, sau đó là đóng đinh lên bề mặt gỗ theo các điểm đã xác định trước. Cuối cùng là căng chỉ để tạo ra hình ảnh”, Khôi chia sẻ về quá trình làm nên một bức tranh đinh cơ bản.
Có những bức chân dung với độ chi tiết rất cao, Khôi phải sử dụng hơn 15.000 chiếc đinh, khoảng 3.000 mét chỉ và hơn 200 giờ làm việc liên tục trong suốt một tháng trời để hoàn thiện. Trong đó, tác phẩm kỳ công nhất là bức tranh Phật Thích Ca với cỡ lớn 80x120cm, cũng là đơn đặt hàng đầu tiên nhóm nhận làm với cỡ tranh lớn. Thời gian nghiên cứu, thử đi thử lại, gỡ tranh tới 7 lần mất tới hơn 2 tháng mới làm xong bức tranh.
Tôi hỏi Khôi “sợ” khâu nào nhất khi làm tranh, anh chàng cho biết việc cân chỉnh và căng chỉ sao cho đều và đẹp là công đoạn quan trọng và đòi hỏi sự tập trung, khéo léo nhiều nhất. Bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng cấu trúc của bức tranh. Chiều sâu và sáng tối của bức tranh chủ yếu được tạo ra từ cách căng chỉ.
Tuy nhiên, cách đóng đinh cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các điểm nhấn và định hình cấu trúc cho bức tranh. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này sẽ quyết định độ tinh tế và sự sống động của tác phẩm. Khoảng cách đóng đinh cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Nếu đóng quá thưa, bức tranh sẽ thiếu chi tiết; nếu đóng quá gần, việc căng chỉ sẽ trở nên khó khăn và có thể dẫn đến việc các sợi chỉ bị chồng chéo hoặc lộn xộn.
“Trong quá trình làm tranh dây, sự cố thường gặp nhất là chỉ bị rối hoặc đứt khi đang đan vào đinh. Điều này có thể làm gián đoạn quá trình và tốn thêm thời gian để sửa chữa. Đôi khi đinh không được đóng chắc chắn hoặc bị lệch, chúng tôi phải tháo ra và làm lại. Những sự cố này đòi hỏi chúng tôi phải kiên nhẫn và tỉ mỉ hơn để hoàn thành tác phẩm” - Ngọc Khôi chia sẻ thêm. Cũng do dùng búa để “vẽ” tranh nên không ít lần Khôi và các thành viên trong nhóm phải chịu đau đớn, thâm tím đầu ngón tay, thậm chí bật máu vì đóng búa trật.
Đến nay, Trần Ngọc Khôi và nhóm đã hoàn thành hơn 100 bức tranh với nhiều chủ đề khác nhau, chủ yếu là các bức chân dung được đặt hàng để tặng bạn bè, người thân, đối tác; một số bức còn được “du lịch” sang tận Châu Âu, Mỹ…
“Tôi vẫn nhớ mãi bức tranh bà nội của một chị khách ở Nam Định. Bà nội chị đã mất, chị muốn làm tranh chân dung của bà để tặng bố mình. Đây là một trong những đơn đặt tranh đầu tiên của chúng tôi, anh em đã làm đi làm lại nhiều lần, soi từng sợi tóc, nếp nhăn, đường gân... trên ảnh. Đến bây giờ, đây là bức tranh có nhiều kỉ lục nhất của chúng tôi: nhiều thời gian nghiên cứu và thực hiện nhất, độ dài chỉ lên tới 1km” - Ngọc Khôi tâm sự.
Một bức tranh nữa cũng khiến anh chàng nhớ mãi, đó là một vị khách đặt làm tranh về người bố đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. “Anh ấy chỉ còn lại một hình ảnh nhỏ và cũ của bố mình. Chúng tôi cùng anh phục dựng lại ảnh cũ và biến nó thành bức tranh dây. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là món quà tinh thần dành tặng cho người anh hùng trong công cuộc giải phóng đất nước. Mỗi chiếc đinh, mỗi sợi chỉ đều chứa đựng tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi” – chàng trai 8x bộc bạch.
