Vé tàu cao tốc Cô Tô liên tục tăng: Doanh nghiệp tự tung tự tác?

TPO - Liên tục trong 2 năm, cứ gần đến mùa du lịch cao điểm, đồng loạt các công ty vận tải hành khách tuyến Vân Đồn – Cô Tô lại tăng giá vé. Việc làm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và các hoạt động du lịch tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
Vé tàu cao tốc Cô Tô liên tục tăng: Doanh nghiệp tự tung tự tác?

Ngày 20/4, đồng loạt 7 công ty vận tải hành khách tuyến Vân Đôn – Cô Tô và ngược lại đã đồng loạt tăng giá vé. Đối với người dân, vé tăng từ 200 nghìn đồng lền 250 nghìn/lượt. Đối với du khách, tăng giá vé từ 230 nghìn đồng lên 250 nghìn đồng/lượt. Việc làm này đã gặp phải sự phản đối của người dân và các đơn vị kinh doanh du lịch trên huyện đảo Cô Tô.

Việc tăng giá vé không phải bắt đầu từ năm nay, theo người dân Cô Tô, từ ngày bến cảng Cái Rồng được UBND tỉnh Quảng Ninh giao lại cho Cty TNHH vận tải Ka Long quản lý thì liên tiếp bị tăng giá vé. Điều đáng nói các lần tăng giá đều rơi vào những ngày cận kề mùa du lịch cao điểm khiến ngành du lịch huyện đảo này nhiều phen “chếnh choáng”.

Văn bản của Sở GTVT Quảng Ninh bị cho là hợp thức hóa việc tăng giá vé tàu cao tốc Vân Đồn - Cô Tô

Năm 2018, đúng dịp 30/4,1/5, các hãng tàu cũng đồng loạt tăng giá 50 nghìn đồng/lượt. Năm nay lại đúng vào mùa cao điểm, việc tăng giá tiếp tục lặp lại. Trước sự việc bất thường này, UBND huyện Cô Tô đã nhiều lần đề nghị, kiến nghị lên các sở ban ngành nhưng đều không có kết quả.

Khoảng 1 tháng gần đây, đồng loạt 7 công ty vận tải thông báo sẽ tăng giá vé vào dịp cận kề nghỉ lễ. Trước động thái này, UBND huyện Cô Tô đã tức tốc có văn bản đề nghị Sở GTVT Quảng Ninh quan tâm có ý kiến chỉ đạo các Cty vận tải bình ổn, giữ nguyên giá để đảm bảo an sinh xã hội.

Ngày 20/4, các hãng tàu chính thức tăng giá vé theo như thông báo trước đó. Nhưng điều đặc biệt, đến ngày 22/4, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh lại ra văn bản 1792/SGTVT quy định việc không tăng giá vé dịp nghỉ lễ 30/4,1/5, yêu cầu các đơn vị vận tải kê khai, niêm yết, áp dụng giá cước vận tải đã kê khai, phát hành vé vận tải và không tự ý tăng giá.

Văn bản 1792/SGTVT đã ban hành gần như hợp thức hóa việc tăng giá vé của 7 đơn vị vận tải đã đồng loạt tăng giá trước đó 2 ngày. “Chúng tôi không hiểu văn bản này của Sở GTVT có ý gì nữa. Rõ ràng họ đã tăng giá vé trước đó 2 ngày, trong khi đấy sở lại ra văn bản đề nghị bình ổn giá, không tăng giá vé như đã niêm yết công khai. Thật nực cười” – Anh N. H. B. chủ cơ sở lưu trú du lịch tại thị trấn Cô Tô bức xúc nói.

Ngay khi nhận được văn bản của Sở GTVT, ngày 23/4, UBND huyện Cô Tô đã có văn bản hồi đáp, và yêu cầu sở này sớm có văn bản làm rõ việc tăng giá vé của các Cty vận tải đã đúng quy định hay chưa. Dư luận của nhân dân và du khách đang cho rằng việc tăng giá vé là không đúng quy định cũng như không chấp hành đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc không tăng giá vé dịp 30/4, 1/5.

Huyện Cô Tô đề nghị Sở GTVT làm rõ việc tăng giá vé có đúng quy định hay không.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Hiện tại giá vé và việc quản lý bến thủy nội địa luật quy định cũng chưa rõ ràng. Giá vé đều do doanh nghiệp tự kê khai đề xuất với sở GTVT, sở sẽ kiểm tra và quyền quyết định phụ thuộc vào sở. Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị lên đoàn đại biểu quốc hội về vấn đề này”.

Liên hệ với ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc sở GTVT Quảng Ninh, ông Minh cho biết: “Giá vé tàu cao tốc ra Cô Tô đã được phê duyệt từ năm trước, nhưng chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp nên đến năm nay họ mới tăng. Luật quy định như thế thì chúng tôi chỉ có thể vận động doanh nghiệp ủng hộ người dân chứ không có quyền áp đặt được”.

Theo nhiều hãng tàu vận tải từ Vân Đôn ra Cô Tô và ngược lại cho biết, không chỉ việc tăng giá vé mà Cty TNHH vận tải Ka Long còn đặt ra một loạt kiểu thu phí “à ơi”. Cty này bắt buộc các hãng tàu phải nộp lại 15 nghìn trên một đầu khách rời bến, nhưng gặp phải sự phản đối của các doanh nghiệp nên họ chỉ thu 5 nghìn đồng/1 khách.

Không chỉ tăng giá vé với người dân, du khách, Cty TNHH Ka Long còn "vẽ" ra hàng loạt lại phí để thu từ các hãng tàu hoạt động vận tải khách.

Công ty TNHH Ka Long còn “vẽ” ra một loạt loại phí đối với các hãng tàu như phí vệ sinh, phí chạy bảng giá vé tại bến cảng, phí điện nước, phí neo đậu tàu, phí rời bến…Nhiều đại diện các hãng tàu vận tải khách tỏ ra bất bình, nhưng nếu không tuân theo Cty TNHH Ka Long sẽ tìm mọi cách gây khó dễ đối với hoạt động vận tải khách nên nhất nhất họ phải tuân theo.

“Ngay khi Tiền Phong có thông tin về việc tăng giá vé tàu cao tốc Vân Đồn – Cô Tô, chúng tôi đã đề nghị các công ty vận tải giải trình với sở về những vấn đề báo Tiền Phong nêu” – Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh nói.