Theo Báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của QH, tình trạng vi phạm các quy định về VSATTP từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều ở mức báo động.
Diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5 phần trăm tổng diện tích rau cả nước, diện tích cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20 phần trăm. Chỉ một nửa số gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát. Cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm đạt yêu cầu ngày càng giảm.
Giai đoạn 2004-2006 có 61,8 phần trăm cơ sở đạt yêu cầu VSATTP, nhưng giai đoạn 2007-2008 giảm xuống còn 51,8 phần trăm. “Những con số đó gây lo lắng, bất an cho người tiêu dùng”- ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) lo lắng.
ĐB Vũ Thị Diện (Thái Bình) cho rằng, tồn dư hóa chất gây ngộ độc trong thực phẩm là do sự quản lý lỏng lẻo thuốc bảo vệ thực vật, trên thị trường tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn lưu hành.
“Nước ta hiện có trên 3.000 loại thực phẩm chức năng nhưng việc kiểm soát chưa rõ ràng, có sự mập mờ trong quảng cáo, giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Cần hạn chế việc quảng cáo mập mờ này”- Bà Diện nói.
“Trong năm năm, chỉ có 160 vụ việc vi phạm pháp luật về VSATTP được đưa ra xét xử, đó là điều khiến cho chúng ta thấy công tác kiểm tra, xử lý chưa thật nghiêm” - ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nói.
Tăng chi có tăng chất lượng?
ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ cần cân đối ngân sách để bố trí đủ kinh phí cho hoạt động quản lý VSATTP. Dự kiến, với mức chi tăng từ dưới 1.000 đồng lên 9.000 đồng/đầu người (gấp hơn chín lần mức chi hiện tại) sẽ là gánh nặng cho ngân sách.
Nhưng để có được một nguồn dinh dưỡng sạch, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, cho chất lượng nòi giống thì cần quyết tâm thực hiện.
“Tuy nhiên, phải xem xét lại cơ cấu phân bổ kinh phí, tránh phân tán mỗi nơi một ít để cuối cùng dù ngân sách đã tăng chi nhưng kết quả lại không như mong muốn”- ĐB Hằng lo ngại.
Phải quy rõ trách nhiệm
Nhiều ĐB cho rằng, nếu còn tồn tại cơ chế quản lý VSATTP như hiện nay thì phải xác định rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành trong từng khâu của chuỗi hoạt động liên hoàn từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối đến tiêu dùng thực phẩm.
“Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý VSATTP. Hiện nay hoạt động thanh tra kiểm tra còn bất cập, ngộ độc tập thể vẫn xảy ra. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn nhẹ tay với các vi phạm và không thấy nói đến trách nhiệm”- Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nói.
Theo ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội), cần quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cơ sở, đặc biệt các phường, xã vì đây là cấp quản lý trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm, là người phát hiện sớm nhất.