Mong muốn làm nên những bức tranh thuần Việt
Dòng tranh đinh chỉ - String Art - mới du nhập vào Việt Nam. Chất liệu chính để làm tranh là đinh kim loại và chỉ cotton hoặc chỉ polyester. Loại đinh và chỉ có chất lượng cao sẽ đảm bảo độ bền và đẹp của bức tranh.
“Chúng tôi sử dụng đinh và chỉ đặc biệt, được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo độ bền và thẩm mỹ cho tác phẩm. Đinh thường là loại đinh nhỏ, chắc chắn, chống gỉ, có mũ tròn an toàn; còn chỉ phải có độ bền cao, không xù”, Khôi cho biết.
Hiện tại, toàn bộ đinh đều được Khôi đặt mua từ nước ngoài. “Tôi đã thử qua chục loại đinh trong nước nhưng đều không phù hợp, vì đinh nhanh gỉ, lại hơi thô. Tôi vẫn mong muốn sẽ tìm được loại đinh ở trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu, để các tác phẩm hoàn toàn thuần Việt”, Trần Ngọc Khôi thổ lộ.
Gỗ để làm tranh cũng được anh dùng bằng gỗ công nghiệp, tránh dùng gỗ tự nhiên. “Có nhiều đơn hàng, khách muốn làm trên gỗ quý, nhưng tôi từ chối. Tôi không nghĩ đến những điều quá cao siêu nhưng khi cảm thấy không thoải mái thì sẽ không làm”.
Vì ở Việt Nam chưa có nơi đào tạo bài bản về tranh đinh chỉ, nên Khôi và các thành viên trong nhóm đều phải tự học hỏi qua nhiều nguồn, sau đó cùng nhau tạo nên kỹ thuật mới để tranh không chỉ là một sản phẩm mà là một tác phẩm. Dù đang theo đuổi những ngành nghề khác nhau nhưng tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mọi người lại gặp nhau để trao đổi kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ nhau trong quá trình sáng tác.
“Để làm tranh đinh chỉ, cần phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, và sáng tạo. Ngoài ra, khả năng tưởng tượng và cảm nhận về không gian, màu sắc cũng là những yếu tố quan trọng”, Ngọc Khôi nói về những tố chất cần có để theo đuổi môn nghệ thuật độc đáo này.
Trên thị trường cũng có một vài người nữa thử sức với tranh đinh chỉ nhưng Ngọc Khôi vẫn tự tin vào bản sắc, phong cách của nhóm mình. “Chúng tôi đang tập trung vào thể loại tranh chân dung đen trắng nên chỉ dùng trong tranh của thuần đen trắng. Tranh cũng được đóng nhiều đinh hơn để đặc tả được nhiều chi tiết hơn. Các chủ đề khác như phong cảnh, linh vật, chữ, kiến trúc… đang được nhóm nghiên cứu phát triển trong thời gian tới”.
Hiện, nhóm của Khôi đang kinh doanh tranh đinh chỉ thông qua các kênh online và tại các cửa hàng nghệ thuật. Giá của mỗi bức tranh phụ thuộc vào kích thước, độ phức tạp và thời gian hoàn thành. Tranh nhỏ nhất có kích thước khoảng 40x60 cm, lớn nhất có thể lên đến 80x120 cm.
Giải đáp thắc mắc về độ bền của những bức tranh đinh chỉ, Trần Ngọc Khôi cho biết tranh chỉ bảo quản khá đơn giản, chỉ cần tránh để tranh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao. Tốt nhất là treo tranh ở nơi khô ráo, thoáng mát và vệ sinh tranh bằng cách dùng cọ mềm hoặc máy hút bụi nhẹ để làm sạch bụi bám trên bề mặt tranh.
Chia sẻ những dự định sắp tới, Ngọc Khôi cho biết, nhóm đang lên kế hoạch để tổ chức một triển lãm nhằm giới thiệu các tác phẩm của mình đến với công chúng. Đây cũng là cơ hội để nhóm gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng đam mê nghệ thuật, và mang nghệ thuật tranh đinh chỉ đến gần hơn với mọi người.